21/04/2021 08:16 GMT+7

Trung Quốc mạnh tay với các 'ông lớn' công nghệ

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Khoản phạt khổng lồ 2,8 tỉ USD vừa áp lên Tập đoàn Alibaba là động thái cảnh báo nghiêm khắc với các hãng công nghệ Trung Quốc sau một thời gian dài được chính quyền rất mực "o bế".

Trung Quốc mạnh tay với các ông lớn công nghệ - Ảnh 1.

Tập đoàn Ant Group được cho là đang tìm cách cắt đứt quan hệ với tỉ phú Jack Ma - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc đã từng có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tạo điều kiện hỗ trợ rất lớn để các hãng công nghệ phát triển như vũ bão thời gian qua. 

Song cũng giống như chính quyền Mỹ đang bắt đầu lo ngại và siết quản lý chặt hơn với các công ty như Facebook, Google..., Trung Quốc đang tìm giải pháp để quản lý hiệu quả hơn các "gã khổng lồ" của họ.

Chống độc quyền

Rõ ràng khoản phạt 2,8 tỉ USD áp lên Alibaba (tương đương 4% tổng doanh số trong nước của công ty này) đã khiến nhiều hãng công nghệ khác của Trung Quốc lo ngay ngáy. Hàng chục công ty đã công khai cam kết sẽ tuân thủ luật chống độc quyền của Bắc Kinh, sau thời gian dài làm mưa làm gió trên thị trường.

Báo Wall Street Journal ngày 14-4 dẫn các bản cam kết do Tổng cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) đăng tải, cho biết các công ty lớn như ByteDance, Baidu, JD, Pinduoduo... đều khẳng định sẽ không lạm dụng vị trí độc tôn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi khách hàng.

Việc Alibaba bị phạt là vụ việc mới nhất trong một loạt động thái của Bắc Kinh trong vài tháng qua nhằm vào các hãng công nghệ, kể từ sau khi tỉ phú Jack Ma - cựu chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba - có bài phát biểu chấn động chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Tuần trước nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố sẽ giám sát hàng loạt hoạt động trên thị trường công nghệ, từ thuật toán, định giá, cạnh tranh cho đến việc nộp thuế. Các "ông lớn" được cảnh báo nên coi Alibaba làm gương để có những điều chỉnh phù hợp.

Ở phương diện tích cực, những động thái đó là tín hiệu tốt cho thấy thị trường Trung Quốc đã "trưởng thành".

"Các nhà quản lý Trung Quốc đang đi tắt đón đầu để có thể quản lý một ngành công nghiệp đang phát triển quá nhanh. Họ quản lý việc sử dụng thuật toán chứ không chỉ là thị phần. 

Họ tìm cách hiểu nền kinh tế công nghệ và bắt kịp với cách mà các nền kinh tế phát triển đang làm" - nhà phân tích Rui Ma nói, đề cập xu hướng kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ của nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ.

Báo Wall Street Journal dẫn lời luật sư James Gong nhận định những động thái đó của Bắc Kinh cũng gửi thông điệp tích cực đến người tiêu dùng rằng việc hạn chế độc quyền sẽ mang tới cho họ nhiều lựa chọn tốt hơn với chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ ngày càng tốt hơn.

"Giết gà, dọa khỉ"

Tuy nhiên ở một phương diện khác, có thể đoán trước những nguyên tắc quản lý mới chắc chắn sẽ có những tác động nhất định tới đời sống và các tiện ích công nghệ đã quen thuộc với người dân Trung Quốc lâu nay.

Trong những năm qua, cùng với tiến trình phát triển bùng nổ, các "ông lớn" công nghệ đã tạo ra một thế giới ảo mạnh mẽ với rất nhiều tiện ích phục vụ cho hơn 1 tỉ người dân Trung Quốc. Sẽ không quá khi bảo rằng phần lớn hoạt động hằng ngày của họ đều gắn liền với các ứng dụng công nghệ nhanh chóng, hiệu quả.

"Bắc Kinh đang tìm cách kiềm chế sự độc quyền, tác động tài chính cũng như kiểm soát ảnh hưởng xã hội trên thực tế của các hãng công nghệ tư nhân quá lớn tới mức không thể sụp đổ", chuyên gia Larry Ong của Công ty tư vấn SinoInsider nhận định. 

Chuyên gia này cũng nhắc tới những nguy cơ tiềm ẩn liên quan tới các lợi ích phe phái đằng sau các công ty như Ant Group và tỉ phú Jack Ma.

Tuy nhiên theo giới quan sát, Bắc Kinh sẽ không bao giờ giết chết ngành công nghiệp "đẻ trứng vàng" này và vụ phạt Alibaba hẳn là thông điệp "giết gà, dọa khỉ". 

Nó cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ thiết yếu nhưng sẽ không cho phép các tập đoàn công nghệ lớn lợi dụng thế thượng phong để thao túng thị trường cũng như các vấn đề trọng yếu khác.

Ant Group muốn Jack Ma đi?

Một số nguồn tin của Reuters ngày 19-4 cho biết Tập đoàn Ant Group đang tìm cách để tỉ phú Jack Ma giảm bớt cổ phần và quyền lực tại tập đoàn này.

Theo đó, Ant Group muốn ông Ma bán số cổ phần trị giá hàng tỉ USD cho các nhà đầu tư nội bộ hoặc cho Công ty Alibaba. Trước đó cũng có nhiều thông tin ông Ma được đề nghị giao một phần cổ phần của Ant Group cho Chính phủ Trung Quốc.

Nguồn tin của Reuters cho biết trong các cuộc thảo luận với cơ quan quản lý Trung Quốc từ đầu năm đến nay, tỉ phú này cũng bị yêu cầu chuyển cổ phần cho một nhà đầu tư trong nước có liên kết với chính phủ.

Dù đã rút khỏi vai trò quản lý tại Ant Group và chỉ giữ 10% cổ phần, ông Jack Ma vẫn có ảnh hưởng lớn với tập đoàn này cũng như đang nắm các công ty chi phối Ant Group. Việc cắt đứt quan hệ với Jack Ma có thể giúp Ant Group "lên sàn" trở lại, sau khi bị hụt đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) trị giá 37 tỉ USD hồi cuối năm ngoái.

Trung Quốc tiếp tục điều tra Alibaba, ông Jack Ma gặp áp lực Trung Quốc tiếp tục điều tra Alibaba, ông Jack Ma gặp áp lực

TTO - Chính quyền Trung Quốc đang điều tra một công ty liên doanh giữa Alibaba và Minmetals Development. Đây là diễn biến đáng lo ngại tiếp theo dành cho tỉ phú Jack Ma sau vụ Alibaba bị phạt 2,75 tỉ USD.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên