Phóng to |
H'Pnhiêng sau 18 năm lạc rừng - Ảnh: Lê Vĩnh Linh |
Chăn bò bị lạc rừng
Năm 1989, H’Pnhiêng lúc đó 8 tuổi. Một hôm đi chăn bò, mải tìm bò lạc em đã đi sâu vào rừng rồi lạc mất đường về. Cả làng đã đổ đi tìm hai ngày nhưng không thấy. Vợ chồng Ksor Lu đành gạt nước mắt đinh ninh con gái mình đã bị thú dữ ăn thịt. Nỗi đau dần nguôi ngoai...
Cho đến đầu tháng 1-2007, một tốp thợ sơn tràng khai thác gỗ ở khu vực làng Xom, huyện Ozađao chợt nhận ra một hiện tượng không bình thường: cơm họ nấu để dành bữa trưa luôn có ai đó ăn vụng. Bực mình, nhóm người này quyết rình để bắt cho được thủ phạm. Đến trưa 13-1-2007, lúc bắt được “kẻ trộm”, không ai tin vào mắt mình. Đó là một hình hài đen đúa, không mảnh vải che thân, tóc rối bù dài chấm gót, chỉ ú ớ được đôi tiếng không rõ nghĩa. Đinh ninh là bắt được người rừng, họ đưa ra làng Xom để “triển lãm”. Dân làng Xom có người còn nhớ cách đây 18 năm, Ksor Lu có đứa con gái lạc rừng, họ vội báo tin cho vợ chồng anh.
Thoạt đầu Ksor Lu không thể tin đây là con gái của mình. May sao trong trí nhớ H’Pnhiêng còn có tên cha, tên làng. Lu đưa con gái về nhà. Cuộc họp mặt đầy đau xót bởi Rơ Châm H’Pnhiêng đã gần như trở thành người rừng. Vất vả lắm Ksor Lu mới giữ cho con gái thôi giãy giụa, gào thét. Việc đầu tiên là cắt tóc, tắm gội. H’Pnhiêng ho sặc sụa bởi thứ hương gội đầu, xà phòng chưa từng ngửi thấy bao giờ. Vợ chồng Ksor Lu phải đè con gái xuống giường để mặc quần áo. Nhưng vừa mặc vào xong thì “người rừng” đã xé nát. Ba ngày sau mới quen dần. Nhưng tập chuyện tắm rửa, mặc quần áo chỉ khó một, chuyện ăn mới khó mười. H’Pnhiêng không sao cầm được bát đũa, tay lóng ngóng như tay vượn không cầm nổi vật gì. Có những đêm, khi mọi người trong nhà đã ngủ say, H’Pnhiêng rón rén đi xuống bếp bốc gạo sống nhai ngấu nghiến, khi thấy người là H’Pnhiêng vội chui xuống gầm giường trốn.
Trong ký ức “người rừng”
Tình thương và sự chăm sóc, vỗ về của cha mẹ đã dần thức tỉnh H’Pnhiêng. Và ký ức đã trở lại với cô. Bằng thứ ngôn ngữ ít ỏi còn nhớ và dùng cử chỉ ra hiệu, H’Pnhiêng kể lại cho cha mẹ nghe về quãng thời gian sống một mình giữa rừng sâu.
Buổi tối cách đây 18 năm lúc chạy tìm bò trong rừng, H’Pnhiêng không tìm thấy lối mòn để quay về, càng đi càng vào sâu, cô bé khóc và ngất xỉu. Tỉnh dậy ngày hôm sau rồi hôm sau nữa cũng vậy, chỉ thấy rừng hoang. Đến lúc này thì bản năng sinh tồn bắt đầu trỗi dậy. H’Pnhiêng cho vào mồm bất cứ thứ quả gì bắt gặp. Cứ đắng thì nhè ra, ngọt thì nuốt vào.
Tuy nhiên vẫn hi vọng là mình sẽ gặp ai đó trong rừng, H’Pnhiêng cứ đi. Lúc nào xòe bàn tay không nhìn rõ năm ngón nữa thì chúi đầu vào một chạng cây, hốc đá nào đó ngủ để ngày mai đi tiếp. Thấy mặt trời ngày nào cũng giống ngày nào, H’Pnhiêng đi mãi rồi lại quay về chỗ cũ. Sau vài lần nhìn thấy ông trăng thì quần áo trên người cũng bục hết. Hi vọng tìm thấy đường về nhà tắt ngấm thì ký ức về buôn làng, cha mẹ cũng nhạt dần.
Dần dà cô bé 8 tuổi chỉ còn biết sống theo bản năng. Suốt 18 năm trời cho đến khi được “phát hiện” H'Pnhiêng không gặp một người nào. Không lửa, không quần áo che thân. Có lúc đau ốm cô chui vào hang đá nằm mấy ngày nhưng không chết. H’Pnhiêng vẫn sống, vẫn lớn lên một mình giữa rừng sâu...
oOo
Suốt mấy ngày nay căn nhà của vợ chồng Ksor Lu luôn chật ních người. Đến mừng cho vợ chồng anh cũng có nhưng chủ yếu là vì sự tò mò. Khổ cho cha mẹ một thì khổ cho con mười. Tội nghiệp, cứ mỗi lần thấy người đến là H’Pnhiêng lại co rúm người vì sợ hãi, nhất là ai cũng cứ nằng nặc đòi xem “con bé nó thế nào”. Thường cứ đến nửa đêm vợ chồng Ksor Lu mới có thời gian gần gũi và trò chuyện, âu yếm đứa con tội nghiệp. Giờ đây cô gái 27 tuổi này phải học lại tất cả mọi thứ của con người . “Chẳng dễ dàng gì nhưng cuộc sống còn đợi chờ nó phía trước” - Ksor Lu nở một nụ cười đau xót...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận