19/08/2016 10:29 GMT+7

Dự báo trưa nay bão đổ bộ, miền Bắc gió giật cấp 11-13

TUẤN PHÙNG - BÁ SƠN - NAM TRẦN - HÀ THANH - HOÀI NAM - HÀ THANH - HOÀI NAM
TUẤN PHÙNG - BÁ SƠN - NAM TRẦN - HÀ THANH - HOÀI NAM - HÀ THANH - HOÀI NAM

TTO - Trưa 19-8, tâm bão số 3 sẽ bắt đầu vào bờ với sức gió cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-13. Phạm vi ảnh hưởng từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, trong đó trọng tâm vùng ảnh hưởng trực tiếp từ Hải Phòng đến Ninh Bình.

Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 3 - Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương 

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 19-8, bà Đặng Thanh Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết thông tin trên.

Trong sáng sớm 19-8, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 17 km/giờ. Ở Bạch Long Vĩ tiếp tục có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; các nơi khác ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 8.

Lúc 8g ngày 19-8, vị trí tâm bão số 3 cách bờ biển Hải Phòng - Ninh Bình khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11-13.

Bão tiếp tục di chuyển nhanh hơn theo hướng Tây với tốc độ 20 km/giờ. Dự báo đến 10g sáng 19-8, bão nằm trên vùng ven biển Hải Phòng - Ninh Bình với sức gió cấp 9- 10, giật cấp 11-13. Thời điểm này gió mạnh của bão bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền. 

Từ 12g đến 16g, vị trí tâm bão đổ bộ lên đất liền với trọng tâm là khu vực từ Hải Phòng đến Ninh Bình. Vùng gần tâm bão có gió cấp 9- 10, giật cấp 11-13.

Với diễn biến của bão, khu vực phía Bắc Thanh Hóa được dự báo có gió cấp 6-7, giật cấp 8-9, mưa từ 100-200mm. Các tỉnh phía sâu trong đất liền, Hà Nội có thể có gió giật đến cấp 7-8.

Dự báo bão số 3 gây mưa lớn diện rộng từ hôm nay đến hết ngày 20-8 trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Hà Tĩnh-Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 3 ngày 19-8 - Ảnh: T.PHÙNG
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 3 ngày 19-8 - Ảnh: T.PHÙNG

Mưa lớn gây nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Theo đại tá Nguyễn Anh Dũng - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - đến sáng 19-8, Bộ quốc phòng đã huy động 183.433 người cùng 207 tàu các loại, 4 trực thăng làm nhiệm vụ phòng chống bão, cứu hộ cứu nạn.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - đề nghị cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo sát diễn biến của bão để có thông tin sát thực tế nhất cho cơ quan chỉ đạo, phòng chống.

Ông Cường cũng đề nghị Ninh Bình kiên quyết di dời 367 người dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực đê lấn biển tại Kim Sơn (Ninh Bình) vào nơi an toàn. Khu vực Bắc Thanh Hóa rà soát những hộ dân  ở nơi không an toàn sẵn sàng di chuyển. Đồng thời các địa phương thông báo, cảnh báo, di dời người dân sống ở hơn 2.000 điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét ở miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An đến nơi an toàn vì đất đai đã bị ngậm nước đến mức bão hòa trong 2 trận bão số 1 và số 2.

Với 18 hồ chứa ở các tỉnh Đông Bắc Bộ đã đầy nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi cử người đến giám sát từng hồ, đảm bảo vận hành an toàn. 

Hà Nội: gió lớn, nhiều người đi xe máy không dám qua cầu

Lực lượng chức năng cắt cành cây xanh tại đường dẫn vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sáng 19-8 - ẢNH: B.SƠN
Lực lượng chức năng cắt cành cây xanh tại đường dẫn vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sáng 19-8 - Ảnh: B.SƠN

Theo ghi nhận sáng 19-8, tại một số khu vực tại Hà Nội có gió lớn. Khoảng 8g, tại cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng (nối Q.Hai Bà Trưng và Q.Long Biên, Hà Nội), do có gió lớn nên nhiều người đi xe máy đứng ở phía đầu cầu Q.Hai Bà Trưng mà không dám qua cầu.

Tại đường dẫn lên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lực lượng chức năng đang cho người cắt tỉa cành cây xanh bị gãy sau trận mưa lớn đêm hôm trước, đồng thời để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Khoảng 9g, trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên đã có gió khá lớn, xe cộ về hướng Hải Phòng bị lực gió cản khá mạnh. Thời tiết tại Hà Nội và một số tỉnh trong buổi sáng có mưa nhẹ.

Thái Bình hoàn thành việc phòng chống bão

Người dân nuôi ngao trên bãi biển Đồng Châu, Tiền Hải gấp rút thu gọn tàu, thuyền vào bờ tránh bão - Ảnh:NAM TRẦN
Người dân nuôi ngao trên bãi biển Đồng Châu, Tiền Hải gấp rút đưa tàu, thuyền vào bờ tránh bão - Ảnh: NAM TRẦN

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thái Bình, việc đối phó với cơn bão số 3 về cơ bản được hoàn thành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết việc gọi tàu thuyền, ngư dân trên biển cũng như di tản người dân vào bờ an toàn cũng hoàn thành vào lúc 17g chiều 18-8. Công tác tiêu nước hệ thống bằng trọng lực đã được hoạt động tương đối tốt lúc 22g đêm qua.

Người dân ven biển Đồng Châu, Tiền Hải gấp rút công tác phòng, chống bão số 3 - Ảnh:NAM TRẦN
Người dân ven biển Đồng Châu, Tiền Hải gấp rút phòng, chống bão số 3 - Ảnh: NAM TRẦN

Theo đó, tính đến 14g ngày 18-8, Bộ đội biên phòng tỉnh đã kêu gọi được 100% tàu thuyền và người vào nơi neo đậu an toàn, với tổng số 1.293 tàu, thuyền và 3.546 người khai thác thủy, hải sản.

Để chủ động tiêu nước mặt ruộng triệt để tránh gây ngập úng lúa, hoa màu, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty khai thác Thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước (đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân) để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống.

Theo thống kê của Bộ đội biên phòng từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, toàn bộ 38.539 tàu thuyền, lồng bè  nuôi thuỷ sản cùng 128.545 người đã được thông báo, hướng dẫn di chuyển phòng tránh bão. Đến 18g30 ngày 18-8, từ Quảng Trị trở ra phía Bắc không còn tàu thuyền nào hoạt động trên biển.

Sáng 19-8, bão ảnh hưởng đến Bạch Long Vỹ nhưng 58 tàu cùng 40 người neo đậu tại đây vẫn đảm bảo an toàn.

Các tỉnh Quảng Ninh đến Ninh Bình đã di dời 37.643 người trong tổng số 73.856 người thuộc 16.915 hộ dân các khu nuôi trồng hải sản, sống ở vùng trũng thấp, ngoài đê, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.

10 thuyền viên Myanmar tránh bão ở Thái Bình

Sáng 19-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Tống Thanh Sơn, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền, cho biết tàu Amiri (quốc tịch Mông Cổ) với 10 thuyền viên quốc tịch Myanmar đang tránh bão trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng gia cố khu vực xung yếu tại đê biển Tiền Hải -Ảnh: HOÀI NAM
Lực lượng chức năng gia cố khu vực xung yếu tại đê biển Tiền Hải - Ảnh: HOÀI NAM

Tàu Amiri bị mắc cạn sau cơn bão số 1 (đêm 27-7) và trôi dạt vào cửa Diêm Điền (huyện Thái Thụy). Hiện tại 10 thuyền viên đã được đưa vào bờ theo yêu cầu của thuyền trưởng để tránh bão số 3.

10 thuyền viên đã được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đảm bảo nơi ăn, chốn nghỉ theo chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cũng trong sáng nay, Trung tướng Phạm Ngọc Minh, phó đô đốc - phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - đã về kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 tại địa bàn tỉnh Thái Bình.

Tàu thuyền tại cảng Diêm Điền (huyện Thái Thụy) đã vào bờ trú ngụ an toàn -Ảnh: HOÀI NAM
Tàu thuyền tại cảng Diêm Điền (huyện Thái Thụy) đã vào bờ trú ngụ an toàn - Ảnh: HOÀI NAM

Trung tướng Minh cho biết qua công tác kiểm tra, tỉnh đã triển khai đầy đủ, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu.

Cũng trong sáng 19-8, một số khu vực đê biển, cống xung yếu khu vực nuôi ngao tại Đồng Châu, Tiền Hải cũng được gia cố thêm để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Sáng 19-8, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết công tác gọi tàu thuyền, ngư dân trên biển và nuôi trồng thủy sản cũng như di tản người dân vào bờ an toàn cũng hoàn thành vào lúc 17g chiều 18-8. 

Công tác tiêu nước hệ thống bằng trọng lực đã được hoạt động tương đối tốt vào lúc 22g đêm qua.

Trung tướng Phạm Ngọc Minh, phó Đô đốc - phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn về tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn - Ảnh: HOÀI NAM
Trung tướng Phạm Ngọc Minh về Thái Bình kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn - Ảnh: HOÀI NAM

 

TUẤN PHÙNG - BÁ SƠN - NAM TRẦN - HÀ THANH - HOÀI NAM - HÀ THANH - HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên