19/07/2017 22:03 GMT+7

Trung Quốc khiến thế giới lo âu vì 'thần dược' cao da lừa

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Sau ngà voi, sừng tê giác hay vảy tê tê, lừa đang trở thành đối tượng bị ăn trộm số một ở châu Phi chỉ để đáp ứng nhu cầu cho một loại "thần dược" của Trung Quốc.

Một lò giết mổ lừa lấy da để sản xuất e'jiao do Trung Quốc đầu tư ở châu Phi - Ảnh: AFP
Một lò giết mổ lừa lấy da để sản xuất e'jiao do Trung Quốc đầu tư ở châu Phi - Ảnh: AFP

E’jiao (a dao), được quảng bá là một loại thần dược 2.500 năm tuổi của Trung Quốc. Chất gelatin có trong e'jiao được chiết xuất bằng cách nấu chảy da lừa.

Câu chuyện Từ Hi Thái hậu của Nhà Thanh dùng e'jiao để an thai rồi hạ sinh một đứa bé sau đó trở thành hoàng đế chỉ là một trong nhiều điều được truyền miệng về công dụng "thần kỳ" của nó.

Tại Trung Quốc, quy mô sản xuất e'jiao ngày càng mở rộng, có hẳn một hiệp hội e'jiao và sàn giao dịch lừa cho ngành công nghiệp bị xem là tàn bạo này.

Giết không kịp đẻ

"E'jiao là một trong ba vị thuốc quý cổ truyền của Trung Quốc, chỉ sau nhung hươu và nhân sâm", ông Liu Guangyuan, phó chủ tịch tập đoàn sản xuất e'jiao lớn nhất Trung Quốc nói với báo USA Today.

Cái chất nhựa màu nâu nâu chảy ra từ những bộ da đầy máu của lừa được đưa ra thị trường, được quảng bá là "thần dược" chữa chứng mất trí nhớ, vô sinh và các vấn đề về hô hấp khác. Năm 2007, một gram e'jiao có giá 47 USD, mắc hơn cả vàng!

Tại Trung Quốc, e'jiao được xem là một vị thuốc quý, có thể chữa được bá bệnh. Những hộp e'jiao đắt tiền, đẹp mắt được dùng làm quà biếu không phải là chuyện hiếm - Ảnh chụp màn hình
Tại Trung Quốc, e'jiao được xem là một vị thuốc quý, có thể chữa được bá bệnh. Những hộp e'jiao đắt tiền, đẹp mắt được dùng làm quà biếu không phải là chuyện hiếm - Ảnh chụp màn hình

Nhưng cái giá cao ngất ngưởng không làm nhu cầu ổn định, mà ngược lại ngày càng tăng khiến số lượng lừa bị giết ở Trung Quốc nhanh đến nỗi không kịp tái tạo. Tại nhiều vùng của Trung Quốc, hình ảnh con lừa vốn rất phổ biến, ngày càng trở nên hiếm hoi.

Cách đây 30 năm, Trung Quốc có đàn lừa lên tới 11 triệu con, đông nhất thế giới. Con số hiện nay chỉ còn từ 3 đến 5 triệu con do mật độ giết lừa để phục vụ cho e'jiao quá dày đặc.

Một con lừa trưởng thành sau khi bị giết và lấy da để nấu chỉ cho ra được khoảng 0,9 kg e'jiao. Quá trình này diễn ra chưa tới một ngày nhưng để một con lừa mang thai, phải mất ít nhất 14 tháng và vài năm nữa để con nó lớn.

Nhưng tại nhiều vùng của Trung Quốc, lừa là sức kéo chính nên nhiều người không cho chúng mang thai vì sợ mất tay thồ hàng. Nhiều gia đình, trước cái giá quá hời, đã chấp nhận mất sức kéo và bán lừa cho thương lái để rồi sau đó phải hối hận vì không tìm được lừa con thay thế.

Chỉ xuất khẩu lừa sống

Một vài nước châu Á nhìn thấy cơ hội từ thị trường e'jiao ở Trung Quốc. Pakistan mới đây đã đầu tư hẳn các trang trại nuôi lừa chỉ để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chính quyền Khyber Pakhtunkhwa - một trong bốn tỉnh của Pakistan, đã đề xuất có thể xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm 80.000 con lừa sống. Với mức giá hiện tại ở ngưỡng trên dưới 150 USD/con, đây rõ ràng là nguồn thu không nhỏ cho một tỉnh vùng biên.

Pakistan là một trong 9 quốc gia cấm xuất khẩu da lừa vì mục đích tôn giáo. Là một quốc gia Hồi giáo, thịt lừa là điều cấm kị đối với nhiều người dân Pakistan.

Người ta lo sợ nếu cho phép xuất khẩu da lừa, phần thịt lừa còn lại sẽ được đưa ra chợ bán dưới danh nghĩa thịt bò nên cấm tiệt chuyện này.

Do đó, để lách luật và "nắm bắt" cơ hội từ Trung Quốc, người ta đã nghĩ ra cách xuất khẩu lừa sống. "Nếu đầu tư vào các trang trại nuôi lừa, số lượng xuất khẩu mỗi năm có thể còn tăng lên", một đại diện của cơ quan phát triển tỉnh Khyber Pakhtunkhwa nói với tờ USA Today.

Nhiều nhà hoạt động bảo vệ động vật đã lên án ngành công nghiệp e'jiao và tính không bền vững của nó. Nhiều quốc gia châu Phi, trước vì đồng tiền nên giết lừa vô tội vạ và bán cho Trung Quốc, nay nhận ra điều không ổn nên đã ra lệnh cấm. 

Điều đáng nói, nó càng khiến số lượng lừa bị giết ngày càng tăng, dưới một hình thức khác: săn trộm.

Sao người Trung Quốc cứ thích xem tất cả những thứ của thế giới như thể của họ rồi mặc nhiên hủy hoại và tàn phá vậy?"
Bà Marjorie Farabee, một nhà bảo vệ động vật người Mỹ bức xúc

Không mua được thì trộm

Botswana là quốc gia mới nhất ở châu Phi ra lệnh cấm xuất khẩu da lừa sau khi có báo cáo nói hàng trăm con lừa ở nước này bị giết mỗi tuần. Trước đó, hồi tháng 5, Tanzania còn cứng rắn hơn: cấm cả việc giết mổ lừa để bảo vệ sức kéo trước cảnh báo lừa  sẽ "tuyệt chủng" ở Tanzania nếu chính phủ không hành động.

Ethiopia, Niger và một số quốc gia châu Phi khác cũng đưa ra lệnh cấm tương tự. Chính quyền Niger hiện đang phải chật vật thương thuyết để đóng cửa hai nhà máy giết mổ lừa của Trung Quốc ở nước này trước làn sóng biểu tình, phản đối của người dân, theo báo USA Today.

Từ một con vật rẻ bèo, giá lừa tại châu Phi vút lên như tên bắn khi thương lái Trung Quốc xuất hiện và thu gom.

Đối mặt với các lệnh cấm, điều đồng nghĩa với việc lừa và da lừa không được giao dịch trên thị trường công khai, các thương lái Trung Quốc đã móc nối và mua chúng trên thị trường chợ đen. Nhiều trang trại nuôi lừa lén lút xuất hiện, nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất.

Những kẻ săn trộm bắt đầu nhòm ngó đàn lừa lấy sức kéo của người dân châu Phi, các băng đảng tội phạm bắt đầu nhảy vào núi tiền được hứa hẹn ngày càng cao ở Trung Quốc, tạp chí Foreign Policy viết.

Trong vòng 18 tháng, chính quyền Nam Phi đã truy quét và bắt giữ hàng chục trường hợp trộm lừa, đánh sập những đường dây và trang trại nuôi lừa lấy e'jiao. 

Lừa là sức kéo chính tại nhiều vùng núi của Trung Quốc nhưng đang dần cạn kiệt vì ngành công nghiệp e'jiao - Ảnh chụp màn hình
Lừa là sức kéo chính tại nhiều vùng núi của Trung Quốc nhưng đang dần cạn kiệt vì ngành công nghiệp e'jiao - Ảnh chụp màn hình

Nhưng lợi nhuận khổng lồ từ ngành công nghiệp e'jiao và mức sống ngày càng cao của người dân Trung Quốc đã khiến những kẻ săn trộm ngày càng liều lĩnh. Khó khăn trong việc tìm nguồn cung nước ngoài có thể đẩy các thương lái Trung Quốc về nước.

Đối với phần lớn 300 triệu nông dân Trung Quốc, lừa được xem như một thành viên trong gia đình và là sức kéo chính, đặc biệt tại những vùng đồi núi, nông thôn. Nhưng cơn sốt e'jiao đã len lỏi đến tận những vùng hẻo lánh khiến số vụ mất trộm lừa cứ ngày một tăng, báo USA Today viết.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên