04/03/2022 10:06 GMT+7

Trừng phạt Nga: hòn bấc ném đi…

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Những biện pháp cấm vận mạnh tay mà phương Tây đang áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm rung chuyển nền kinh tế Nga, nhưng tác động sẽ không chỉ dừng ở đó.

Trừng phạt Nga: hòn bấc ném đi… - Ảnh 1.

Biểu tượng của hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT ở giữa các tờ bạc euro - Ảnh (minh họa): Reuters

Các chuyên gia kinh tế dự báo Nga sắp phải đối mặt tình trạng lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán sụp đổ (đã đóng cửa những ngày qua) và những đợt rút tiền hoảng loạn gây tổn hại cho mọi thành phần xã hội, từ các tỉ phú tới giới công chức nhà nước và tầng lớp trung lưu.

Hệ lụy khôn lường

Tuy nhiên về lâu dài, như đã thấy trong quá khứ, các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào từ Cuba tới CHDCND Triều Tiên và Iran đã cho thấy hiệu quả không như Washington mong đợi, nhất là ở việc ép buộc các nước này thay đổi đường lối chính trị.

Giới chức Mỹ đã nói họ cố gắng tính toán những biện pháp cấm vận sao cho gây được thiệt hại cho Nga mà vẫn hạn chế những cú sốc kinh tế khắp thế giới - bao gồm ở chính Hoa Kỳ, nhưng đó là việc nói dễ hơn làm.

Thực tế cho tới giờ, chính quyền ông Biden vẫn chưa có kế hoạch nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt khổng lồ của Nga, dẫu đây được coi là vũ khí cấm vận mạnh mẽ nhất, bởi điều đó sẽ làm tăng mạnh giá xăng dầu trong bối cảnh dân Mỹ đang chật vật với lạm phát.

Tương tự, Liên minh châu Âu (EU), dù đã loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, vẫn phải chừa ra Sberbank - ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, và Gazprombank - ngân hàng của hãng nhiên liệu Nhà nước Nga, vì đó là các kênh thanh toán chính cho sản phẩm dầu và khí đốt của Nga mà EU vẫn đang dựa vào, bất chấp xung đột và cấm vận.

"Đến một thời điểm nào đó, phương Tây sẽ phải hy sinh ít nhiều lợi ích nếu thực sự muốn đạt mục tiêu răn đe" - Maria Snegovaya, nghiên cứu sinh thỉnh giảng ở Đại học George Washington, nói với báo Mỹ The New York Times.

"Tình trạng lạm phát ở Mỹ cũng hạn chế hành động của chính quyền nước này. Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao chưa từng thấy trong 30 năm qua. Mọi hành động mạnh tay nhắm vào Nga sẽ dẫn tới thay đổi lớn về giá xăng dầu", bà nói tiếp.

Thật vậy, lịch sử cho thấy các lệnh cấm vận với một số tổ chức Nga sau biến cố Crimea năm 2014 từng gây ra một số hệ quả không mong đợi.

Tháng 4-2018, Bộ Tài chính Mỹ từng áp lệnh cấm vận lên Oleg Deripaska - doanh nhân người Nga được cho là có quan hệ thân cận với ông Putin và là chủ sở hữu Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới - cùng 6 đại gia Nga khác.

Tuy nhiên, các lệnh cấm vận đã khiến giá nhôm toàn cầu tăng đột biến tới mức Bộ Tài chính Mỹ đành phải dỡ bỏ chúng chỉ 8 tháng sau, vào tháng 12-2018.

Quy mô của những lệnh cấm vận là một vấn đề khác. Edward Fishman, cựu quan chức ngoại giao Mỹ thời Obama chuyên về chính sách cấm vận, giải thích trên Foreign Policy: "So sánh lệnh cấm vận mà Mỹ áp lên Ngân hàng Trung ương Iran với lệnh cấm vận nhắm vào Ngân hàng Trung ương Nga cũng như so kiến với voi. Ngân hàng Trung ương Nga có tổng tài sản lớn hơn cả nền kinh tế Iran... Bởi quy mô đó và tính chất chưa có tiền lệ của các lệnh cấm vận này, có rất nhiều hệ quả mà chúng ta sẽ không thể nào thấy trước được".

Những giải pháp thay thế SWIFT

Trên thực tế, Nga đã sử dụng một hệ thống thanh toán nội bộ - Hệ thống Trung chuyển tin nhắn tài chính (SPFS) - được một thời gian rồi.

Hệ thống này được phát triển từ năm 2014, sau khi phương Tây đe dọa loại Nga khỏi SWIFT. Nó có thiết kế giống với Hệ thống Thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc - mạng lưới nhắn tin giao dịch liên ngân hàng với sự tham gia của hơn 100 nước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ chưa muốn mạo hiểm để Nga sử dụng chính CIPS vì các tính toán riêng của họ.

"Về chính thức, Trung Quốc sẽ cố gắng duy trì nguyên trạng trong quan hệ thương mại với Nga", báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Igor Szpotakowski, trưởng bộ phận nghiên cứu ở Hiệp hội Luật Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh.

"Như chúng ta biết, CIPS có thể là một sự thay thế tạm thời cho SWIFT". CIPS vẫn dựa trên SWIFT trong việc nhắn tin xuyên biên giới, nhưng có thể hoạt động độc lập và có một tuyến liên lạc riêng cho các định chế tài chính. Dẫu vậy, để chuyển đổi hoàn toàn, các ngân hàng Nga sẽ cần nhiều thời gian và không ít tổn phí.

Fraser Howie, chuyên gia về Trung Quốc, ví von trên SCMP: "Cũng giống như tôi đang dùng WhatsApp thì bị cắt, và Trung Quốc nói: "Qua đây đi, bên đây có WeChat". Đúng là tôi có thể chuyển qua WeChat, nhưng tất cả bạn bè tôi vẫn đang dùng WhatsApp. Nên sự chuyển đổi đó không thể nào thay thế hoàn toàn". Hơn nữa, các ngân hàng Trung Quốc cũng phải tính toán rủi ro nếu vẫn làm ăn với Nga, nhất là khi các lệnh cấm vận đã đi vào hiệu lực.

Về thương mại thực tế, giới phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nhiên liệu, lương thực và các hàng hóa khác từ Nga. Đổi lại, nhập khẩu hàng công nghệ cao từ Trung Quốc sẽ giúp Nga thay thế phần nào nhập khẩu từ phương Tây.

Còn lĩnh vực tài chính của Nga ắt sẽ phải phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. "Tuy nhiên, hợp tác sâu hơn nữa giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Nga có thể là một mối đe dọa với nền kinh tế Trung Quốc", Szpotakowski phân tích.

"Mở rộng CIPS, ngay cả nếu có là một giải pháp thật sự cho Nga, sẽ không thể nhanh chóng, và Trung Quốc thực ra có nhiều thứ để mất hơn Nga. Sự giảm giá đột ngột của đồng rúp vì các lệnh cấm vận là lời cảnh báo về những gì có thể xảy ra với tiền tệ của một quốc gia trước các lệnh cấm vận quốc tế, và giới chức Trung Quốc hiểu rõ điều đó".

Phương Tây loại Nga khỏi SWIFT dễ hiểu sẽ làm tăng việc sử dụng những giải pháp thay thế cho hệ thống này, qua đó giảm vai trò thống trị hiện tại của đồng đôla Mỹ trong thương mại toàn cầu. Một ví dụ: Ngay ngày 2-3, Tập đoàn vận tải FESSCO của Nga thông báo họ sẽ chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ từ các khách hàng, cùng "nhiều lựa chọn thanh toán thay thế" ngoài giao dịch bằng đồng euro và đôla Mỹ như trước đây.

FESCO - nhà điều hành cảng biển, sân bay và đội tàu chở hàng chuyên các tuyến Viễn Đông kết nối Nga và châu Á có doanh số 700 triệu đôla Mỹ trước cấm vận - cũng thông báo họ sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ kho vận không thay đổi trên các lộ trình hiện tại và "mọi thanh toán bằng đồng rúp Nga vẫn có hiệu lực như bình thường".

Mỹ, Anh, EU trừng phạt giới siêu giàu Nga, Nhà Trắng nói muốn gây sức ép Mỹ, Anh, EU trừng phạt giới siêu giàu Nga, Nhà Trắng nói muốn gây sức ép

TTO - Vương quốc Anh đã công bố trừng phạt 2 đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Mỹ cũng nhắm trừng phạt vào giới siêu giàu của Nga.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên