03/10/2019 11:31 GMT+7

'Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi': Giấc mơ níu giữ thanh xuân

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Cứ mỗi lần các nhân vật cầm lên cây đàn và cất tiếng hát, bộ phim lại như bồng bềnh trôi vào một giấc mơ, mỗi giấc mơ mang một cung bậc của tuổi trẻ.

Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi: Giấc mơ níu giữ thanh xuân - Ảnh 1.

Hà Quốc Hoàng (vai Tâm) và Trần Lê Thúy Vy (vai Thanh) trong phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi - Ảnh do đoàn phim cung cáp

'Cảm ơn bạn đã không ngủ gật' dòng chữ hiện lên màn hình khi Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi kết thúc. Có lẽ êkip làm phim, hơn ai hết, biết rằng bộ phim của mình khó níu kéo người xem. Nói cho cùng, tại sao họ phải quan tâm tới câu chuyện bâng quơ của hai con người trẻ tuổi lang thang suốt đêm kia chứ?

Ấy vậy mà, có lẽ những người ngủ quên duy nhất là hai nhân vật chính - Tâm (Hà Quốc Hoàng), một chàng nhạc sĩ thất bại và Thanh (Trần Lê Thúy Vy), một cô tài xế Grab, tình cờ gặp gỡ qua một chuyến đặt xe ôm, và sau một ngày dài cùng rong ruổi khắp các ngóc ngách Sài Gòn, họ trèo lên nóc nhà tiếp tục trò chuyện và ngủ thiếp đi.

Còn những khán giả theo dõi họ qua màn hình thì khó mà ngủ gật khi trong suốt chín mươi phút, họ được nghe nhạc, được cười, được rơm rớm nước mắt, được bồi hồi, được mộng mơ, và ta nên đòi hỏi gì hơn ở một bộ phim.

Traierl Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi

Với âm nhạc, mọi thương tổn hóa thành những bài thơ

Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi không phải một trải nghiệm điện ảnh mới mẻ. Đầu tiên, nó giống với Before Sunrise - một tác phẩm lãng mạn nhỏ xinh mà có sức sống lâu bền của Richard Linklater, khi mà cả hai bộ phim đều là những câu chuyện tối giản, gần như chỉ có hai nhân vật đi lại và nói chuyện. Rồi nó lại mang màu sắc của Once - một bộ phim thuần khiết về tình yêu, sự giao cảm và âm nhạc.

Nhưng nếu so với Before Sunrise, phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi là một phiên bản ít rắc rối hơn - hai nhân vật ở đây không bàn luận về triết học hay chính trị, và lại mơ màng hơn vì họ nói chuyện bằng âm nhạc, và âm nhạc thì luôn khiến mọi thương tổn hóa thành những bài thơ. Còn khi so với Once, nó lại là phiên bản có hậu hơn và tươi sáng hơn.

Và bất chấp sự tương đồng với những tác phẩm đi trước, phim vẫn đem đến một cảm giác kín đáo và nguyên bản, phần nhiều nhờ sự dẫn dắt mạch của những ca khúc indie (độc lập).

Cứ mỗi lần các nhân vật cầm lên cây đàn và cất tiếng hát, bộ phim lại như bồng bềnh trôi vào một giấc mơ, mỗi giấc mơ mang một cung bậc của tuổi trẻ.

Khi Thanh hát Điều vô lý thứ nhất trước chiếc gương trong ngôi chùa nhỏ, còn Tâm bắt lấy giai điệu và dạo đàn, đó là giấc mơ về sự phù du của tuổi trẻ. Khi họ đứng trước những vần thơ trong viện bảo tàng và phổ nhạc những câu như "Và em bởi ngộ nhận tôi / Cho nên ta buộc chung đời với nhau", đó là một giấc mơ về sự hoang đường của tuổi trẻ.

Khi Tâm sau buổi xưng tội với người linh mục liền hát "Trời ơi con chưa muốn chết", đó là giấc mơ về sự tận hiến của tuổi trẻ. Còn khi họ ngồi trên chiếc xe buýt và hát về tiền, xung quanh những ông chú bà cô khác cũng tưng bừng hòa tấu và múa may theo, đó lại là cách họ giễu chính những giấc mơ của mình.

Để hiện tại ngân dài thêm một phách

Giấc mơ này nối liền giấc mơ kia và khi xem Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, cảm tưởng như bao trùm cả bộ phim là một sự chùng chình khó tả. Điều đó không chỉ đến từ việc hai nhân vật cứ nấn ná lại thêm cùng nhau một lát, một lát nữa, mà ngay cả những cú máy dài thật dài cũng như thể không muốn cắt, như thể muốn nán lại những khung hình yêu dấu của Sài Gòn và của thời khắc hiện tại đang diễn ra.

Điều đó dễ hiểu thôi, hầu như tất cả những tác phẩm muốn trình hiện lại cách thời gian trôi trong một ngày, một giờ, dù thuộc về lĩnh vực văn chương hay điện ảnh, từ Ulysses của James Joyce cho tới Cléo from 5 to 7 của Agnes Varda, đều muốn vươn tới một điều bất khả: chúng muốn giữ lại thời gian.

Nói theo cách ấy, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi như một cái níu tay để đêm dài tuổi thanh xuân đừng đi vội, để hiện tại ngân dài thêm một phách, vì như lời một ca khúc Thanh đã hát: "Mà chợt bên nhau, biết đâu mai lại khác. Ngày cứ trôi nhanh không ngờ".

Không phải Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi không có những lấn cấn và những xếp đặt hơi quá tay, nhưng cả không khí của bộ phim dễ thương đến mức khiến khán giả sẵn sàng thỏa hiệp trước những phi lý ấy và không cố gắng kháng cự lại những logic mà nó đặt ra.

Jean-Luc Godard từng nói: "Điện ảnh là kẻ lừa dối đẹp đẽ nhất trên đời". Và khi người ta tự nguyện bị "dắt mũi" bởi một tác phẩm mà không đếm xỉa gì tới việc chất vấn nó thì có nghĩa nó đã làm được điều mà điện ảnh cần phải làm.

Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi gặp không ít khó khăn tại phòng vé. Nhưng vào thời điểm ra đời, Before Sunrise cũng không được công chúng biết tới rộng rãi và thành tích phòng vé hết sức khiêm nhường.

Song có lẽ, một câu chuyện biết cách giữ lại thời gian thì dường như cũng sẽ biết cách sống với thời gian. Giờ đây, bộ phim của Richard Linklater trở thành một biểu tượng và được thừa nhận như một trong những tác phẩm lãng mạn đáng nhớ nhất của điện ảnh thế giới.

Nền điện ảnh Việt vẫn non trẻ như những nhân vật chính của Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi; sẽ có nhiều vỡ mộng và nhiều điều không như ý. Dẫu vậy, cũng như các nhân vật ấy, bộ phim của đạo diễn Chung Chí Công có quyền hi vọng về một vị trí xứng đáng trong dòng chảy điện ảnh Việt, vào một thời điểm nào đó khi người ta bắt đầu nhìn về quá khứ.

'Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi!': Kể chuyện tuổi trẻ bằng nhạc indie

TTO - 'Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi!' là phim độc lập đầu tay của đạo diễn Chung Chí Công, với hai gương mặt hoàn toàn mới là Trần Lê Thúy Vy và Hà Quốc Hoàng.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên