Vũ khí Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở Nam Sudan - Ảnh: Dispatch Times |
Theo tạp chí The Diplomat, xung đột đẫm máu tại Nam Sudan xuất phát từ cuộc đối đầu giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu phó tổng thống Riek Machar. Bạo lực cũng dính líu đến vấn đề sắc tộc. Kirr là thành viên tộc người Dinka, trong khi Machar thuộc tộc Nuer.
Báo cáo của Ủy ban chuyên gia Nam Sudan thuộc LHQ cho biết tháng 7-2014 Trung Quốc bán số vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự trị giá 20 triệu USD cho chính quyền Nam Sudan. Số vũ khí này bao gồm tên lửa chống tăng, súng máy, súng phóng lựu, rốc két…
Ở thời điểm đó, cuộc xung đột tại Nam Sudan đang leo thang đẫm máu. Hồi tháng 9-2014, một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Sudan hùng hồn tuyên bố nước này không tiếp tục bán vũ khí cho chính quyền Nam Sudan vì “không phù hợp”.
Trung Quốc không phải là bên duy nhất bán vũ khí cho Nam Sudan. LHQ cũng không cấm vận vũ khí Nam Sudan. Tuy nhiên nhóm chuyên gia LHQ khẳng định việc bán vũ khí cho Nam Sudan gây những hậu quả thảm khốc đối với thường dân.
“Các bên trong cuộc xung đột đều tấn công thường dân. Vô số thường dân bị sát hại, bị thương, bị tra tấn, bị thiêu sống, bị bắt cóc, bị cưỡng hiếp, bị đuổi khỏi nhà… Trẻ em bị đào tạo thành chiến binh để phục vụ cỗ máy chiến tranh” - báo cáo của LHQ cho biết.
Ngoài ra, hơn 1,6 triệu người ở Nam Sudan rơi vào cảnh mất nhà cửa và 4,6 triệu người phải đối mặt với nạn đói. “Dòng vũ khí và đạn dược đổ vào Nam Sudan đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài và leo thang cuộc xung đột” - báo cáo nhấn mạnh.
Trung Quốc có mối quan tâm lớn đối với Nam Sudan. Năm 2012, Trung Quốc nhập khẩu tới 80% lượng dầu thô của Nam Sudan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận