10/07/2019 13:40 GMT+7

Trung Quốc kiểm soát tin tức bằng cách… đầu tư

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Một dạng cổ phần gọi là “cổ phần quản lý đặc biệt” được chính quyền Trung Quốc triển khai thu mua tại các công ty truyền thông tư nhân, theo South China Morning Post.

Trung Quốc kiểm soát tin tức bằng cách… đầu tư - Ảnh 1.

Ảnh minh họa về internet ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Chiến thuật này là gia tăng đầu tư để giành quyền kiểm soát, từ đó có thể tác động tới nội dung của các công ty sản xuất tin tức này.

Báo South China Morning Post ngày 10-7 lấy ví dụ điển hình ở trường hợp của trang wallstreetcn.com, hiện do công ty Shanghai Aniu Information Technology quản lý.

Mục đích cụ thể của việc này là ngăn chặn hoặc kiểm soát dòng thông tin liên quan tới các vấn đề được coi nhạy cảm hiện tại như thương mại và kinh tế.

Tại Trung Quốc, hiện Cục Quản lý mạng Trung Quốc (CAC) là đơn vị quản lý mạng internet, các ứng dụng điện thoại cũng như website. CAC đang lên kế hoạch mua cổ phần đa số - kèm theo quyền tác động lên chính sách, phương hướng hoạt động của Shanghai Aniu Information Technology.

Các nguồn tin của South China Morning Post dẫn ra cho biết, cổ phần theo các kế hoạch kiểu này có tên "cổ phần quản lý đặc biệt", có thể do cơ quan giám sát tài sản địa phương hoặc các nguồn ngân sách chính phủ tài trợ nắm giữ.

Được thành lập từ năm 2013, Aniu hiện điều hành trang wallstreetcn.com. Website này chuyên đưa tin về tài chính, kinh tế và thương mại, nhưng đã bị ngưng hoạt động từ ngày 10-6 vì vi phạm luật an ninh mạng.

CMC Capital Partners, một nhánh thuộc China Media Capital (CMC) – tập đoàn truyền thông vào loại lớn nhất Trung Quốc, hiện đang là cổ đông của Aniu. Các nhà đầu tư khác vào Aniu là Ping An Ventures và Haitong Leading Capital Management. Bytedance, sở hữu một trong những nền tảng tin tức phổ biến nhất Trung Quốc Jinri Toutiao cho biết họ không còn là nhà đầu tư nữa, dù là người góp mặt trong vòng gọi vốn thứ hai của Aniu.

Trước khi bị đóng cửa, wallstreetcn.com là website thường đưa tin và dịch bài từ truyền thông quốc tế về những diễn biến liên quan tới thương mại Mỹ - Trung.

South China Morning Post cho rằng: việc website này bị ngưng hoạt động rơi vào khoảng thời gian Bắc Kinh đang thắt chặt các thông tin tiêu cực về chiến tranh thương mại. Ở động thái tương tự, hồi tháng 2 qua một khảo sát cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong những chủ đề bị chặn nhiều nhất trên ứng dụng mạng xã hội WeChat.

Trên thực tế, công cụ "cổ phần quản lý đặc biệt" được chính quyền trung ương sử dụng để kiểm soát internet và truyền thông từ năm 2015.

Vào tháng 8-2017, báo trung ương Nhân dân Nhật báo sử dụng cơ chế "cổ phần quản lý đặc biệt" để mua 1,5% cổ phần Tiexue Tech, một ứng dụng liên quan tới tin tức về quốc phòng. Vào cùng năm, một ứng dụng tin tức phổ biến khác là Yidian Zixun cũng nhận đầu tư từ một nguồn chính phủ như Beijing Culture Investment Development Group.

Chính quyền Trung Quốc ngoài ra đã cân nhắc thúc đẩy quyền đầu tư đặc biệt vào các đại gia công nghệ như Alibaba, Tencent, theo Wall Street Journal năm 2016.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên