Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển Hoàng Hải - Ảnh: AFP
Ngày 25-9, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc thông báo đã điều 4 tàu hải cảnh tới vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư trong "sứ mệnh tuần tra". Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa tới một tuần tàu tuần tra Trung Quốc tiến vào khu vực.
Chuỗi 8 hòn đảo không người ở trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku đã trở thành điểm nóng trong gần 5 năm qua.
Giới học giả nhận định sự xuất hiện thường xuyên và ngày càng tăng của tàu tuần tra Trung Quốc đang gây xói mòn sự kiểm soát của Nhật Bản. Tokyo quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo chính của quần đảo Senkaku năm 2012.
Số liệu thống kê của cảnh sát biển Nhật Bản cho thấy trung bình mỗi tháng tàu Trung Quốc lảng vảng ở quần đảo Senkaku tới 10 lần.
Cá biệt, như tháng 8 hồi năm ngoái, Trung Quốc điều đến 23 tàu hải cảnh tới khu vực. Năm 2016, các máy bay Trung Quốc cũng 851 lần bay ngang qua Điếu Ngư/Senkaku.
Thông thường, Tokyo sẽ phản đối các hoạt động của tàu Trung Quốc bằng đường ngoại giao, song một số học giả tranh luận chiến thuật của Bắc Kinh đã tỏ ra hiệu quả.
"Sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc đã ngăn cản người Nhật tiếp cận nhóm đảo này một cách hiệu quả", bà Yun Sun - nghiên cứu viên cấp cao chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson nhận định trên tạp chí Forbes.
"Bằng cách thường xuyên tuần tra các vùng nước xung quanh, Bắc Kinh tin rằng đã thiết lập được một hiện trạng mới tại khu vực tranh chấp", bà Yun nhận xét.
Việc người Nhật không thể tiếp cận các hòn đảo này sẽ là bằng chứng để củng cố cho hành động thực thi chủ quyền của Bắc Kinh"
Bà Yun Sun - nghiên cứu viên cấp cao chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson
Tàu tuần duyên của Nhật (phải) vây đuổi tàu Trung Quốc ở gần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP
Năm 1996, một nhà hoạt động đã đặt chân lên một hòn đảo nhỏ ở Senkaku/Điếu Ngư và dựng lên một ngọn hải đăng. Những năm sau đó, một số người từ Nhật, Đài Loan và Trung Quốc cũng đặt chân lên các hòn đảo này dẫn tới các vụ bắt giữ từ Nhật Bản.
Theo giới chuyên môn, trên thực tế Bắc Kinh không chỉ muốn xác lập chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà còn mở rộng ra cả vùng biển xung quanh. Khu vực này là một ngư trường giàu có và nằm ở vị trí hết sức chiến lược, gần cửa ngõ tiến ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.
"Bắc Kinh không chỉ cố xác lập sự quản lý chồng chéo trong khu vực tranh chấp mà còn tăng cường và liên tục sử dụng các biện pháp nhằm làm thay đổi thế cân bằng theo hướng có lợi cho họ", giáo sư Zhang Jian, chuyên gia nghiên cứu chính trị và quốc tế thuộc Đại học New South Wales, cảnh báo.
Khả năng Trung Quốc giảm tần suất xuất hiện sẽ không cao, bởi theo giáo sư Alexander Huang (Đại học Tamkang, Đài Loan), Bắc Kinh không muốn "sự thỏa hiệp" và "để lực lượng cảnh sát biển, phòng vệ biển Nhật Bản có cơ hội quay lại Điếu Ngư/Senkaku".
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ kiểm soát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trước khi trao lại cho Nhật Bản vào năm 1972.
Trung Quốc lập luận quần đảo này là phần lãnh thổ của họ nhưng bị mất vào tay ngoại bang khi phát xít Nhật xâm lược Trung Quốc từ năm 1931 đến năm 1945.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận