17/06/2015 09:17 GMT+7

Trung Quốc tuyên bố sắp xây xong đảo ở Biển Đông

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ hoàn tất những dự án xây dựng, bồi đắp đảo 
ở Biển Đông trong vài 
ngày tới.

Đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng  và đang gấp rút bồi đắp, xây dựng - Ảnh: Bùi Hồng Thắng
Đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và đang gấp rút bồi đắp, xây dựng - Ảnh: Bùi Hồng Thắng

Chúng tôi nhắc lại rằng các hoạt động của họ, nếu không dừng lại chỉ càng khiến thế giới tiến gần hơn với những bất ổn và với những sự cố dẫn đến hậu quả không thể khắc phục

PETER PAUL GALVEZ  (người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines)

Tuyên bố trên trang mạng của bộ này viết: “Theo thông tin từ các cơ quan chức năng cung cấp, theo đúng lịch trình ban đầu, dự án xây dựng và bồi đắp trên một số đảo và bãi ngầm ở Nam Sa (cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sẽ được hoàn tất sớm”.

Tiếp theo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ cho xây dựng cơ sở hạ tầng có chức năng phục vụ các mục tiêu dân sự lẫn quân sự của Trung Quốc, từ phục vụ nghiên cứu và cứu hộ hải dương đến bảo tồn môi trường và nghiên cứu khoa học, đồng thời đáp ứng một số mục đích quân sự của nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định mục tiêu chính của các công trình này về bản chất là phục vụ dân sự và không nhắm vào “bất kỳ bên thứ ba nào”.

Bộ này vẫn duy trì giọng điệu cũ khi cho rằng các dự án xây dựng trên nằm trong phạm vi “chủ quyền của Trung Quốc và hợp pháp, hợp lý và không thể tranh cãi”. Thông tin trên trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng việc xây dựng này “không hề làm hại đến môi trường biển xung quanh” - một cách phản bác những lời tố cáo gần đây của các nhà khoa học về việc thay đổi hiện trạng bãi san hô, bãi đá quy mô lớn của Trung Quốc khiến môi trường biển mong manh bị xáo trộn.

Cùng lúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng còn phụ họa thêm rằng các dự án biến đá thành đảo của Trung Quốc không ảnh hưởng đến tự do hàng hải cũng như hàng không của tất cả các nước, theo luật quốc tế ở Biển Đông.

Đây cũng là kiểu biện hộ trước những cáo buộc của thế giới trong thời gian qua, bởi các động thái xây dựng bồi đắp đảo của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan ngại Bắc Kinh sẽ dùng các đảo nhân tạo này làm căn cứ quân sự để kiểm soát việc đi lại trên Biển Đông.

Trung Quốc đã dùng kiểu “tấn công tổng lực” trên bình diện truyền thông. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm qua còn dẫn lời giới chuyên gia nước này tán dương tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao là một “tín hiệu minh bạch cho thấy Trung Quốc đang thực hiện các quy trình theo đúng lịch trình mà nước này vạch ra trước đó”.

Ông Triệu Khả Kim - chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Thanh Hoa - cho rằng tuyên bố ngày 16-6 là một hình thức kiểm soát khủng hoảng của Bắc Kinh theo hướng giảm “đồn đoán và căng thẳng” xung quanh việc nước này đang thực hiện ở khu vực Biển Đông. “Cách tốt nhất là chấm dứt thật nhanh mọi vấn đề liên quan đến Biển Đông trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ vào tháng 9-2015” - ông Triệu cho biết.

Tuy nhiên, thông tin trên trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại không cho biết cụ thể việc bồi đắp xây dựng trái phép này sẽ được hoàn tất trên bãi nào trong bảy bãi cạn và đảo san hô mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đang tiến hành các hoạt động rút cát đắp bờ.

Hiện nay, Washington và các nước trong khu vực châu Á quan ngại sau khi xây dựng các đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố vùng đặc quyền của nước này trong khu vực Biển Đông. Nếu việc này xảy ra sẽ giới hạn việc tàu bè cũng như máy bay của các nước di chuyển qua khu vực này.

Trung Quốc tuyên bố sắp xây xong đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

* Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC  (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ):

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm chính thức hóa lập trường của nước này rằng các công trình xây dựng, bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa là để phục vụ phát triển kinh tế, tự do đi lại, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn…

Ngoài ra tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mang tính đánh lừa dư luận bởi vì nếu không tuyên bố, cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng quyết liệt. Trung Quốc muốn thanh minh với thế giới hoạt động xây đảo của nước này là phục vụ mục đích dân sự, một động thái nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế, ngăn chặn sự can thiệp của các nước như Mỹ, và che đậy các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự của họ ở Trường Sa.

Có thể nói đây là một bước lùi về mặt ngoại giao. Đáng lẽ Trung Quốc sẽ làm mạnh hơn, hung dữ hơn trước sự phản đối của thế giới, nhưng nước này quyết định chọn cách nhẹ nhàng hơn theo chiến thuật “một bước lùi, hai bước tiến”.

Việc Trung Quốc chính thức hóa tuyên bố của mình qua kênh ngoại giao mang tính pháp lý rất mạnh. Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng bác bỏ ngay lập tức vì Trung Quốc ngang ngược xây dựng trên vùng biển Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

QUỲNH TRUNG ghi

* Ông HUỲNH TÂM SÁNG (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tác giả công trình nghiên cứu xuất sắc về vấn đề Biển Đông của Chương trình hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông lần 2):

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc sắp sửa hoàn thành việc bồi đắp trái phép đảo ở Trường Sa của Việt Nam có thể là chỉ báo cho một số hàm ý bất ổn về an ninh tại Biển Đông trong tương lai.

Thứ nhất, việc Trung Quốc không tuyên bố thời gian hoàn thành việc này đã thể hiện tính chất “mơ hồ có chủ đích” - là một động thái mang tính thăm dò về hành động và thái độ của các quốc gia. Quan trọng hơn, tuyên bố này của Trung Quốc nhằm thách thức vai trò của Mỹ và những đồng minh của Mỹ tại khu vực.

Đặc biệt khi gần đây Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc bồi đắp đảo tại Biển Đông và theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với một ý nghĩa nhất định, chính là “câu trả lời” cho lời kêu gọi của Lầu Năm Góc.

Thứ hai, nếu Trung Quốc hoàn thành sớm việc cải tạo đất trên quần đảo Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc nhanh chóng đơn phương thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như đã thực hiện tại biển Hoa Đông.

Nếu tham vọng của Trung Quốc trở thành hiện thực, điều này chứng tỏ thực tế rằng ADIZ tại biển Hoa Đông chính là “tiền đề” để Trung Quốc tiếp cận tương tự cho vùng Biển Đông. Như vậy, ADIZ tại Biển Đông sẽ là cơ sở giúp Bắc Kinh củng cố tuyên bố chủ quyền đối với các đảo họ đã chiếm đóng trái phép tại Trường Sa của Việt Nam.

HẢI YẾN ghi

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên