Robot NEO-01 có thể sử dụng vợt lưới lớn để thu dọn những mảnh vỡ trong không gian. Ảnh: origin.space
Ngày 27/4, công ty công nghệ Origin Space của Trung Quốc đã phóng vào quỹ đạo thấp của Trái Đất một nguyên mẫu robot có thể sử dụng vợt lưới lớn để thu dọn những mảnh vỡ trong không gian, còn gọi là 'rác thải vũ trụ'.
Theo đó, robot mang tên NEO-01 được tên lửa đẩy Trường Chinh 6 đưa lên vũ trụ cùng với một số vệ tinh. NEO-01, nặng khoảng 30 kg, sẽ sử dụng vợt lưới để thu gom rác vũ trụ và sau đó đốt rác bằng hệ thống đẩy điện tử được trang bị.
Origin Space nhận định việc phóng robot này vào quỹ đạo sẽ mở đường cho các công nghệ khai thác tài nguyên trên tiểu hành tinh trong tương lai. Ngoài NEO-01, công ty khởi nghiệp thành lập năm 2017 này còn lên kế hoạch tiếp cận Mặt Trăng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Các mảnh vỡ trong không gian vũ trụ là một vấn đề nan giải thách thức của các nhà khoa học. Theo cơ sở dữ liệu vệ tinh của tổ chức phi chính phủ Union of Concerned Scientists, hiện có 3.372 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay trên quỹ đạo có hàng nghìn mảnh rác có thể quan sát được, trong đó có các tên lửa đẩy bị bỏ lại, các vệ tinh vô chủ, các mảnh rơi ra từ các tàu vũ trụ...
Với vô số các vệ tinh quá hạn sử dụng và vô vàn những mảnh vỡ trôi tự do, vũ trụ đang dần trở thành một bãi phế liệu khổng lồ, khiến tương lai khám phá không gian của loài người gặp không ít khó khăn. Đối với các nhà khoa học, rác thải vũ trụ là một vấn đề nan giải. Giới chuyên gia lo ngại rằng nếu vấn đề này không được sớm giải quyết thì các sứ mệnh khám phá không gian có thể sẽ phải dừng lại hoàn toàn. Nguyên nhân là do các loại phế thải trên vũ trụ bao quanh Trái Đất ngày một chồng chất và sẽ cản trở quỹ đạo bay của những tên lửa được phóng lên từ Trái Đất.
Phần lớn số rác thải này nằm ngoài khả năng quản lý của các cơ quan vũ trụ do chúng có kích thước quá nhỏ. Ngoài ra, vận tốc của rác thải vũ trụ bay trong quỹ đạo là 8 km/s, nhanh gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn. Với vận tốc trên, một mảnh vụn nhỏ chỉ 1cm khi va chạm sẽ có sức nổ ngang một quả lựu đạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận