13/11/2012 16:56 GMT+7

Trùng tu nhà thờ công chúa Diên Phước

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Sáng 13-11, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khởi công trùng tu nhà thờ công chúa Diên Phước, con gái đầu của vua Thiệu Trị, tại phường Kim Long, TP Huế.

F8P2W98C.jpgPhóng to
Bên trong xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Thái Lộc

Ngôi nhà rường một gian hai chái rộng 260m2 này sẽ được hạ giải toàn phần. Sau đó phần nền móng được gia cố bền vững, rồi tiến hành phục dựng y như trước đây. Tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỉ đồng, do Viện Nghiên cứu di sản UNESCO - Đại học Waseda tài trợ toàn phần; Công ty TNHH An Khang - kiến trúc cổ thực hiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013.

Giáo sư Nakagawa Takeshi, giám đốc Viện Nghiên cứu di sản UNESCO - Đại học Waseda, cho biết quá trình trùng tu đồng thời là công trình thực nghiệm, học hỏi kinh nghiệm để phục vụ công tác trùng tu di tích kiến trúc gỗ trong tương lai.

BWtBlVwD.jpgPhóng to
Chuyên gia hai nước Việt Nam và Nhật Bản cùng thắp hương hành lễ trước khi trùng tu công trình - Ảnh: Thái Lộc
YhxhXgEu.jpgPhóng to
Cổng tam quan vào công trình cũng rất có giá trị về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ - Ảnh: Thái Lộc

Nhà thờ công chúa Diên Phước được xây dựng năm 1854, dưới thời Tự Đức. Công chúa Diên Phước (Nguyễn Phúc Tịnh Hảo) sinh năm 1824, đến năm 1846 thì lấy phò mã Nguyễn Văn Ninh, được vua cho ra ở riêng. Hai năm sau, năm 1848 công chúa mất.

Đến năm 1854, trong một lần giỗ kỵ chị cả mình, vua Tự Đức đến thăm thấy nhà quy mô nhỏ lại bị hư hỏng. Nhà vua đã ra lệnh cho Bộ Công xây lại ngôi nhà với tên gọi “Diên Phước trưởng công chúa từ” làm nơi thờ tự chị của mình. Ngôi nhà có không gian khá linh hoạt, vừa để thờ, vừa để ở.

Cho đến nay trải qua bốn đời con cháu công chúa nối tiếp ở dưới mái nhà này. Nay công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

GMmCQFZD.jpgPhóng to
EgiGU81Y.jpg
Kiến trúc Diên Phước trưởng công chúa từ nhìn bên ngoài - Ảnh: Thái Lộc

TS Lê Vĩnh An, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết “ngôi nhà tuy nằm trong dân gian nhưng lại theo thể thức cung đình. Đây chính là ngôi nhà rường một gian hai chái chuẩn mực, quy mô lớn, có giá trị rất cao về mặt kiến trúc lẫn kỹ thuật xây dựng”.

Viện Nghiên cứu di sản UNESCO - Đại học Waseda nhận định: “Đây là một công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa và khoa học công nghệ, là cầu nối giữa dòng kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian ở Huế, rất có giá trị trong dòng chảy của lịch sử kiến trúc Việt Nam nói chung và Huế nói riêng”.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên