22/03/2018 11:43 GMT+7

Trồng lúa không còn sợ nước mặn

THANH TÚ
THANH TÚ

TTO - Từ những ưu thế của giống lúa mùa, các nhà khoa học đã cho ra giống lúa chịu mặn, thích nghi với biến đổi khí hậu.

Trồng lúa không còn sợ nước mặn - Ảnh 1.

Giống lúa được đặt tên TG1, TG4 (TG: Tiền Giang), là nơi xuất xứ của giống lúa đang tạo được nhiều sự quan tâm này.

Từ tháng 5-2014 đến tháng 3 - 2018, nhóm tác giả này đã sử dụng phương pháp gây đột biến sốc nhiệt để tạo giống mới từ giống lúa mùa (Nàng Quốc Biển) có sẵn ở vùng nhiễm mặn thường xuyên của tỉnh Tiền Giang là xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Quá trình nghiên cứu và thực nghiệm trên đồng ruộng, nhóm tác giả của Trường Đại học Tiền Giang đã chọn được hai dòng lúa ưu tú, thích nghi với vùng sinh thái lúa tôm, có thể chịu mặn đến 6,3g/lít (6,3 phần ngàn).

Ông Trần Ngọc Ẩn - Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp (Sở NN&PTNT Tiền Giang), nhận định ngoài khả năng chịu mặn cao, giống lúa TG1 và TG4 còn cho năng suất hơn 4 tấn/ha, lúa ngắn ngày (95 ngày), cứng cây, kháng rầy tốt, ít sâu bệnh và đặc biệt là gạo mềm cơm, thơm nhẹ nên có thể trở thành gạo thương phẩm tốt.

Nông dân Nguyễn Thanh Hải, người trực tiếp tham gia sản xuất khảo nghiệm từ đầu ở ấp Bà Từ, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, cho biết mặc dù anh cùng với bà con nông dân trong xã chỉ mới sản xuất khảo nghiệm trên diện tích khoảng 6ha của vụ đông xuân vừa qua, nhưng thương lái đã chấp nhận mua với giá 4.800 đồng/kg.

" Những năm trước, cứ mỗi lần nước mặn xâm nhập sớm một tí là diện tích lúa của bà con nơi đây coi như chết toi. Từ nay, có giống lúa này bà con chúng tôi sẽ yên tâm sản xuất mà không phải thấp thỏm lo sợ mặn như trước nữa"- ông Hải nói.

Còn theo ông Dương Văn Bon - Giám đốc Sở KH-CN Tiền Giang, đánh giá trong bối cảnh Tiền Giang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, việc nhóm tác giả của Trường Đại học Tiền Giang nghiên cứu, lai tạo thành công giống lúa chịu mặn chỉ trong vòng ba năm là một kết quả đáng khích lệ, có ý nghĩa về kinh tế lẫn xã hội.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo đời sống của người dân vùng ven biển của Tiền Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Ông Bon mong muốn ngành nông nghiệp của tỉnh và Trường Đại học Tiền Giang tiếp tục mở rộng, khảo nghiệm rộng rãi hơn để sớm chính thức ra giống mới đưa vào phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Bích Hà Vũ - Chủ nhiệm đề tài cho rằng tới đây, nhóm sẽ chuyển giao sản phẩm cho Trung tâm giống nông nghiệp Tiền Giang để cung ứng rộng rãi cho người dân có nhu cầu.

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên