20/08/2022 20:07 GMT+7

Trường đại học hỗ trợ 70% học phí toàn khóa và laptop cho hai thí sinh vùng cao

NGUYÊN NHI
NGUYÊN NHI

'Giống như một phép màu, cho đến bây giờ em vẫn không ngờ mình được nhận học bổng lớn như vậy' - Đó là những chia sẻ của hai thí sinh vùng cao khi được nhận học bổng 70% học phí toàn khóa và laptop từ Trường Đại học Văn Hiến.

Trường đại học hỗ trợ 70% học phí toàn khóa và laptop cho hai thí sinh vùng cao - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Minh Đức - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - trò chuyện cùng hai sinh viên được nhận học bổng - Ảnh: T.V

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Văn Hiến chào đón hai thí sinh ở vùng núi xa xôi đến đăng ký xét tuyển vào ngành Đông phương học, chuyên ngành Hàn Quốc học.

Đó là thí sinh Hầu Thị Pàng dân tộc H’Mông và Rcom H’ Hương dân tộc Gia Rai.

Ở độ tuổi của Pàng và H’Hương, các bạn nữ trong vùng đã lấy chồng sinh con. Nhưng với các em, khát khao sự học đã soi đường cho hai cô gái đi tìm chân trời mới.

Tình cờ một năm trước, Pàng và H’Hương quen biết nhau qua lớp học kỹ năng online. Từ đó đôi bạn trở nên thân thiết và cùng hẹn nhau theo đuổi đam mê với Hàn Quốc Học.

Mang ước mơ lớn đến giảng đường

"Bằng tuổi của em ở quê các bạn đã có chồng con hết rồi nên không đi học tiếp, chỉ còn vài bạn là lên Hà Nội học. Còn em thì vào tận TP.HCM" - Hầu Thị Pàng chia sẻ về hành trình đi học khá đặc biệt của bản thân.

Sinh sống tại bản Mào Phô, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bố mẹ Pàng quanh năm gắn chặt với cánh đồng trong bản để nuôi các con ăn học. Gia đình khó khăn, em gái Pàng (17 tuổi) đã nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Pàng còn một em trai (13 tuổi) theo học lớp bảy.

Khi con nói muốn vào TP.HCM để học đại học, bố mẹ ái ngại với chuyện con gái đi học xa nên khuyên con nghĩ lại. Nhưng niềm khát khao học tập, giấc mơ về tương lai thoát nghèo bùng cháy trong Pàng.

Pàng khẳng định: "Em muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, muốn thành công để giúp đỡ bố mẹ. Bên cạnh đó cũng muốn tạo điều kiện cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn như em sau này có cơ hội để được học tập".

Vùng quê hẻo lánh của Pàng chưa có sóng wifi, muốn gọi về nhà Pàng chỉ tranh thủ nạp tiền điện thoại nói chuyện vài phút cho vơi nỗi nhớ nhà những ngày đầu đặt chân đến thành phố.

Sau đó là hành trình suy nghĩ về công việc làm thêm để trang trải tiền trọ, tiền ăn trong những tháng ngày sinh viên.

Không phụ lòng cha mẹ trông mong

Trường đại học hỗ trợ 70% học phí toàn khóa và laptop cho hai thí sinh vùng cao - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến trao tặng laptop cho Hầu Thị Pàng (bên phải) và em Rcom H’ Hương (bên trái) - Ảnh: T.V

Có hẹn với Pàng, Rcom H’ Hương sinh ra và lớn lên tại buôn Rưng Ma Rai, Xã IaRbol, thị xã AyunPa, tỉnh Gia Lai đã chính thức khăn gói vào TP.HCM chuẩn bị hành trang trước khi trở thành sinh viên Đại học.

Ngày em đi, ba mẹ đưa con đến tận nơi, xem chỗ ăn học của con trong suốt thời gian xa nhà.

"Ba mẹ em trước nay chưa đi đâu xa, lần này đưa em xuống TP.HCM cũng không biết nhiều nhưng hỏi người này người kia để yên tâm dẫn con đi lại", H’ Hương xúc động.

Gia đình H’Hương có năm người gồm bố, mẹ, chị gái, H’Hương và em trai. Bố làm nông thu nhập bấp bênh, cả nhà trông chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ. Chị gái H’Hương đã học đại học và em trai chuẩn bị vào lớp 10.

Tương tự như câu chuyện của Pàng, buôn của H’Hương đa phần các bạn nghỉ học, lập gia đình từ rất sớm. Ba mẹ H’Hương sợ con thất học, phải đi núi, đi rừng vất vả nên dù có khăn cũng xoay xở cho ba chị em Hương ăn học đàng hoàng.

"Lúc biết em muốn học Đại học Văn Hiến, ba mẹ em vừa mừng vừa lo. Mừng vì con gái thứ hai sắp vô đại học. Nhưng lại lo vì mẹ đã xoay sở số tiền lớn cho chị hai em đi học, giờ đến em sợ lo không nổi. Ba mẹ nói sẽ cố gắng" - H’Hương trăn trở.

PGS.TS - Nguyễn Minh Đức - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Hầu Thị Pàng cùng thầy của mình đến trường đăng ký xét tuyển. Sau khi trao đổi và biết được hoàn cảnh gia đình của em, trường đã liên hệ và trao học bổng cho em để em và gia đình yên tâm cho chặng đường phía trước.

Sau đó, thông qua Pàng trường biết thêm về hoàn cảnh của H’Hương. Với mục tiêu không để em nào phải dừng lại ước mơ về nỗi lo học phí, Trường Đại học Văn Hiến rất vui được là cánh tay tiếp nối cho các em ở giảng đường đại học.

Các bạn đừng vội quyết định từ bỏ ước mơ, Khó khăn trước mắt có thể vượt qua nếu có quyết tâm và niềm tin, nhưng ước mơ sẽ mất đi khi chúng ta thực sự từ bỏ."

Với tình yêu lớn ba mẹ dành cho, H’Hương tự nhủ quyết tâm học tập thật tốt để không phụ lòng ba mẹ. Để giấc mơ trở thành Phiên dịch viên tiếng Hàn sẽ trở thành hiện thực với cô gái người dân tộc Gia - rai.

Cả Pàng và H’Hương may mắn có thầy Phan Lê Nghĩa, thầy giáo dạy môn kỹ năng tư duy khi hai em tham gia khóa học online, hỗ trợ kết nối với nhau.

Những ngày hai bạn chưa có việc làm thêm, thầy hỗ trợ tiền ăn để hai tân sinh viên giảm thiểu phần nào chi phí. Thầy cũng là người định hướng, khích lệ các em lựa chọn theo học Hàn Quốc học tại Đại học Văn Hiến.

photo-2

Trao học bổng và laptop cho hai thí sinh vùng cao là chính sách hỗ trợ nhân văn của trường - Ảnh: T.V

Hàng năm, Trường Đại học Văn Hiến luôn công bố các chính sách đồng hành cùng tân sinh viên, chính sách hỗ trợ học phí, phương tiện học tập cùng quỹ học bổng từ 30 đến 50 tỷ đồng.

Đồng thời, trường miễn hoàn toàn 100% dịch vụ hành chính tặng balo, đồng phục thể dục, giữ xe, thẻ sinh viên… cho sinh viên lên đến 10 triệu đồng. Trường còn có chính sách hỗ trợ vay học phí lãi suất 0% hoặc bảo lãnh bảo lãnh vay ngân hàng tài trợ học phí đến 100% cho tân sinh viên.

Tìm hiểu thêm thông tin tại đây hoặc liên hệ hotline 18001568

Trường đại học đa dạng nguồn thu để giảm học phí bằng cách nào? Trường đại học đa dạng nguồn thu để giảm học phí bằng cách nào?

TTO - Đó là một trong những câu hỏi nóng được đặt ra trong tọa đàm 'Để học phí không đè nặng người học' do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-8.

NGUYÊN NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên