21/12/2015 08:27 GMT+7

Trung tâm dạy nghề gần 15 tỉ đồng bỏ hoang

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TT - Trung tâm Dạy nghề thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) được đầu tư 14,789 tỉ đồng. Đến nay sau ba năm đi vào hoạt động, tất cả hạng mục lớn ở đây gồm dãy phòng học, ký túc xá, xưởng thực hành... đều bị bỏ hoang và không sử dụng đến.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trung tâm có bốn khu vực thì chỉ một khu vực ở phòng đào tạo hoạt động, còn lại đều đóng cửa im ỉm. Phòng học gồm hai dãy nhà, sáu lớp học được trang bị bàn ghế thiết bị đầy đủ nhưng do bỏ không lâu ngày nên hư hại nhiều, bám đầy bụi bặm. Khoảng đất trước sân còn được tận dụng để trồng bắp.

Phía sau phòng đào tạo là sân bóng chuyền và ký túc xá cho học viên. Quanh khu vực này cỏ mọc cao quá đầu người, che hết cả lối đi. Ký túc xá gồm một dãy sáu phòng thì đầy lá cây, rác thải trên nền nhà được lát gạch hoa. Tất cả các phòng đều được khóa kỹ càng, những ổ khóa cũng gỉ sét vì để lâu ngày.

Ngay cạnh ký túc xá là xưởng thực hành sửa chữa cơ khí. Xưởng này được khóa kỹ càng, bên trong chỉ có hai chiếc máy phủ đầy bụi bặm và rác thải. Các hệ thống khác như nhà để xe, khu vực vệ sinh, sàn nền, kè đá... đều hoen ố, hư hại, thậm chí nhiều điểm đã hư hại hoàn toàn và không thể sử dụng được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Quang Thanh - giám đốc Trung tâm Dạy nghề thị xã Buôn Hồ - cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các công trình trong trung tâm bỏ hoang là do không có học viên học ở trường.

Theo ông Quang, hầu hết học viên theo học đều do giáo viên phải đến tận thôn bản vận động tuyển sinh. Địa hình các thôn, bản cách xa trung tâm, học viên phần lớn có tuổi, có gia đình nên bắt buộc phải dạy trực tiếp ở các hội trường thôn, xã.

Cũng theo ông Thanh, năm 2015 trung tâm đào tạo được mười lớp thì có chín lớp dạy ở trung tâm thôn bản và chỉ một lớp gồm 35 học viên học ở trường.

“Đây là dự án của UBND tỉnh xây dựng. Khi bàn giao, chúng tôi tiếp nhận thiết kế đã có sẵn như thế, không thể thay đổi được. Các học viên không học ở trường và 75% đào tạo nghề là thực hành nên các dãy phòng học, ký túc xá, xưởng thực hành đều không sử dụng đến. Hiện tại trung tâm đã đề xuất lên UBND tỉnh để nâng cấp lên thành trường trung cấp nghề, hi vọng có thể tận dụng hết những công trình lãng phí” - ông Thanh nói.

Trong khi đó, ông Diệp Bảo Khánh - phó chủ tịch UBND xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ) - cho biết hiện tại việc đào tạo nghề ở địa phương không thu hút được người dân vì học ra cũng không có việc làm và khó áp dụng vào thực tiễn.

Theo ông Khánh, những thanh niên học nghề hầu hết gia đình đều khó khăn. Học viên được đào tạo các nghề như sửa chữa xe máy, máy cày... học ra không có vốn để mở tiệm và cũng khó cạnh tranh vì hiện nay tiệm, xưởng sửa chữa máy móc ở xã khá nhiều.

“Còn các nghề nông nghiệp như trồng trọt cà phê, tiêu, cao su... thì chủ yếu bà con học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và chỉ cần tập huấn vài ngày là được, chứ ít ai bỏ ra 3-6 tháng để học nghề trồng trọt cả” - ông Khánh nói.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên