04/01/2019 15:37 GMT+7

Trợ lực nào cho phát triển nhà ở công nhân?

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Hiện có 2 vấn đề lớn đối với công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhà ở và trường học cho con.

Trợ lực nào cho phát triển nhà ở công nhân? - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến Quý II-2019 hoàn thiện với hơn 1000 căn hộ. Ảnh: BQLDA

Hiện có 2 vấn đề lớn đối với công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhà ở và trường học cho con. Nhu cầu này rất cao nhưng tỷ lệ đáp ứng lại thấp.

Hầu hết công nhân lao động đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao (điện, nước, tiền gửi con…). Mong muốn của nhiều công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất khác trên toàn quốc là được thuê nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước; có nhiều trường công lập gần các khu công nghiệp để công nhân lao động ngoại tỉnh yên tâm cho con em đi học, ổn định cuộc sống và làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện mới có khoảng 20% tổng số công nhân khu công nghiệp trên phạm vi cả nước có chỗ ở ổn định tại các khu nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án. Số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm tại các nhà trọ của người dân tự xây dựng.

Kết quả này mới đạt 40% so với mục tiêu đến năm 2020 trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, hiện nay, phần lớn công nhân khu công nghiệp đang thuê nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư hoặc thuê, mua tại các dự án; trong đó số lượng thuê nhà trọ tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng là chủ yếu.

Nhiều khu trọ cho công nhân không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như: nhà trẻ, trường học, trung tâm y tế, khu vui chơi, giải trí…

Trước thực trạng nêu trên, ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung phát triển nhà ở xã hội; trong đó chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân.

Do vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ (đất đai, đầu tư, tín dụng,...) để góp phần phát triển nhà ở cho công nhân theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển nhà ở cho đối tượng này tại các Chỉ thị của Thủ tướng, quy định pháp luật liên quan, Đề án Thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đặt ra và có kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra thì cần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó, vướng mắc về thực hiện cơ chế, chính sách là vấn đề lớn, cần ưu tiên, giải quyết ngay để tạo điều kiện thông thoáng, ưu đãi trong quá trình đầu tư xây dựng nhà ở cho đối tượng này cũng như khi công nhân mua, thuê các nhà ở này.

Theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến đầu năm 2018 số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 số lượng sẽ khoảng 3 triệu người.

Trên cả nước hiện có 173 dự án, với khoảng 129.400 căn hộ; trong đó đã hoàn thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người, đáp ứng khoảng 28% nhu cầu nhà ở của số công nhân hiện nay.

Mặc dù theo quy định của pháp luật về nhà ở, ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Nhưng trên thực tế việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn.

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ tháng 6/2016, đến nay ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng năm 2018, ngân hàng này mới chỉ được giao 500 tỷ đồng.

Còn các tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại) khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện có tới 221 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 178.900 căn, tổng diện tích khoảng 8.945.000 m2; trong đó có 73 dự án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ, tổng diện tích khoảng 4.420.000 m2 nhưng bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.

Thậm chí nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây hầu như không có.

Nguyên nhân là do từ cuối tháng 6 năm 2016 đến nay (sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết), việc bố trí vốn cho chương trình này gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu.

Dưới góc độ quy hoạch, theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mà chỉ quan tâm thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Một số địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, nhiều nơi chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp.

Có trường hợp, dự án lại được bố trí ở các vị trí không thuận lợi, chưa giải phóng xong mặt bằng…, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội, bao gồm cả nhà ở công nhân.

Theo bà Hoàng Vũ Linh Chi – Viện Xã hội học, tại đô thị lớn, dù có quy định chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở nhưng trong quá trình thực hiện, một số địa phương buông lỏng quản lý cho phép chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ bằng tiền hoặc chưa thực hiện bàn giao diện tích quỹ nhà này.

Bên cạnh đó, hầu hết các khu công nghiệp hiện nay chưa được quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân.

Vì vậy, đối với những khu công nghiệp mới hình thành, cần quy định rõ về quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân trước khi kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư – bà Chi đề xuất.

Đáng chú ý, một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của các địa phương nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Cụ thể như việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.

Thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng cũng vẫn rườm rà; thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài,...

Phó Cục trưởng Hà Quang Hưng khẳng định, phát triển thị trường nhà ở xã hội để cho thuê; trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân thuê nhằm phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân không có khả năng tự tạo lập nhà ở cho bản thân và gia đình phải được xác định là mục tiêu chiến lược, mang tính dài hạn.

Để thu hút nguồn lực phát triển loại hình nhà ở này, cần có chính sách đặc biệt hơn đối với các dự án nhà ở cho thuê về miễn giảm tiền thuê đất, thuế, vay vốn, hỗ trợ nhiều nguồn vốn với lãi suất khoảng 4-5%/năm; thành lập các ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

Tuy nhiên, cần tập trung vào khoản vay dài hạn, lãi suất thấp cho các đối tượng có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; đặc biệt là người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất…

Có như vậy, doanh nghiệp và công nhân, người lao động mới góp thêm lực đủ mạnh để tham gia vào phân khúc nhà ở này./.


Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên