23/01/2014 08:39 GMT+7

Trong 12 giờ, Malaysia bắt 1.565 người nước ngoài nhập cư lậu

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Chiến dịch truy quét dân nhập cư lậu lớn ở Malaysia đã diễn ra hôm 21-1 với việc 1.565 người nước ngoài bị bắt trong vòng 12 giờ đồng hồ đầu tiên.

Pm520xXx.jpg
Một người nhập cư (bìa trái) bán hàng rong cho du khách trên đường phố Kuala Lumpur - Ảnh: Thanh Liêm

Báo New Straits Times cho biết đã có tổng cộng 107 cuộc truy quét được thực hiện đồng thời trên cả nước với hơn 6.100 người nước ngoài bị kiểm tra giấy tờ. Sở Di trú Kuala Lumpur nói tại thủ đô Kuala Lumpur, 425 dân nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt tại khu Chow Kit, gồm 82 phụ nữ. Ngoài ba người chưa xác định được quốc tịch, số còn lại bao gồm 257 người Indonesia, 60 người Bangladesh, cùng những người đến từ Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Thái Lan, VN, Yemen, Togo và Nigeria. Tại các nơi khác ở Malaysia, dân nhập cư lậu bị bắt khi đang làm việc ở các công trường xây dựng hoặc đồn điền trồng cọ.

Chiến dịch gắt gao

Bộ trưởng nội vụ Datuk Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi cho hay những người vừa bị bắt sẽ bị trục xuất trong vòng bảy ngày. Chính quyền cũng sẽ quét vân tay họ để những người này không thể nhập cảnh Malaysia trong tương lai, dù với danh tính khác. Chi phí cho việc về nước của lao động nhập cư lậu sẽ do chủ của họ hoặc các đại sứ quán lo liệu chứ Chính phủ Malaysia không trả đồng nào.

Sẽ trục xuất 400.000 người

Đối với chiến dịch hiện tại, theo Wall Street Journal, chính quyền đặt mục tiêu bắt và trục xuất khoảng 400.000 dân nhập cư bất hợp pháp, một phần nỗ lực để cắt giảm lao động dư thừa và giảm bớt chi phí xã hội lớn đang tăng lên do việc gánh một lượng không nhỏ người nước ngoài chiếm đến hơn 16% lực lượng lao động ở Malaysia.

Về phía những người chủ sử dụng lao động, ông Zahid yêu cầu họ đem hộ chiếu của lao động nhập cư đến trình cơ quan di trú. Trong trường hợp những lao động vừa bị bắt nhưng có giấy phép làm việc hợp pháp thì sẽ được thả.

Bắt đầu từ ngày 21-10-2013, như The Star cho biết, Bộ Nội vụ Malaysia đã tiến hành chương trình “ân xá” đặc biệt kéo dài ba tháng để các chủ sử dụng lao động có cơ hội đến trình báo họ bị các trung tâm việc làm lừa đảo về việc đăng ký giấy phép cho người lao động và từ đó xin giấy phép làm việc hợp pháp cho người làm thuê. Tuy nhiên, rất nhiều ông chủ đã không làm việc này.

“Những người sử dụng lao động lẽ ra phải tận dụng thời gian từ ngày 21-10-2013 đến 20-1 năm nay mà chính phủ tạo điều kiện cho họ để xin giấy phép làm việc cho người lao động” - ông Zahid nói và dọa sẽ xử lý luôn những người sử dụng lao động nhập cư trái phép theo luật di trú và luật chống buôn người.

Hồi tháng 9-2013, một đợt truy quét dân nhập cư lậu đã diễn ra tại nước này với 17.180 người nước ngoài và 223 chủ sử dụng lao động bị bắt giữ.

Gánh nặng xã hội

Lần truy quét này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nên nhiều nơi cơ quan chức năng ập vào đều trống rỗng. The Star dẫn lời một quan chức sở di trú ở Selangor nói người nhập cư bất hợp pháp thường trốn ở những nơi cơ quan chức năng ít tìm tới như trường học, bệnh viện. “Nếu đến khu vực phòng chờ bệnh viện, anh sẽ thấy họ ở đó rất nhiều” - quan chức này nói.

Theo Bernama, ông Zahid khẳng định chiến dịch sẽ còn kéo dài tới cuối năm với sự phối hợp của các ban ngành hữu quan để phát hiện, giam giữ, truy tố và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Các cuộc truy quét đồng loạt hôm 21-1 đã được thực hiện với 2.015 người thuộc các cơ quan và lực lượng bao gồm Sở Di trú, cảnh sát, dân phòng, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia...

Theo Wall Street Journal, mặc dù từ lâu Malaysia đã phải dựa vào lực lượng lao động nước ngoài để phục vụ trong các ngành nghề lương thấp mà người dân nước này không ngó ngàng tới (hầu hết trong các đồn điền và công trình xây dựng) nhưng lực lượng này lại đặt một gánh nặng lên các dịch vụ công cộng như y tế và giao thông.

The Star dẫn số liệu của Liên đoàn Những người sử dụng lao động Malaysia nói có khoảng 2,3 triệu lao động nước ngoài hợp pháp ở nước này, trong khi có khoảng 2 triệu lao động nước ngoài khác đang được thuê bất hợp pháp ở nhiều ngành nghề. Các cuộc truy quét lao động nhập cư trái phép diễn ra trong bối cảnh chính phủ đang muốn kiềm chế chi tiêu để ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Đặng Trần Minh Trí - sinh viên đang học tại Kuala Lumpur - nói Malaysia là một nước đất rộng người thưa nên nhu cầu nhân lực cao. Anh Trí kể: “Lúc trước Chính phủ Malaysia khá cởi mở đối với lao động nước ngoài nhưng đến khi họ vào nhiều quá, chính phủ không kiểm soát nổi những người không đăng ký”.

Anh Trí cho biết thêm mức lương trả cho lao động ở đây cũng khá ổn. “Một bữa ăn khoảng 5 ringgit (1,5 USD). Một giờ làm việc cũng 5 ringgit nên nhìn chung mọi người chỉ cần cố gắng làm việc sẽ có tiền” - anh Trí nói.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên