02/10/2021 14:12 GMT+7

Trung Quốc thiếu điện, doanh nghiệp lao đao

BẢO ANH - BẢO DUY
BẢO ANH - BẢO DUY

TTO - Giá than tăng trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Ít nhất 20 tỉnh thành chiếm hơn 2/3 GDP của Trung Quốc đã áp dụng một số hình thức cắt điện.

Trung Quốc thiếu điện, doanh nghiệp lao đao - Ảnh 1.

Người dân đi ngang một khu công nghiệp tối om vì cúp điện của thành phố Đông Hoản (Quảng Đông, Trung Quốc) ngày 30-9 - Ảnh: AFP

Tình trạng thiếu điện những ngày qua ở Trung Quốc đang ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ gia đình, có cả trường hợp bị kẹt trong thang máy do cúp điện đột ngột, và buộc các nhà máy phải cắt giảm hoạt động sản xuất.

Than đá là "thủ phạm"

"Khủng hoảng điện" - như cách gọi của một số tờ báo ngoài Trung Quốc - bắt nguồn từ hoạt động sản xuất bất ngờ tăng mạnh dẫn tới nhu cầu sử dụng điện cao. Điều này dẫn tới giá than tăng lên, đẩy các nhà máy nhiệt điện than vào tình trạng căng thẳng vì chi phí đầu vào tăng nhưng giá điện lại không "nhúc nhích".

Trước tình hình này, nhiều nhà máy đã bắt đầu đóng cửa để "bảo trì" nhưng thực chất nhằm giảm lỗ, dẫn tới tình trạng thiếu điện vì nhiệt điện than chiếm hơn 60% nguồn cung điện cho Trung Quốc.

Ngoài ra, Hiệp hội Than quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Vận chuyển và phân phối than Trung Quốc thừa nhận nguồn cung đang khan hiếm, trong bối cảnh Trung Quốc cần tích trữ để sản xuất điện và sưởi ấm trong mùa đông.

Một nguyên  nhân nữa được cho dẫn đến thiếu điện là do Trung Quốc đang áp dụng các quy định nhằm giảm lượng khí thải carbon. 

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 21-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại mục tiêu đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon trước năm 2060 của nước này.

Điều đó đòi hỏi các tỉnh thành Trung Quốc phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch ít hơn, chẳng hạn bằng cách đốt ít than hơn để tạo ra điện. 

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã phát cảnh báo đỏ với 9 tỉnh thành của nước này - trong đó có tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Giang Tô - vì tăng mức tiêu thụ năng lượng trong nửa đầu năm nay. Những tỉnh thành này phải tạm ngừng phê duyệt các dự án sử dụng nhiều năng lượng trong các tháng còn lại của năm 2021.

"Quyết tâm chưa từng có của Bắc Kinh trong việc áp dụng các giới hạn về tiêu thụ năng lượng có thể mang lại những lợi ích dài hạn vô giá. Tuy nhiên, các chi phí ngắn hạn mà cả nền kinh tế và thị trường tài chính phải chịu là rất lớn" - các nhà phân tích của Công ty tài chính Nomura (Nhật Bản) đánh giá.

Tập đoàn lưới điện Trung Quốc cho biết họ sẽ dốc toàn lực để chiến đấu với cuộc chiến khó khăn về cung cấp điện và nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tuần này, tập đoàn năng lượng nhà nước Inter RAO của Nga cho biết họ đã nhận được yêu cầu từ Trung Quốc về việc tăng nguồn cung điện để giải quyết tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc, nhưng không rõ chi tiết.

Trung Quốc thiếu điện, doanh nghiệp lao đao - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg - Đồ họa: T.ĐẠT

Tăng giá điện để cứu doanh nghiệp

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, việc tăng giá điện trong giờ cao điểm sẽ bắt đầu từ ngày 1-10 và chỉ áp dụng với các ngành công nghiệp tại Quảng Đông. Giờ cao điểm là từ 11h - 12h trưa và 15h - 17h mỗi ngày.

Động thái diễn ra trong bối cảnh hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc "kêu trời" vì bị cúp điện, trong lúc phải tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm mùa Giáng sinh của thế giới.

Ngày 1-10, Hãng thông tấn Bloomberg trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính quyền Bắc Kinh đang hết sức quan tâm đến tình hình điện. 

Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã chỉ đạo các công ty nhiệt điện phải đảm bảo đủ than để hoạt động. Ông Hàn Chính đã nhấn mạnh Bắc Kinh không chấp nhận việc cúp điện ảnh hưởng kinh tế.

Nhiều hiệp hội ngành công nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu điện có nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là ngành sản xuất chất bán dẫn. Ông Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phân bổ điện của chính quyền.

Việc nâng giá điện, vốn là điều bình thường ở một số nước, được xem là động thái bất thường ở Trung Quốc. 

Theo SCMP, các tỉnh Trung Quốc được phép tăng hoặc giảm giá điện tới 10%. Việc nâng giá vượt mức này là điều rất hiếm vì có khả năng tạo ra sự tranh cãi giữa các tỉnh với chính quyền trung ương, tỉnh này so đo với tỉnh khác.

Nhiều khả năng việc nâng giá điện lần này đã được Bắc Kinh bật đèn xanh nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu, do Quảng Đông là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Nhà phân tích thị trường Bo Zhuang dự báo các tỉnh khác cũng sẽ gây sức ép với Bắc Kinh để tăng giá điện sau động thái mở màn của Quảng Đông.

Theo báo New York Times, nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục, Trung Quốc có thể buộc phải chuyển điện ra khỏi một số ngành công nghiệp nặng sang công nghiệp sản xuất hoặc các khu dân cư.

Vì sao Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng điện khiến các nhà máy đóng cửa? Vì sao Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng điện khiến các nhà máy đóng cửa?

TTO - Tình trạng cúp điện tại các tỉnh phía đông Trung Quốc đang khiến các nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng. Họ bị buộc phải tuân theo quy định nghiêm ngặt của chính quyền về sử dụng điện giữa mùa cao điểm sản xuất.

BẢO ANH - BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên