Sri Lanka đã giao quyền kiểm soát cảng nước sâu Hambantota cho Trung Quốc theo một thỏa thuận thuê kéo dài 99 năm - Ảnh: AFP
Trung Quốc và Maldives tháng này đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do trong khi Sri Lanka vừa mới giao quyền kiểm soát một cảng nước sâu cho Bắc Kinh.
Động thái này đã khiến Ấn Độ ngày một lo ngại khi New Delhi tiếp tục cảnh báo các láng giềng xem xét những quan ngại cùng sự nhạy cảm của Ấn Độ với vấn đề khi họ xúc tiến các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh.
Giới phân tích đánh giá diễn biến trên đã cho thấy Trung Quốc ngày một can thiệp sâu vào Nam Á, nơi nhiều quốc gia vốn nằm trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, theo báo Straits Times.
New Delhi lo ngại các cam kết về kinh tế sẽ dọn đường cho việc hợp tác về quân sự và an ninh giữa Bắc Kinh với các quốc gia này.
Trung Quốc đang trong quá trình thực hiện các thỏa thuận kinh tế cũng như chính trị với giới lãnh đạo Bangladesh, Pakistan, Maldives, Sri Lanka và Nepal… Các thỏa thuận này sẽ có nhiều tác động về dài hạn"
Tiến sĩ Srikanth Kondapalli chuyên về Trung Quốc học tại Đại học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ
Trong phát biểu về việc Sri Lanka bàn giao cảng nước sâu Hambantota cho Trung Quốc kiểm soát theo một thỏa thuận thuê 99 năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nói rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các quan ngại về an ninh với phía Sri Lanka và hy vọng nước này sẽ luôn xem xét các quan ngại an ninh và sự nhạy cảm của chúng tôi".
Bên cạnh đó, New Delhi cũng đã nhắc nhở Maldives về chính sách "Ấn Độ trước tiên" trong chính sách ngoại giao của quốc gia Ấn Độ Dương này.
Hồi đầu tháng 12, Trung Quốc và Maldives đã ký một thỏa thuận tự do. Động thái được xúc tiến chỉ một năm sau khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen từng cho biết đảo quốc này sẽ ký thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên với Ấn Độ.
Với thỏa thuận vừa ký, Maldives sẽ có thể tiếp cận hoàn toàn thị trường của Trung Quốc về hải sản và các sản phẩm khác. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ có thể tiếp cận các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, du lịch và giáo dục tại Maldives.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau một lễ ký kết tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc ngày càng hung hăng dưới thời ông Tập Cận Bình. Ấn Độ phải nhận ra rằng những quốc gia láng giềng nhỏ hơn đều có lựa chọn của họ và họ không thể nằm dưới chiếc ô che chắn của Ấn Độ mãi mãi. Họ cũng có những nguyện vọng riêng"
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Lalit Mansingh
Theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Lalit Mansingh, Trung Quốc đã hứa hẹn nhiều gói hỗ trợ phát triển cho các quốc gia trên hơn so với Ấn Độ. Do đó, New Delhi cần phải tăng cường hơn nữa quan hệ với các láng giềng, tận dụng quan hệ gần gũi truyền thống.
Những năm trở lại đây, Trung Quốc từng bước tăng cường hiện diện ở các nước láng giềng của Ấn Độ, từ Pakistan và Nepal ở phía Bắc tới Sri Lanka và Maldives ở phía Nam. Các nhà chiến lược Ấn Độ gọi đây là một phần trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc để bủa vây New Delhi từ nhiều phía.
Các dự án hạ tầng lớn như Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan đã được Bắc Kinh xúc tiến mạnh mẽ. Với việc xây dựng đường cao tốc, cảng biển… đây là một phần trong sáng kiến tham vọng "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc để kết nối hạ tầng và thương mại qua một loạt quốc gia Á-Phi-Âu.
Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt chính sách đối với các láng giềng Ấn Độ lên làm ưu tiên và đến thăm hầu hết các nước láng giềng, giới phân tích cho rằng New Delhi phải làm nhiều hơn mức hiện tại.
Trong một bài xã luận mới đây của India Today, trang tin này còn cảnh báo rằng Ấn Độ có khả năng sẽ để mất ảnh hưởng của mình ở các nước láng giềng. "Có phải Maldives đã ra khỏi tầm ảnh hưởng của Ấn Độ? Trung Quốc đã đánh cắp được thêm một đồng minh khác!" - một bài báo của India Today đưa ra cảnh báo.
Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Nepal, liên minh hai đảng cộng sản gồm đảng Cộng sản Nepal-Maoist và đảng Cộng sản Nepal được cho có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh cũng đã lên nắm quyền tại nước này.
Các nguồn tin cho biết phía Ấn Độ thậm chí đã chậm trễ trong việc chúc mừng chiến thắng của hai đảng này. Theo tờ Kathmandu Post, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ vừa gọi điện chúc mừng lãnh đạo hai đảng này hôm 21-12!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận