Nữ y tá ở BV Sao Lucas tại bang Porto Alegre, Brazil chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm vắc xin CoronaVac của Sinovac vào tháng 8-2020 - Ảnh: REUTERS
Báo Nikkei ngày 28-8 cho biết quá trình sản xuất vắc xin có tên gọi CoronaVac đã bắt đầu ở nhà máy mới xây dựng (rộng 20.000m2) tại Bắc Kinh có khả năng đạt 300 triệu liều/năm.
Chủ tịch HĐQT công ty Sinovac Doãn Vệ Đông cho biết năng lực sản xuất này đủ để cung cấp vắc xin cho thị trường trong nước và một số quốc gia khác trên thế giới.
Công ty Sinovac (tức Công ty TNHH Công nghệ sinh học Khoa Hưng Trung Duy) cũng đã ký thỏa thuận chuyển 40 triệu liều cho Bio Farma, một công ty nhà nước của Indonesia trong khoảng từ tháng 11-2020 đến tháng 3-2021.
Sinovac bắt đầu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 từ cuối tháng 1-2020 và đã xây dựng một nhà máy sản xuất vắc xin vào cuối tháng 3 và đến tháng 7 thì đã xong.
Vào tháng 5-2020, Sinovac đăng lên tạp chí Science kết quả thử nghiệm trên động vật cho thấy chuột đã hình thành kháng thể. Một tháng sau, công ty này bước vào giai đoạn 2 với 600 tình nguyện viên ở Trung Quốc và nhận được kết quả những người tham gia đã hình thành kháng thể sau 14 ngày được tiêm.
Vào chiều 10-8, Sinovac đã thông báo kết quả giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2 này với kết quả tích cực: vắc xin không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào và tỉ lệ người tiêm phòng bị sốt tương đối thấp so với các "ứng cử viên" vắc xin khác.
Vào ngày 6-7, Công ty Sinovac thông báo bắt đầu giai đoạn III thử nghiệm vắc xin CoronaVac (tên gọi cũ là PiCoVacc) tiềm năng của công ty này tại Brazil với 9.000 người là các nhân viên chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp làm việc tại các cơ sở chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Sinovac cho biết nghiên cứu của công ty sẽ được thực hiện cùng với đối tác là nhà sản xuất vắc xin Instituto Butantan của Brazil. Theo đó nếu thử nghiệm thành công, Brazil sẽ có thể sản xuất 120 triệu liều vắc xin theo công thức của Sinovac.
Khi đó, Sinovac trở thành một trong ba công ty trên thế giới bước sang các giai đoạn thử nghiệm cuối trong cuộc đua toàn cầu phát triển vắc xin ngừa COVID-19.
Bác sĩ Luciano Marini (phải) của BV Sao Lucas tại bang Porto Alegre, Brazil tình nguyện thử nghiệm vắc xin CoronaVac của Sinovac vào ngày 8-8-2020 - Ảnh: REUTERS
Hôm 11-8, Công ty Sinovac đã khởi động quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho vắc xin CoronaVac đối với 1.620 bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia. Cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài 6 tháng.
Sinovac hi vọng sẽ thử nghiệm thêm vắc xin của mình tại Bangladesh. Sinovac phải thử nghiệm vắc xin ở nước ngoài vì số ca nhiễm mới tại Trung Quốc hiện rất thấp.
Bà Helen Yang - giám đốc quan hệ đầu tư tại Sinovac, trả lời trên Đài CNN ngày 27-8 như sau: "Nếu mọi việc thuận lợi, tôi hi vọng rằng chúng ta có thể đạt kết quả vào cuối năm". Theo bà, sản phẩm của công ty còn chờ Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc phê chuẩn.
Về hiệu quả của vắc xin CoronaVac, ông Doãn Vệ Đông khẳng định trong quá trình thử nghiệm, công ty đã sử dụng huyết thanh kháng thể của vắc xin để trung hòa hơn 20 biến chủng virus SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy tất cả các biến chủng virus đều được trung hòa. "Có thể khẳng định vắc xin sẽ có hiệu quả trên phạm vi toàn thế giới", ông Doãn tự tin tuyên bố.
Các giai đoạn thử nghiệm I và II chủ yếu kiểm tra độ an toàn của một loại thuốc trước khi bước vào giai đoạn III để kiểm tra hiệu quả.
Mối đe dọa của dịch bệnh sẽ không thể giảm cho đến khi mọi người đều được tiêm phòng vắc xin"
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định tại buổi lễ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho vắc xin CoronaVac của Sinvovac tổ chức ở Bandung, Tây Java, ngày 11-8
Các nhà nghiên cứu của Sinovac thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên tế bào thận của khỉ tại cơ sở ở Bắc Kinh ngày 29-4 - Ảnh: AFP
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối tháng 7-2020, trong số các nhóm nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu, Mỹ chiếm số lượng đông nhất trong khi Trung Quốc có tiến độ nghiên cứu và phát triển nhanh nhất.
Tổng cộng đã có 31 quốc gia trên thế giới tham gia nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19. Trong đó, 22% số nhóm nghiên cứu phát triển vắc xin đến từ Mỹ, 11% đến từ Trung Quốc và 8% đến từ Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận