Du khách đang thưởng lãm các bảo vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - Ảnh: LÂM THIÊN |
Theo ông Phạm Hữu Thọ, giám đốc bảo tàng Lâm Đồng, bảo tàng vừa tiếp nhận 124 bảo vật cung đình triều Nguyễn.
Ngay sau khi tiếp nhận, bảo tàng Lâm Đồng đã phối phợp với các chuyên gia lịch sử, khảo cổ thuộc bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành giám định, chỉnh lý, xác định niên đại, chất liệu chế tác, ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa và lập hồ sơ khoa học cho từng bảo vật.
Về nguồn gốc xuất xứ, ý kiến các nhà khoa học cho rằng, các bảo vật có từ cung đình triều Nguyễn, được gia đình Vua Bảo Đại đưa từ Huế vào Đà Lạt sau năm 1945, do ngự xưởng triều Nguyễn chế tác, có niên đại từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Hiện tại, bảo tàng Lâm Đồng đang trưng bày hơn 20 bảo vật tiêu biểu và các hình ảnh tư liệu về 13 đời vua triều Nguyễn để phục vụ du khách thưởng lãm.
Các bảo vật được trưng bày theo từng nhóm chủ đề, như đồ trưng bày, tế lễ, vật dụng sinh hoạt, đồ vật thuộc văn phòng tứ bảo và vật dụng trang trí…
Đa số, các bảo vật được ngự xưởng triều Nguyễn chế tác hoặc các bảo vật có xuất xứ châu Âu mà triều Nguyễn được tặng trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đây là bộ sưu tập quý hiếm, nhiều hiện vật được xếp vào nhóm độc bản, duy nhất có ở bảo tàng Lâm Đồng, được chế tác thủ công rất tinh xảo, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. |
Ông Phạm Hữu Thọ, giám đốc bảo tàng Lâm Đồng |
Trong số các bảo vật, nổi bật là bút ngọc được Vua Tự Đức sử dụng, có khắc hai dòng chữ Hán, mỗi dòng bốn chữ với nội dung: “Tự Đức nguyên niên” (năm 1848) và “Ngự diên văn bảo” (bút để vua viết những văn bản quan trọng và ngự phê văn bản)
Thẻ bài ngọc của Vua Khải Định, mặt trước và mặt sau có khắc nổi dòng chữ Hán khảm vàng cùng những hiện vật được gia đình vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu sử dụng: tô, bát, chậu, ly ngọc.
Đặc biệt, có một bát ngọc đính mảnh giấy viết bằng chữ Hán, nội dung ghi chép về việc, vào năm thứ ba đời vua Khải Định (năm 1918), ban cho trưởng hoàng tử Vĩnh Thụy.
Bên cạnh đó, tại bảo tàng Lâm Đồng còn có một số hiện vật mang tính chất ngoại giao rất độc đáo xuất xứ từ châu Âu: bộ nồi nấu ăn bằng đồng, bình rượu ngọc, đĩa ngọc…
“Bảo tàng sẽ mở cửa phục vụ du khách qua Quốc khánh 2-9 sau đó tạm ngưng và bổ sung thêm các hiện vật để tiếp tục phục dụ du khách dịp Festival hoa cuối năm 2017”, ông Thọ cho biết thêm.
Bộ nồi nấu ăn có xuất xứ châu Âu là quà tặng ngoại giao của triều Nguyễn - Ảnh: LÂM THIÊN |
Lư hương bằng ngọc - Ảnh: LÂM THIÊN |
Trấn phong do Ngự xưởng chế tác nhân dịp Vua Bảo Đại sinh nhật 40 tuổi “Vạn thọ tứ tuần đại khánh” - Ảnh: LÂM THIÊN |
Trấn phong do Ngự xưởng chế tác nhân dịp Vua Bảo Đại sinh nhật 40 tuổi “Vạn thọ tứ tuần đại khánh” - Ảnh: LÂM THIÊN |
Thẻ bài ngọc của Vua Khải Định với bốn chữ Hán khắc nổi nạm vàng “Đại Nam thiên tử” - Ảnh: LÂM THIÊN |
Bộ chén ngọc triều Nguyễn - Ảnh: LÂM THIÊN |
Tô ngọc do Vua Khải Định ban tặng Hoàng tử Vĩnh Thụy - Ảnh: LÂM THIÊN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận