Sáng 25-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã tiến hành phiên họp đầu tiên và bầu Bộ Chính trị gồm 25 người, Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 người và Tổng Bí thư.
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, tiếp tục giữ chức Tổng bí thư nhiệm kỳ 5 năm 2017-2022, điều đã được dự báo từ trước.
6 gương mặt còn lại bao gồm: Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính, Vương Hỗ Ninh và Uông Dương.
Danh sách các Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị đã được giữ kín tới phút chót.
5 nhân vật mới
Như vậy, so với khóa 18, ngoại trừ ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, 5 người còn lại đều là những gương mặt mới.
Ông Tập Cận Bình cũng được bầu làm chủ tịch Quân ủy Trung ương. Các ông Hứa Kỳ Lượng và Trương Hữu Hiệp cùng được bầu làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Ông Vương Kỳ Sơn, người được ví như cánh tay phải của ông Tập và 4 cựu ủy viên còn lại, không tiếp tục nhiệm vụ tại Ban thường vụ vì vướng quy định về độ tuổi.
Trong khi đó, theo giới quan sát, việc ông Trần Mẫn Nhĩ – Bí thư thành ủy Trùng Khánh, người được ví như thân tín của ông Tập, không có tên trong Ban thường vụ, là chỉ dấu cho thấy ông Tập chưa chọn người kế nhiệm.
Đại hội cũng thông qua danh sách 172 Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Cách nhanh nhất để biết mức độ ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình là nhìn vào danh sách Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc"
Một học giả quốc tế
Trước đó, ngày 24-10, trong phiên bế mạc Đại hội 19, các đại biểu Trung Quốc đã thông qua danh sách 204 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Danh sách Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng được thông qua gồm 133 người.
Theo tạp chí The Diplomat, số lượng thành viên Thường vụ Bộ Chính trị thường thay đổi vào mỗi đợt chuyển giao thế hệ nhưng được giữ nguyên trong cùng một thế hệ.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là cơ quan quyền lực nhất nước này, do Tổng bí thư đứng đầu. Đây sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề liên quan tới sự phát triển của đất nước, đời sống người dân mỗi 5 năm.
Trở thành Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc là tiền đề quan trọng cho sự nghiệp chính trị.
Ông Tập Cận Bình phát biểu - Ảnh chụp màn hình
Đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng
Ông Tập Cận Bình, sinh năm 1953, là người gốc Thiểm Tây. Ông tốt nghiệp chuyên ngành lý luận chủ nghĩa Mác và Giáo dục chính trị tư tưởng Học viện Xã hội Nhân văn Đại học Thanh Hoa, Tiến sĩ Luật.
Ông vào Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1974, từng giữ các chức vụ: phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Phúc Kiến; bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Chiết Giang; bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XV; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XVI, XVII.
Tại Đại hội lần thứ 17 tháng 10-2007, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời được phân công kiêm nhiệm hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.
Tháng 3-2008, ông được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) bầu làm phó chủ tịch nước Trung Quốc.
Tháng 10-2010, ông được bầu làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tháng 11-2012, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng tư tưởng mới mang tên ông đã được đưa vào Điều lệ sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận