24/08/2011 07:45 GMT+7

Trung Quốc: Vết nứt ở trục tàu siêu tốc

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Dư luận Trung Quốc đang rúng động với thông tin do tạp chí Tài Tân đăng tải ngày 22-8: Bộ Đường sắt Trung Quốc phát hiện vết nứt trên trục động lực của một tàu cao tốc tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải. Nhiều lỗi tương tự cũng đã được phát hiện trước đó, song tất cả đều không được công khai.

2nq8cgMP.jpgPhóng to
Kho chứa trục động lực chính của các tàu siêu tốc của Trung Quốc - Ảnh: CFP

Người Trung Quốc đang tự hỏi liệu tai nạn ngày 23-7 và hàng loạt sự cố tàu siêu tốc trong cùng thời gian có liên quan đến những lỗi kỹ thuật đã được phát hiện sớm này không? Thảm kịch tàu cao tốc ở Ôn Châu ngày 23-7 làm 40 người chết và khoảng 200 người bị thương xảy ra chỉ tám ngày sau khi Sở Đường sắt Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) phát hiện một vết nứt dài 7,11mm, rộng 2,4mm nằm gần trục động lực ở toa số 11 của tàu siêu tốc CRH380BL chạy tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải. Theo quy định của Bộ Đường sắt Trung Quốc, nếu trục có vết nứt dài trên 2mm thì phải loại bỏ ngay lập tức do có thể khiến tàu trật đường ray khi chạy ở tốc độ cao.

Nguyên nhân gây tai nạn?

Ngày 19-8, báo Đại Công Báo của Hong Kong cho biết ông Văn Thanh Lương, giám đốc Sở Đường sắt thành phố Côn Minh (Vân Nam), đã bị cách chức do nghi ngờ có liên quan đến đường dây tham nhũng của cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân.

Tạp chí Tài Tân cho biết còn nhiều vết nứt tương tự đã được phát hiện ngay từ cuối tháng 6-2011. Dẫn nguồn tin từ Sở Đường sắt Tế Nam, tạp chí này cho biết đã có ba trục động lực bị loại bỏ và bốn trục khác bị thay thế do xuất hiện các vết nứt dài quá quy định. Một báo cáo của nhà cung cấp Tân Liên Bắc Kinh trong tháng 6-2011 cũng xác định đã xuất hiện các vết nứt tương tự trên các trục tàu siêu tốc của Trung Quốc.

Thế nhưng, tất cả phát hiện này đều đã bị Tập đoàn Đường sắt Bắc Trung Quốc (CRN), cơ quan quản lý nhiều tàu cao tốc nhất Trung Quốc, bác bỏ. "Công nhân bảo trì của tập đoàn phát hiện đó chỉ là những đường xước giống vết nứt chứ không phải là bị nứt thật sự" - ông Đàm Hiểu Phong, người phát ngôn của tập đoàn này, khẳng định. Nói vậy nhưng hơn 10 ngày trước (11-8), CRN đã phải cho thu hồi 54 tàu siêu tốc, trong đó có 12 tàu thuộc Sở Đường sắt Tế Nam, 20 tàu thuộc Sở Đường sắt Thượng Hải và 22 tàu thuộc Sở Đường sắt Bắc Kinh. Khi đó, CRN cho biết nguyên nhân của việc thu hồi này chỉ là do “lỗi ở bộ phận cảm biến”!

Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu việc thu hồi này có liên quan đến các vết nứt trên trục động lực hay không. Song dư luận Trung Quốc càng có cơ sở để nghi ngờ khi biết được nhà cung ứng trục cho tàu CRH380BL là Công ty Tri Kỳ, vốn là của cựu nữ đại gia Đinh Thư Miêu, một “mắt xích” quan trọng trong vụ án tham nhũng của cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân. Đinh Thư Miêu đang bị cáo buộc đưa hối lộ để có được những gói thầu cung cấp trang thiết bị cho ngành đường sắt Trung Quốc.

Tri Kỳ là công ty đã giành được hợp đồng cung ứng hơn 60% bộ bánh xe cho tàu siêu tốc và tàu điện ngầm của Trung Quốc trong bốn năm. Tạp chí Tài Tân cho biết trong tháng 7-2011, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã phối hợp với các chuyên gia an toàn kỹ thuật thuộc Công ty khoa học kỹ thuật Tân Liên Bắc Kinh và Sở Khoa học đường sắt Trung Quốc để điều tra lỗi kỹ thuật này, song mọi kết luận và tình tiết vụ việc đều được giữ kín.

Mất lòng tin

CRN tố cáo tạp chí Tài Tân là đã đưa tin không chính xác, bởi chưa có trục động lực nào bị thay thế từ khi tàu CRH380BL được đưa vào vận hành, và từ ngày 30-6 đến 16-8 tàu này đã chạy tổng cộng được 68 triệu kilômet. Trong khi đó, tạp chí Tài Tân vẫn khẳng định sau khi được thay trục mới, tàu CRH380BL và một tàu khác cùng chủng loại đã tiếp tục hoạt động trên tuyến Thượng Hải - Bắc Kinh với vận tốc hơn 300km/giờ.

Đại diện Công ty Tri Kỳ cũng bác bỏ những lỗi kỹ thuật do Sở Đường sắt Tế Nam cung cấp cho báo chí. “Chúng tôi không hề biết gì về việc chủ tịch và kỹ sư trưởng của công ty chúng tôi đã đến Bắc Kinh và Tế Nam để tham gia điều tra” - đại diện bộ phận kỹ thuật của Công ty Tri Kỳ nói. Người này còn viện dẫn Sở Đường sắt Tế Nam đang sử dụng các trục xe sản xuất từ Đức, trong khi công ty của họ nhập kỹ thuật và nguyên liệu của trục động lực từ Ý. Thế nhưng, kết luận điều tra của tạp chí Tài Tân từ Sở Đường sắt Tế Nam lại hoàn toàn ngược lại.

Trong khi sự thật và trách nhiệm cứ bị “đá qua đá lại” giữa các công ty, đơn vị thì niềm tin lại cứ bị gặm mòn. “Tôi không tin tàu siêu tốc nữa, tất cả biện pháp mà chính quyền đang thực hiện từ việc thu hồi sửa chữa đến giảm tốc độ đều không xóa được nỗi sợ hãi của tôi về tàu siêu tốc”- Trần Dương, sinh viên ở Bắc Kinh, nói.

Cùng lúc, người phát ngôn của Cơ quan an toàn lao động Trung Quốc kêu gọi “các cơ quan thuộc ngành đường sắt nên đánh giá lại độ an toàn trong các dự án đường sắt cao tốc. Các phương tiện cũng như các tuyến đường sắt phải thật sự an toàn nhằm tránh những thảm kịch có thể xảy ra trong tương lai”.

Cùng lúc, ga Thượng Hải thông báo 18 tàu siêu tốc đang chạy trên các tuyến đường sắt cao tốc, trong đó có cả một tàu trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải vừa khai trương chưa đầy hai tháng sẽ ngừng phục vụ từ ngày 28-8. Ban quản lý ga cho biết việc ngừng này là để sắp xếp lại lịch trình, song không ai biết liệu nó có liên quan đến những gì mà tạp chí Tài Tân vừa tiết lộ hay không.

__________

Tin bài liên quan:

Trung Quốc giảm tốc tàu siêu tốc“Đừng biến dân thành vật hi sinh cho phát triển thần tốc”Trung Quốc: tàu lửa cao tốc tông nhau, 35 người chếtTrung Quốc sa thải người phát ngôn Bộ Đường sắt

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên