07/02/2023 17:39 GMT+7

Trời lạnh, trẻ ho nhiều, giảm ho cách nào?

Thời tiết thay đổi, trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp đến bệnh viện khám rất đông. Nhiều bà mẹ lo lắng sốt ruột thấy con ho nhiều, dùng đủ mọi cách để giảm ho cho trẻ, có đúng không?

Trời lạnh, trẻ ho nhiều, giảm ho cách nào? - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám bệnh cho trẻ bị bệnh đường hô hấp - Ảnh: T. LŨY

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhân Mỹ - phó khoa nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - nói ho là triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường thở, phổ biến nhất ở trẻ em. Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất ra các chất tiết từ đường thở của trẻ.

Nguyên nhân thường do nhiễm khuẫn hô hấp trên như: viêm nhiễm vùng tai, mũi, họng (thường do siêu vi), đối với các trường hợp này trẻ sẽ tự khỏi nếu chăm sóc tốt. Một nguyên nhân khác là nhiễm khuẩn hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, có thể gây suy hô hấp nặng và tử vong nếu không được điều trị đúng.

Vậy có nên giảm ho bằng các loại siro ho?

Thông thường, bà mẹ nào thấy con ho nhiều, ho liên tục cũng sốt ruột và tìm cách giảm ho cho con bằng các loại thuốc kháng sinh, siro trị ho được quảng cáo dành cho trẻ em… 

Tuy nhiên bác sĩ khẳng định rằng trong nhiều trường hợp ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể, không cần lạm dụng các loại thuốc kháng sinh trẻ vẫn tự khỏi (chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa).

Đặc biệt khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thận trọng khi cho trẻ nhỏ dùng siro trị ho, không sử dụng các loại thuốc ho có chứa terpin-codein, neo-codion… gây triệu chứng ngủ li bì, dễ gây ngộ độc.

Không nên hút mũi hay phun khí dung thường xuyên cho trẻ vì có thể làm tổn thương mũi, gây bội nhiễm do thủ thuật phun không đảm bảo vô trùng.

Chăm sóc trẻ bị ho thế nào cho đúng?

Thông thường các trường hợp trẻ ho do nhiễm khuẩn đường hô hấp có thể chăm sóc tại nhà. Cha mẹ cần cho trẻ ăn hoặc bú (uống) sữa nhiều lần hơn, vì trẻ cần năng lượng để chống lại bệnh. Cho trẻ uống đủ nước, vì nếu trẻ sốt ho dễ mất nước qua da và đường thở.

Giúp thông thoáng, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý; đồng thời dùng thuốc điều trị sốt, khò khè cho trẻ (nếu có) theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phụ huynh có thể giúp giảm ho, đau họng cho trẻ bằng các bài thuốc nam an toàn như: tắc chưng đường phèn, mật ong, rau tần dày lá…

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh hơn (tìm dấu hiệu thở nhanh bằng cách đếm nhịp thở trong 1 phút, khi trẻ nằm yên), khó thở; quan sát thấy trẻ có dấu hiệu thở rút lõm ngực (dấu hiệu của viêm phổi nặng).

Trẻ mệt, sốt cao, tím tái, ngủ li bì, không ăn uống được; hay co giật, thở rít… là dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần đưa đến bệnh viện ngay. 

Biện pháp tốt nhất để phòng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho trẻ là giữ thông thoáng đường thở, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, thoáng mát khi nắng nóng, tránh nơi khói bụi ô nhiễm… 

Đồng thời tránh lây lan cho trẻ khác bằng việc cách ly, không dùng chung các vật dụng khi chăm sóc, xử lý rác thải hợp vệ sinh…

Nhiều trẻ nhỏ Indonesia tử vong vì siro ho Ấn Độ, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáoNhiều trẻ nhỏ Indonesia tử vong vì siro ho Ấn Độ, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo

TTO - Tình trạng nhiều trẻ em tử vong do tổn thương thận ở Indonesia và Gambia sau khi uống siro ho của công ty dược Ấn Độ đã làm phụ huynh tại Việt Nam lo lắng, tìm hiểu sản phẩm này có mặt tại thị trường hay không.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên