Phóng to |
Một người đàn ông hôn ảnh nhà lãnh đạo Hezbollah. Đây là cách ông bày tỏ thái độ chống Israel - Ảnh: NA SƠN |
Beirut: một ngày giữa chiến tranh
Nhờ Hiền, một công dân VN sống tại Libăng, chúng tôi thuê được xe chở đến phía nam Beirut, khu vực đại bản doanh, hay nói như các hãng thông tấn nước ngoài là “pháo đài” của lực lượng Hezbollah tại Libăng. Đây cũng là nơi bị không lực Israel tàn phá nặng nề kể từ khi cuộc chiến bắt đầu ba tuần trước đây.
15g chiều 1-8, Ibrahim, người lái xe, có mặt đúng hẹn tại khách sạn. Anh nói tiếng Anh khá tốt và cho biết sẵn sàng đưa chúng tôi đến bất cứ đâu với một điều kiện: được phát một áo giáp chống đạn, bởi theo Ibrahim, dù hôm nay là một ngày khá yên tĩnh (ngày trước đó Israel hứa ngưng không kích trong 48 giờ), nhưng vẫn còn một số trái bom thả xuống khu vực đó chưa phát nổ. Nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào.
"Họ là Hezbollah!"
Từ trung tâm Beirut, chỉ sau 10 phút lái xe, chúng tôi đến một khu chợ vẫn còn khá sầm uất. "Đây là khu Jobaireh, điểm bắt đầu của khu vực phía nam - Ibrahim vừa cầm lái vừa chỉ dẫn - Đây đã là vùng đất của lực lượng Hezbollah”.
“Vậy thì họ đâu rồi?” - chúng tôi hỏi. “Các anh đang nhìn thấy họ đấy thôi. Kia kìa, những người đàn ông, đàn bà đang đi trên đường, đang mua bán hàng hóa... Đó là những người Hezbollah. Chỉ có điều họ không mang súng trên người mà thôi” - Ibrahim trả lời.
Xe chạy thêm vài chục mét, quang cảnh lập tức có nhiều thay đổi rõ rệt. Những con đường rộng thênh thang trở nên vắng ngắt, các cửa hàng cửa hiệu đóng im ỉm. Khung cảnh thật buồn thảm. Như vậy là chúng tôi đã thật sự bước vào vùng đất của chiến tranh, của bạo lực và chết chóc. Lập tức cả ba mặc áo giáp chống đạn và thẳng tiến.
Thế rồi trước mặt chúng tôi là một hố sâu to tướng giữa ngã tư đường. Ngay sát gần đó là một tòa nhà lớn có đề biển Trường cao đẳng CIS. Con đường vào khu này bị chặn lại. Vừa dừng xe để chụp ảnh, lập tức có ba thanh niên mặc thường phục ập tới xét hỏi. Khi biết chúng tôi là nhà báo VN đến chụp ảnh và ghi nhận tình hình, một người rút điện thoại ra nói chuyện với ai đó khá lâu.
Ibrahim giải thích: “Anh ta đang gọi điện cho cấp trên để xin phép đấy”. Mấy phút sau, những thanh niên này tỏ ra thoải mái hơn và cho chúng tôi chụp hình. “Chỗ này do tên lửa Israel gây ra cách nay hai tuần làm sáu người bị thương” - một thanh niên cho biết. Tuy vậy, chúng tôi không được phép đi sâu vào bên trong.
Rẽ sang ngả đường khác, một cảnh tượng vô cùng hoang tàn hiện ra trước mắt. Dãy phố đầy gạch ngói vụn, mảnh kính vỡ, hàng loạt dãy nhà xơ xác, xiêu vẹo, một số đổ ngổn ngang. Đó là phố Hadi Nasrallah. Lập tức có hai người tiến tới kiểm tra.
Trao đổi vài phút, họ cho phép chúng tôi chụp hình và còn nhiệt tình dẫn đi sâu vào bên trong, nơi có rất nhiều tòa nhà tả tơi vì bom và tên lửa. Nơi đây là một khu dân cư bị bom Israel đánh sập, tuy nhiên không có thương vong do người dân đã di tản từ trước.
Phóng to |
Những người ủng hộ Hezbollah ở khu vực Dahieh, phía nam Beirut - Ảnh: Na Sơn |
“Đó là các thành viên Hezbollah, anh có thể phỏng vấn” - Ibrahim chỉ. Tôi hỏi một thanh niên cao lớn, đeo kính đen: “Người ta nói rằng Hezbollah là khủng bố. Anh sẽ nói thế nào đây?”. Người thanh niên trả lời: “Hezbollah là thế nào thì hãy để người dân Libăng trả lời”.
Tôi hỏi tiếp: “Các anh canh gác ở đây mà không sợ bị tấn công tiếp ư?”. “Chúng tôi phải ở đây để ngăn không cho người ngoài xâm nhập khu vực này. Chúng tôi không sợ”. “Vậy thông thường không lực Israel tấn công vào lúc nào? Sáng hay tối?". "Không hề có thời gian cố định để đề phòng. Không ai có thể đoán trước lúc nào Israel sẽ tấn công”.
Quay lại xe, chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình, bỗng Ibrahim nhìn lên trời nghe ngóng: “Hình như có tiếng máy bay”. Chúng tôi cũng dáo dác nhìn theo, tim đập thình thịch, nhưng hóa ra đó chỉ là tiếng ầm ào ở đâu đó. Bầu trời quang đãng không gợn chút mây và không hề có bóng dáng cỗ máy ném bom nào. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.
Càng đi sâu vào khu vực phía nam Beirut, khung cảnh càng hoang tàn, đổ nát hơn. Một nhóm đàn ông ngồi trước cửa một cửa hàng tạp hóa, án ngữ một khu vực bị tàn phá nặng nề. Trong dãy phố, một tòa nhà lớn bị đánh sạt một bên, vẫn còn lủng lẳng tấm biển Institute Technology of Studies (Học viện Công nghệ).
Biết chúng tôi là nhà báo VN, những người ở đây niềm nở chào đón. “Khu vực này đã bị đánh phá hết cả rồi, tại sao các anh vẫn còn ở lại đây?”. “Đây là nhà của chúng tôi, chúng tôi không muốn bỏ đi. Chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi nơi này sụp đổ. Chúng tôi không hề sợ chết, không hề quan tâm đến việc Israel có thả bao nhiêu bom đạn xuống đây đi chăng nữa”. Ông cho biết tại khu vực này đã có nhiều người thiệt mạng nhưng không nắm rõ con số chính xác.
Không giống như những người gặp lúc ban đầu, nhóm này tỏ ra rất thoải mái, thậm chí còn cho phép chúng tôi chụp hình họ. Một người tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và sẽ chiến thắng. Israel sẽ là kẻ thất bại cuối cùng”. Một anh chàng trẻ măng, chạy xe máy qua vỗ ngực bình bịch, hô lớn đầy vẻ quá khích: “Nếu Israel tiếp tục tấn công Libăng, tôi sẽ sang Israel đánh bom tự sát”. Nói xong, anh ta chạy thẳng mất dạng.
Phóng to |
Gia đình bà Sobhi Navaih ở lầu 8 khu chung cư trước mặt - khu này bị oanh kích tan hoang trong đợt không kích gần đây nhất - Ảnh: Na Sơn |
Một điều lạ là dường như Ibrahim tỏ ra hết sức thông thuộc khu vực này. Đến chỗ nào anh cũng chỉ rõ tên phố, tên nhà, nơi bị không lực Israel tấn công vào ngày nào, bao giờ. Thậm chí Ibrahim tỏ ra hăng hái trong việc chụp ảnh bằng điện thoại di động còn hơn cả chúng tôi. Tiếp tục lái xe đi lòng vòng, Ibrahim dẫn chúng tôi đến bên một cây cầu rất lớn.
Đây là cầu Hava Hazmich. Thân cầu, phía trên cao hơn 10m, bị đánh gãy một đoạn dài khoảng 3m khiến chiếc cầu bị tách ra chơi vơi thành hai đoạn. Một đống đổ nát với bêtông, gạch vụn, cốt thép dồn lại thành đống bên dưới chắn ngang cả một đoạn đường.
Phía bên dưới chân cầu, một chiến binh Hezbollah với súng AK - 47 vác trên vai đi đi lại lại. Một người lớn tuổi hơn, có lẽ là chỉ huy, mặc thường phục, bước lại gần chúng tôi với vẻ dò xét. Cũng giống như những người trước, họ trở nên niềm nở khi biết chúng tôi là nhà báo VN. Tuy vậy, họ từ chối không cho chúng tôi chụp ảnh chân dung.
Khi chúng tôi quyết định quay về, Ibrahim đột ngột đề nghị: “Tôi còn muốn chỉ cho các bạn xem chỗ này nữa”. Thêm vài phút lái xe, trước mắt chúng tôi là hàng loạt dãy nhà đổ nát, cháy sém, khói còn bốc lên nghi ngút. Khung cảnh thật khủng khiếp, còn hơn cả những gì chúng tôi được chứng kiến trước đây.
Ngay lúc đó, một gia đình bốn người, hai vợ chồng và hai cô con gái, chạy xe ngang qua. Thấy chúng tôi, họ dừng lại. “Kia là nhà của tôi” - người đàn ông lớn tuổi tên Sobhi Navaidin nói với vẻ mặt đầy đau đớn và phẫn nộ, chỉ lên tầng ba một tòa chung cư đen sì, có nhiều mảng vỡ lớn.
Bốn ngày trước đây, khu vực này bị tên lửa Israel đánh phá. Gia đình ông Navaidin vừa rời nhà được hai giờ thì ngôi nhà bị tấn công. Chỉ tay vào đống đổ nát khói bốc lên nghi ngút trước mắt, ông Navaidin ngậm ngùi nói: “Chỗ kia có hai người đã chết. Tôi có quen biết họ. Xác họ vẫn còn bị chôn vùi dưới đó, chưa thể bới lên được”.
Phía bên kia đường có một tấm panô lớn in hình chân dung nhà lãnh đạo Hezbollah Nasrallah. Ông Navaidin bước tới đó, miệng hô vang: “Chúng tôi sẽ chiến đấu bên cạnh ông ấy để chống lại Israel”. Như quá phấn khích, ông Navaidin rướn mình lên hôn bức chân dung.
“Tất cả những gì các bạn đã chứng kiến là tội ác do Israel đã, đang và còn sẽ gây ra” - Ibrahim khẳng định một cách mạnh mẽ. Rời khu vực phía nam, chúng tôi lên đường trở về trung tâm Beirut. Đến gần khách sạn, đột nhiên Ibrahim nói: “Tôi nói với các bạn điều này, chính tôi cũng là một thành viên Hezbollah”.
Hezbollah có nghĩa là “Đảng của Thánh Allah”. Tổ chức này có hai cánh chính trị và quân sự, và “Kháng chiến Hồi giáo” là danh xưng cánh quân sự của Hezbollah. Lực lượng này được tổ chức theo hình kim tự tháp, cho phép các nhóm thành viên nhỏ nhất cũng có thể tự ra bất kỳ quyết định nào trong những thời điểm cần thiết. Một ban chỉ huy cấp nào đó cũng có thể bất ngờ ra một quyết định kiểu như vụ bắt cóc hai tù binh Israel ngày 12-7 khi điều kiện chiến trường cho phép, nếu như bộ chỉ huy tối cao đã bật đèn xanh “về nguyên tắc” cho một hành động tương tự. Về quân sự, các đảng viên Hezbollah chia ra loại chuyên trách và không chuyên trách. Đảng viên chuyên trách nhiệm vụ quân sự được lĩnh lương tháng, được bảo hiểm xã hội và y tế. Các đảng viên không chuyên trách nhiệm vụ quân sự thì không được huấn luyện bài bản nhưng cũng được học cách sử dụng súng và biết cách chiến đấu. Họ cũng có lương, nhưng ít hơn cán bộ quân sự chuyên trách. Ngoài số quân sự chuyên trách và bán chuyên trách, còn có đông đảo quần chúng được xem như lực lượng dự bị. Hezbollah chưa bao giờ nói về quân số nhưng các nguồn tin tin cậy tiết lộ lực lượng quân sự chuyên trách thiện chiến của họ chỉ chừng vài trăm người. Họ được huấn luyện bài bản, có trình độ chiến đấu cao, thậm chí sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật quân sự điện tử phức tạp. Còn số chiến binh không chuyên trách của Hezbollah phải tới vài ngàn. Một giáo sư tại Đại học Mỹ ở Beirut cho rằng các chiến binh Hezbollah thường chiến đấu trong những đơn vị độc lập chỉ khoảng 20 người. Ben Devid - một chuyên gia về Israel - nhận xét: “Miền nam Libăng đã là căn cứ của Hezbollah, vừa có lực lượng vừa được sự tiếp tay của dân địa phương. Vốn thông thạo địa hình khu vực, họ đánh lừa được quân Israel hoặc bố trí phục kích thành công tại những địa bàn thích hợp”. Khi bắt đầu chiến dịch “trả đũa” ngày 12-7 vừa qua, bộ chỉ huy quân sự Israel đã thuyết phục chính phủ của họ rằng theo các tin tình báo, chiến dịch sẽ kết thúc thắng lợi chỉ sau vài ngày. Bây giờ, chính người phát ngôn quân đội Israel cũng nói: “Các chiến binh Hezbollah được tổ chức rất tuyệt trong thời gian sáu năm qua, kể từ khi Israel rút khỏi miền nam Libăng. Họ đã đào nhiều địa đạo, tàng trữ nhiều vũ khí. Họ được huấn luyện kỹ thuật quân sự rất tốt, trang bị tối tân, sẵn sàng tử chiến”... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận