02/10/2017 11:22 GMT+7

Trung Quốc đầu tư lớn cho căn cứ ở Djibouti để làm gì?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Dù Trung Quốc khăng khăng chỉ dùng căn cứ quân sự Djibouti cho mục đích hậu cần, nhiều ý kiến cho rằng tham vọng của Bắc Kinh không chỉ dừng ở đó.

Trung Quốc đầu tư lớn cho căn cứ ở Djibouti để làm gì? - Ảnh 1.

Binh lính Trung Quốc tập trận tại Djibouti - Ảnh: AFP

Tuần trước, quân đội Trung Quốc đóng tại căn cứ hải ngoại Djibouti lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng Sừng châu Phi, khu vực nằm gần những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.

Trung Quốc là quốc gia thứ 7 sau Mỹ, Pháp, Nhật... thiết lập hiện diện quân sự ở Djibouti. Tuy là một trong những nước nghèo nhất khu vực, Djibouti lại nằm ở một vị trí quan trọng, ngay cửa biển Hồng Hải dẫn đến kênh đào Suez.

Bắc Kinh khẳng định chỉ dùng căn cứ này như một cơ sở hậu cần cho các con tàu Trung Quốc thực hiện sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hòa bình. 

Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh và các báo cáo không chính thức cho thấy căn cứ Djibouti có đầy đủ các hạ tầng quân sự, bao gồm trại lính, nhà kho, các đơn vị bảo trì và cơ sở neo đậu đủ khả năng tiếp nhận phần lớn hạm đội Trung Quốc.

Vì nhiều lý do, các nước nghi ngại Trung Quốc muốn dùng căn cứ quân sự ở đây để làm bàn đạp cho các tham vọng địa chính trị ở hải ngoại.

Trung Quốc đầu tư lớn cho căn cứ ở Djibouti để làm gì? - Ảnh 2.

Quân đội Trung Quốc tổ chức lễ khánh thành căn cứ Djibouti - Ảnh: AFP

Sau đây là một số giải thích, theo báo South China Morning Post của Hong Kong:

Vị trí chiến lược

Yếu tố quan trọng khiến Bắc Kinh quyết định xây căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti  là do nhiều quốc gia khác đã hiện diện tại đây. Djibouti là nơi đặt căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Mỹ tại châu Phi.

"Trung Quốc sẽ bớt bị điều tiếng hơn ở Djibouti đơn giản vì nhiều nước khác cũng đóng quân ở đây" - ông Zhang Baohui, giáo sư Đại học Lĩnh Nam, giải thích.

Ngoài ra, Djibouti cũng nằm xa các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc. Chẳng hạn, một căn cứ Trung Quốc ở cảng Gwadar tại Pakistan sẽ khiến Ấn Độ cảnh giác.

Cũng theo giáo sư Zhang, với vị trí của Djibouti, Trung Quốc có thể thanh minh rằng họ chỉ dùng nó cho các sứ mệnh nhân đạo, chẳng hạn như nỗ lực chống hải tặc ngoài khơi Somalia và Yemen. 

Bắc Kinh đã triển khai tàu chiến từ Somalia cho các nhiệm vụ này từ năm 2008.

Trung Quốc đầu tư lớn cho căn cứ ở Djibouti để làm gì? - Ảnh 3.

Quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật tại Djibouti trong chưa đầy 2 tháng sau khi đóng quân tại đây - Ảnh: AFP

Bảo vệ lợi ích đầu tư

Trung Quốc cũng muốn bảo vệ lợi ích của họ dọc theo "Con đường tơ lụa trên biển" - một phần của sáng kiến Vành đai, con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo chuyên gia về châu Á Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc.

"Có rất nhiều cộng đồng, các dự án đầu tư và giao thương của Trung Quốc trong khu vực. Cái chính là khả năng hiện diện ở một khu vực có tầm quan trọng chiến lược" - ông Davis bình luận.

Khoảng 40% hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Vịnh Aden gần Djibouti, theo báo cáo của CNA, một tổ chức nghiên cứu ở Virginia (Mỹ).

Djibouti lệ thuộc lớn vào dòng vốn từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã xuất khoảng 1,4 tỉ USD cho các dự án lớn tại Djibouti, trong đó gồm dự án đường sắt Ethiopia - Djibouti, đường ống dẫn nước Ethiopia - Djibouti...

Căn cứ Djibouti của Trung Quốc nằm gần cảng Doraleh, dự án này được tài trợ và vận hành một phần bởi công ty nhà nước China Merchants Holdings.

Trung Quốc đầu tư lớn cho căn cứ ở Djibouti để làm gì? - Ảnh 4.

"Khu châu Âu" tại thành phố Djibouti - Ảnh: AFP

Các mục tiêu lớn khác

Theo báo cáo của CNA, căn cứ Djibouti có thể hỗ trợ cho các sứ mệnh xa bờ của quân đội Trung Quốc như chống hải tặc, di tản công dân Trung Quốc, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, thu thập tình báo và bảo vệ các tuyến đường biển chiến lược.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể dùng căn cứ để triển khai sức mạnh lên bắc Phi và củng cố vị thế của họ ở Ấn Độ Dương.

Chiến lược hàng hải của Trung Quốc hướng tới việc đối phó Ấn Độ bằng cách xây hàng loạt căn cứ hải quân ở các nước láng giềng của New Delhi trên Ấn Độ Dương"

Học giả Bawa Singh của Ấn Độ

"Tàu Trung Quốc triển khai đến Đại Tây Dương có thể duy trì hoạt động trong một thời gian dài hơn. Sự quen thuộc của Hải quân Trung Quốc đối với vùng biển này đã gia tăng rất nhiều" - chuyên gia Rahul Roy-Chaudhury, Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược (London), đánh giá.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ vô cùng lo lắng, đặc biệt là nếu tính luôn sự hiện của các căn cứ hải quân của nước này tại Maldives và Sri Lanka.

Trung Quốc đầu tư lớn cho căn cứ ở Djibouti để làm gì? - Ảnh 6.

Các sĩ quan và lính đặc nhiệm Trung Quốc tham gia một buổi lễ đánh dấu hoàn thành một sứ mệnh chống hải tặc trên Vịnh Aden năm 2009 - Ảnh: SCMP

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên