12/06/2015 09:15 GMT+7

Trụ sở vàng: đầu xuôi đuôi kẹt

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Nếu xem các dự án xây dựng trung tâm hành chính tập trung đang nợ nần như là một dự án của doanh nghiệp thì đó là một vụ làm ăn không hiệu quả.

Trụ sở cũ của Ủy ban nhân dân TP Thủ Dầu Một bị bỏ trống gần một năm nay, cỏ mọc um tùm khắp sân - Ảnh: Xuân An
Trụ sở cũ của Ủy ban nhân dân TP Thủ Dầu Một bị bỏ trống gần một năm nay, cỏ mọc um tùm khắp sân - Ảnh: Xuân An

Rơi vào tình huống đó, nhẹ gọi là thua lỗ, nặng là phá sản.

Nói phá sản là không sai vì được coi là phá sản khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết nhưng vẫn không trả được nợ đến hạn, ở đây không phải là vài tỉ mà vài trăm đến cả ngàn tỉ đồng.

Chắc chắn sẽ có lập luận cho rằng không thể dùng kiểu đo đếm lời lỗ để đánh giá hiệu quả của các trung tâm hành chính tập trung, bởi khi những nơi này hoạt động đã mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế - xã hội. Đó là sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, là cải thiện môi trường đầu tư, giúp thúc đẩy cải cách hành chính...

Thế nhưng, dù ở góc nhìn nào cũng không thể phủ nhận rằng một số dự án trung tâm hành chính được xây dựng trên những cơ sở không vững chắc, hậu quả là công trình đi vào hoạt động nhưng phải mở ra giai đoạn “dọn dẹp” hậu dự án.

Thay vì “lấy nó nuôi nó” - dùng tiền bán trụ sở cũ để xây trụ sở mới thì ngân sách địa phương đã phải thu xếp để có tiền thanh toán. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, luôn phải vay thêm mới đủ chi thì việc buộc phải ngắt ra một miếng để thanh toán tiền xây trụ sở là việc... khó coi.

Càng khó coi hơn khi một số chính quyền địa phương đã triển khai những dự án “đầu xuôi đuôi kẹt”.

Đã là dự án đầu tư, dù không kinh doanh thì cũng phải làm chặt chẽ, có khởi đầu và kết thúc có hậu.

Đó là công trình được đưa vào sử dụng đúng hạn, chất lượng tốt. Là tiền bạc thanh toán đầy đủ, đúng hạn, không phát sinh, không nợ nần. Là phải thực hiện đúng các giải pháp về vốn, thi công... như đã duyệt. Là không cần có thêm giải pháp A, giải pháp B để “giải cứu” do dự án không sát thực tế. Là không thể chấp nhận phải dùng đến “hiệu quả xã hội” - thước đo khá trừu tượng - để nói rằng dự án đó cũng có mặt tích cực!

Để lọt lưới những dự án kiểu này có thể dẫn đến những hệ lụy không hay. Như do không bán được trụ sở cũ để thanh toán cho nhà đầu tư xây trung tâm hành chính, đã có hiến kế là “cấn nhà cũ để trừ nợ”.

Đề xuất này không được chấp thuận, vẫn phải đấu giá công khai, bởi việc cấn trừ có thể dẫn đến nhiều rắc rối. Vì định giá tài sản, dù chính xác ở thời điểm này nhưng sẽ bất hợp lý ở thời điểm khác, có thể dẫn đến thất thoát, mất mát.

Như có nơi phải vay đầu này, đắp chỗ nọ, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo. Rồi doanh nghiệp cũng kẹt vì đã ứng tiền xây cho chính quyền nhưng không được thanh toán...

Phải thừa nhận rằng việc dùng giải pháp thị trường “bán trụ sở cũ để xây trụ sở mới”, “đổi đất lấy trụ sở” hoặc “xây dựng - chuyển giao” để xây trung tâm hành chính tập trung là một ý tưởng hay trong điều kiện ngân sách eo hẹp.

Nhưng những gì diễn ra đã phủ nhận ý nghĩa tốt đẹp của ý tưởng này, đẩy người quan tâm đến suy nghĩ, liệu đó có phải là cách lách để dùng “tiền tươi thóc thật” từ ngân sách xây trụ sở, là cố làm cho bằng chị bằng em...

Thật là khó coi khi những trung tâm hành chính - biểu tượng của quyền lực, biểu tượng của cải cách hành chính, biểu tượng của địa phương… - lại có “tì vết” là một dự án “đầu xuôi đuôi kẹt”. 

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên