18/12/2018 14:02 GMT+7

Trung Quốc được gì sau 40 năm mở cửa nền kinh tế?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Ngày này cách đây đúng 40 năm (18-12-1978), Đặng Tiểu Bình tung ra chính sách "cải cách và mở cửa" giúp vạch ra con đường biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như hiện nay.

Trung Quốc được gì sau 40 năm mở cửa nền kinh tế? - Ảnh 1.

Trong 40 năm kể từ khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách "cải cách và mở cửa", kinh tế Trung Quốc đã có những bước tiến thần tốc - Ảnh: AFP

Hôm nay, phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân nhân kỷ niệm 40 năm mở cửa kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi sự ủng hộ đối với nền kinh tế nhà nước, song song đó định hướng và thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân.

Ông cam kết Trung Quốc sẽ nỗ lực mở cửa và từng bước thực hiện các chính sách cải cách lớn. "Mở cửa mang lại tiến bộ, ngược lại chỉ có lạc hậu" - ông Tập nhấn mạnh.

Chương trình cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình được thông qua tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1978, chính thức xa rời các chính sách phát triển hỗn loạn của người tiền nhiệm Mao Trạch Đông.

Từ một đất nước nghèo và lạc hậu, Trung Quốc kể từ đó bước vào kỷ nguyên tăng trưởng hai con số, giúp hàng triệu người thoát nghèo và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Nếu có gì đó không thay đổi từ năm 1978 thì có lẽ là hệ thống chính trị mang bản sắc Trung Quốc. "Cải cách và mở cửa giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc không bị sụp đổ sau Chiến tranh lạnh" - nhà phân tích chính trị Wu Qiang tại Bắc Kinh nhận xét với Hãng tin AFP.

"Tôi cho rằng Trung Quốc ngày nay đi theo con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất" - ông Wu nêu quan điểm.

Một cách trùng hợp, ngày kỷ niệm 40 năm mở cửa kinh tế của Trung Quốc năm nay trùng với thời điểm cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ đang lên cao trào.

Chính sách nâng đỡ doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh lại là một trong những điểm gây tranh cãi với Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung. Trung Quốc đang bị áp lực phải đẩy mạnh cải cách và mở cửa thị trường hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, nền kinh tế số 2 thế giới cũng đang đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng, bao gồm núi nợ ngày càng cao và tốc độc tăng trưởng giảm, chỉ còn 6,9% năm ngoái và dự kiến 6,5% trong năm nay.

Nhà phân tích Wu cho rằng thương chiến với Mỹ có thể là cơ hội để Trung Quốc bước vào giai đoạn cải cách mới.

"Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc đủ thông minh, họ có thể biến đây thành điểm khởi đầu cho công cuộc cải cách và mở cửa lần hai" - ông Wu bình luận.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên