09/06/2015 08:26 GMT+7

G-7 phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Tại hội nghị thượng đỉnh ở Schloss Elmau (Đức), các nhà lãnh đạo G-7 đã lên tiếng phản đối hành vi lấn biển, xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang thực hiện trái phép trên biển Đông.

Các nhà lãnh đạo G-7 tại hội nghị ở Đức ngày 8-6 - Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo G-7 tại hội nghị ở Đức ngày 8-6 - Ảnh: Reuters

Hôm qua, Hãng tin Kyodo dẫn lời phó chánh văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko tiết lộ tại Schloss Elmau, các nhà lãnh đạo nhóm các nước phát triển G-7 bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với chương trình xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc.

G-7 mô tả đây là “hành vi đơn phương, nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông”. Nhiều khả năng kết luận này sẽ được đưa vào thông cáo chung của hội nghị G-7 sau ngày họp thứ hai (8-6).

Ông Seko cho biết tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chỉ trích các hành động gây hấn của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Ông Abe cho rằng các nhà lãnh đạo G-7 “không thể để yên cho những hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.

Tháng 4 vừa qua, ngoại trưởng các nước G-7 cũng từng bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông, đặc biệt là “các hành vi đơn phương như lấn biển quy mô lớn”.

Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế

Theo ông Seko, tại Schloss Elmau các lãnh đạo G-7 kêu gọi Trung Quốc giải thích rõ đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay bắt nạt các nước láng giềng.

Khi gặp gỡ bên lề hội nghị G-7, Thủ tướng Abe và Tổng thống Pháp François Hollande cũng chia sẻ mối lo ngại về hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.

Ông Abe thông báo với ông Hollande rằng Trung Quốc đang tăng tốc lấn biển, xây đảo nhân tạo trên biển Đông, đồng thời xây nhiều cơ sở trên các đảo này. Thủ tướng Nhật cho rằng đây là hành vi khiêu khích của Trung Quốc.

Phản ứng của G-7 phản ánh rõ tâm lý lo ngại chung của cộng đồng quốc tế đối với việc làm này của Trung Quốc trên biển Đông, tuyến hàng hải thương mại quan trọng bậc nhất thế giới.

Trước hội nghị G-7, cũng đã có hàng loạt quốc gia cùng giới học giả quốc tế lên tiếng chỉ trích chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc. Mới đây, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel và học giả Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Tổ chức Heritage Foundation, đều kêu gọi Hàn Quốc lên tiếng phản đối các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.

Ông Russel, chuyên trách về Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng Hàn Quốc là một thành viên quan trọng giúp duy trì trật tự quốc tế, đồng thời cũng là một quốc gia thương mại lớn, do đó cần lên tiếng chỉ rõ những sai trái của Trung Quốc.

Từ Seoul, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định cần phải bảo vệ tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trên biển Đông. Phía Hàn Quốc cũng bày tỏ hi vọng các nước trong khu vực tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Cứng rắn với Nga

Tại Schloss Elmau, các nhà lãnh đạo G-7 cũng đạt thỏa thuận không dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga cho đến khi Matxcơva và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Bất kỳ động thái giảm cấm vận nào cũng đều phụ thuộc vào Nga và các hành xử của nước này ở Ukraine. Chúng ta phải gửi thông điệp mạnh mẽ đến Nga”.

Thậm chí, G-7 đe dọa sẵn sàng tăng cường trừng phạt Nga. Trước đó Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên án “hành vi gây hấn của Nga ở Ukraine”.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo G-7 khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với Nga về các vấn đề khu vực. Hiện phương Tây vẫn cần sự hợp tác của Nga để hoàn tất đàm phán hạt nhân với Iran cũng như giải quyết cuộc xung đột Syria.

Đây là hội nghị G-7 thứ ba liên tiếp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin không được mời tham dự. Nga gia nhập câu lạc bộ các nước công nghiệp phát triển vào năm 1998 và giữ vai trò thành viên G-8 cho đến năm 2014.

Ngoài hai điểm nóng biển Đông và xung đột Ukraine, các lãnh đạo G-7 cũng lên án CHDCND Triều Tiên vì tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, vi phạm nhân quyền. G-7 cũng tìm kiếm sự đồng thuận chung về nỗ lực chống biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Paris (Pháp).

Tổng thống Pháp Hollande khẳng định các nước cần đến Paris với cam kết quyết giảm khí nhà kính khiến Trái đất ấm dần lên.

Về phương diện kinh tế, các lãnh đạo G-7 bày tỏ hi vọng châu Âu sẽ tìm ra giải pháp giúp Hi Lạp cải tổ và tăng trưởng trở lại mà không ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu. Athens hiện đang cạn tiền mặt và sẽ vỡ nợ nếu không đạt được một thỏa thuận với khối đồng euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Ở Schloss Elmau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tỏ ra rất bức xúc với Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras vì ông này vẫn đang bác bỏ các đề xuất của châu Âu. Ông Juncker nhấn mạnh nguy cơ Hi Lạp vỡ nợ và bị tách ra khỏi khối đồng euro là hoàn toàn có thể xảy ra nếu Athens không chấp nhận cải tổ.

Nhật kêu gọi AIIB đảm bảo minh bạch

Tại hội nghị G-7, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng phải đảm bảo sự minh bạch về quản trị và cho vay.

Ông Abe nhấn mạnh các dự án đầu tư hạ tầng của AIIB cần được quản lý chặt chẽ, bảo vệ môi trường và xã hội. “Nếu không có các biện pháp chống tham nhũng, các nước đang phát triển sẽ không thể xây dựng hạ tầng một cách bền vững” - ông Abe cảnh báo.

Thủ tướng Nhật cho biết Tokyo sẽ chỉ xem xét gia nhập AIIB khi Trung Quốc giải quyết rõ ràng các vấn đề như nạn tham nhũng, nguy cơ môi trường, tiêu chuẩn quản trị...

Ông Abe cũng không quên quảng bá cho sáng kiến “đầu tư hạ tầng châu Á chất lượng cao” mà Nhật vừa khởi động. Dự án này trị giá 110 tỉ USD, đầu tư trong năm năm tới.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên