Tiêm kích Su-35 và máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc bay ngang eo biển Đài Loan năm 2018 - Ảnh: THX
Giữa tuần này, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc kêu gọi ngừng đối đầu quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Đài Bắc về với đại lục và gợi ý mô hình "một quốc gia, hai chế độ" là cách tốt nhất để hiện thực hóa giấc mơ thống nhất.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh một Đài Loan độc lập là đi ngược lại xu hướng của lịch sử và chỉ dẫn tới kết cục bi thảm.
Giới phân tích lưu ý sau 70 năm chia cắt, Trung Quốc giờ đây đã đủ tự tin và mạnh mẽ đưa ra chương trình nghị sự quyết định số phận tương lai của đảo Đài Loan.
Nội bộ cầm quyền Đài Loan chia rẽ
Bốn nhân vật có tiếng nói trong Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) đang cầm quyền tại Đài Loan đã cùng gửi một tâm thư đến nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, kêu gọi bà từ bỏ tham vọng ra tranh cử lần hai và hãy làm tròn vai trò trong suốt thời gian tại vị còn lại.
Bức thư gây xôn xao được đăng công khai trên các tờ báo địa phương Đài Loan ngày 3-1 cảnh báo nếu bà Thái tiếp tục tham quyền cố vị, sự chia rẽ trong nội bộ DPP là điều không thể tránh khỏi.
Sự việc diễn ra đúng một ngày sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan từ chối lời kêu gọi thống nhất của chủ tịch Trung Quốc theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
"Những yêu cầu của chúng tôi rất rõ ràng: Đầu tiên, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn phải từ bỏ tham vọng tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai và tuyên bố chỉ phục vụ một nhiệm kỳ. Thứ hai, bà Thái phải trao lại quyền hành pháp và rút lui vào hậu trường để người khác thành lập nội các theo quy định của hiến pháp" - báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong trích dẫn nội dung bức thư.
Những điều trên đây cho thấy những khó khăn ghê gớm mà DPP phải đối mặt sau thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11 năm ngoái.
Việc để mất tới 2 triệu lá phiếu, 7/13 khu vực trọng yếu - bao gồm cả thành phố Cao Hùng vốn được mệnh danh là thành trì của DPP ở miền nam, đã buộc bà Thái phải từ chức chủ tịch đảng.
Trái ngược với đà thất bại của DPP, Quốc dân đảng vốn thân Trung Quốc lại đang trên đà đi lên với quyết tâm giành lại chính quyền trong cuộc "tổng tuyển cử" vào năm 2020.
Các lãnh đạo DPP chua chát thừa nhận trong bức thư rằng chiến thắng của Quốc dân đảng hồi năm ngoái đồng nghĩa mọi cánh cửa trên hòn đảo đã mở toang với đại lục khi những người đứng đầu các chính quyền địa phương, trải dài từ bắc xuống nam Đài Loan, giờ đã là người thân Trung Quốc.
Bên kia eo biển, Bắc Kinh tiếp tục công kích bà Thái sau khi bà phản đối mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
"Bà Thái nên tự nhìn lại bản thân sau các thất bại của DPP thay vì tiếp tục thúc đẩy các chính sách đối đầu với đại lục" - Ma Xiaoguang, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nhấn mạnh.
Trung Quốc vừa chủ động công bố hình ảnh thực hiện thử nghiệm "siêu bom" do công ty vũ khí quốc doanh Rorinco chế tạo - Ảnh cắt từ clip
Bắc Kinh muốn thay đổi hiện trạng
Trong quá khứ, những trao đổi giữa hai bờ eo biển Đài Loan luôn bị xáo trộn mỗi khi có sự thay đổi người lãnh đạo ở Đài Bắc. Khi DPP lên cầm quyền, cách tiếp cận ôn hòa với Bắc Kinh của Quốc dân đảng lập tức bị lật lại.
Dù còn nhiều bất đồng, song giới học giả Trung Quốc đều nhất mực khẳng định Quốc dân đảng đã công nhận "Đồng thuận 1992" trong đó thừa nhận cả đại lục và Đài Loan đều cùng thuộc về một Trung Quốc, mở đường các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai bên.
Nhưng DPP của bà Thái thì một mực phủ nhận "Đồng thuận 1992" và đóng băng mọi trao đổi. Việc chủ tịch Trung Quốc đưa ra các cam kết đảm bảo toàn vẹn tài sản, tự do cá nhân, tôn giáo và lối sống của "các đồng bào Đài Loan" cho thấy giữ nguyên hiện trạng không phải là mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc.
"Bắc Kinh đã tính đến cả giai đoạn hậu thống nhất Đài Loan" - ông Yu Keli, giám đốc Viện nghiên cứu Đài Loan thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định.
Dù tuyên bố "người Trung Quốc không đấu với người Trung Quốc", ông Tập lại từ chối đưa ra cam kết không sử dụng vũ lực để thống nhất và ngăn cản Đài Loan độc lập, song nhấn mạnh nó chỉ nhắm vào các thế lực bên ngoài và những thành phần chủ xướng độc lập.
Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép quân sự lên Đài Loan trong thời gian tới, ít nhất là sau cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2020.
"Ông Tập có cách tiếp cận rắn lẫn mềm: đe dọa quân sự với người Mỹ và phe đòi độc lập Đài Loan trong lúc cố gắng thu hút sự ủng hộ của người dân Đài Loan" - nhà phân tích quân sự Ni Lexiong nhận định với SCMP.
Dự báo tiếp tục căng thẳng
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua đạo luật Sáng kiến trấn an châu Á, trong đó cam kết "chống lại mọi thay đổi hiện trạng với Đài Loan nhưng sẽ ủng hộ các giải pháp hòa bình được cả hai bên chấp nhận".
Washington cũng cam kết tiếp tục duy trì năng lực quốc phòng cho Đài Bắc trước "các mối đe dọa" từ Bắc Kinh. Về việc ông Patrick Shanahan trở thành quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ với tuyên bố phải luôn canh chừng Trung Quốc, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa ra cảnh báo ngắn gọn: Bắc Kinh nên chuẩn bị sẵn sàng cho các màn khiêu khích tiếp theo từ Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận