Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sau khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng liên đoàn) đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng và hiệu trưởng Lê Vinh Danh, Bộ GD-ĐT đã có trả lời bằng văn bản.
Nhà trường không báo cáo
Trước đó, Tổng liên đoàn đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định, xác minh, cho ý kiến về việc tiến sĩ Lê Vinh Danh được cấp bằng giáo sư tại Preston University có hợp pháp và được công nhận tại Việt Nam hay không. Cụ thể, TS Lê Vinh Danh được Preston University (Hoa Kỳ) cấp bằng chứng nhận giáo sư năm 2007.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư", trong đó phân cấp việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH.
Căn cứ vào quy định này, hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư cho TS Lê Vinh Danh. Tuy nhiên, nhà trường đã không báo cáo Bộ GD-ĐT theo quy định.
Bộ GD-ĐT khẳng định: Preston University - nơi ông Danh được cấp bằng chứng nhận giáo sư năm 2007 - chưa từng được kiểm định chất lượng giáo dục bởi cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng tại Hoa Kỳ.
Chưa xác định "cơ quan quản lý có thẩm quyền" là ai
Tổng liên đoàn đặt câu hỏi: Cơ quan chủ quản thực hiện quyền của chủ sở hữu bằng cách nào khi số lượng tham gia hội đồng trường chiếm tỉ lệ thấp, trong khi quy định của Luật giáo dục đại học (sửa đổi) thì hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số?
Bộ GD-ĐT lý giải tập thể hội đồng trường (trong đó có đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền) có chức năng thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với trường đại học công lập.
Trong quá trình hoạt động, nếu quyền của chủ sở hữu không được đảm bảo do cơ chế tập thể, quyết định theo đa số phiếu thì đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền có quyền và trách nhiệm báo với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra... để yêu cầu nhà trường thực hiện đúng pháp luật và xử lý người vi phạm, nếu có.
Tổng liên đoàn cũng nêu thắc mắc Luật giáo dục đại học (sửa đổi) quy định "Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận…".
Vậy khái niệm "cơ quan quản lý có thẩm quyền" ở đây là cơ quan nào? Đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cơ quan quản lý có thẩm quyền có phải là Tổng liên đoàn không?
Tuy nhiên, đáp lại băn khoăn này, Bộ chưa có câu trả lời ngay, mà cho biết về quy định "cơ quan quản lý có thẩm quyền", Chính phủ sẽ xem xét quyết định cụ thể khi ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật.
Thêm trường hợp "vướng" vì bằng được cấp bởi Preston University
Một chuyên gia về công nhận văn bằng xác nhận với Tuổi Trẻ Online: theo thuật ngữ quốc tế, sự kiểm định bởi tổ chức kiểm định được công nhận của Hoa Kỳ tương đương với sự công nhận của Bộ giáo dục các nước cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nước đó.
Vì vậy, bằng được cấp từ các trường không được kiểm định - như Preston University - sẽ không được chấp nhận làm điều kiện để tiếp nhận làm việc trong các cơ quan nhà nước của các nước trên thế giới. Ngoài ra, các bằng cấp này cũng sẽ không đủ tiêu chuẩn để xét cho người sở hữu bằng được học ở các bậc học cao hơn.
Tại Hoa Kỳ, bằng được cấp từ các trường ĐH, CĐ không được công nhận có phạm vi sử dụng cực kỳ hạn chế. Nó không thể sử dụng để xin việc tại các cơ quan công quyền cũng như trong hầu hết những công việc đòi hỏi đến chuyên môn, nghiệp vụ rõ ràng.
Tại Việt Nam, ở thời điểm này, cũng có lãnh đạo trường đại học phía Bắc vướng bằng tiến sĩ do Preston University cấp nên bị tố bằng không được công nhận, không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm làm hiệu trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận