Các học sinh thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019 - 2020 báo cáo về dự án của mình với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ - Ảnh: VĨNH HÀ
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc trở thành giám khảo cuộc thi, thầy ĐẶNG MINH TUẤN, giảng viên khoa sư phạm Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: "Tôi đăng ký tham gia giám khảo của ISEF với lĩnh vực vật lý và thiên văn. Đây là lĩnh vực tôi từng nghiên cứu sâu và có kinh nghiệm huấn luyện đội tuyển Việt Nam thi quốc tế và làm giám khảo các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia".
Phá vỡ rào cản
* Lần đầu tiên có người Việt Nam tham gia ban giám khảo cuộc thi ISEF trong khi Việt Nam cũng mới chỉ tham gia "sân chơi" này gần 10 năm nay, cảm giác của thầy như thế nào?
- Tôi chỉ muốn tình nguyện tham gia một công việc phục vụ cộng đồng khoa học, cũng để biết thêm thế giới người ta dạy bọn trẻ và xu thế giáo dục hiện nay nên đi theo hướng nào. Điều này không phải là ý muốn nhất thời, mà nó là cả quá trình từ khi tôi về nước và chọn nghề dạy học.
Tôi là một trong những người may mắn được học hành bài bản. Nói như cách thông thường là một kiểu học trường chuyên lớp chọn từ bé, hết phổ thông thì đi du học. Khi đi ra bên ngoài mới thấy thế giới rộng mở và đã tiến xa hơn rất nhiều so với cả thời chúng tôi và thế hệ học sinh bây giờ.
Khi Việt Nam vẫn còn mới tập trung nhiều vào các kỳ thi truyền thống thì học sinh phổ thông các nước đã có những sân chơi cho phép các em vượt lên kiến thức phổ thông, sáng tạo và thực hiện những dự án như những nhà nghiên cứu thực thụ. Tôi nhận ra rằng muốn vươn xa hơn thì trước hết phải tìm cách phá vỡ rào cản của chính bản thân mình.
* Qua quá trình làm giám khảo các cuộc thi trong nước, thầy đánh giá về học sinh Việt Nam thế nào?
- Tôi may mắn là ngay sau khi về nước đã tham gia huấn luyện đội tuyển học sinh của Trường Hà Nội - Amsterdam tham gia ISEF. Khi đó, Bộ GD-ĐT cũng mới bắt đầu tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) và lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển đi thi quốc tế.
Những học sinh tôi tham gia tập huấn rất thông minh. Từ chỗ lo ngại khi tham gia một sân chơi mới, các em hào hứng và tự tin hơn. Tôi nhận thấy với những học sinh thông minh ấy, người thầy chỉ cần gợi ra để đam mê trong các em bùng cháy, "máu lửa" hơn.
* Vậy điểm khác biệt giữa học sinh Việt Nam và học sinh các nước là gì, thưa thầy?
- Nhiều học sinh Việt Nam đã biết cách phá vỡ rào cản của bản thân để làm được những cái mà trước đó các em không nghĩ mình có thể làm. Về điều này, học sinh Việt Nam cũng có điểm chung với học sinh nhiều quốc gia khác. Nhưng học sinh các nước có những thuận lợi hơn nhiều trong môi trường học tập, nghiên cứu.
Tôi ví dụ ở một số quốc gia, vào các dịp hè, trường đại học mở cửa tiếp nhận những học sinh phổ thông có đam mê đến và cho phép các em tham gia các dự án nghiên cứu, sử dụng phòng thí nghiệm để thực hiện các nghiên cứu của mình. Việc đó khá phổ biến. Học sinh phổ thông không bị đóng khung trong trường phổ thông với chương trình học cứng mà những học sinh thông minh, có đam mê được khích lệ và tạo điều kiện.
Vì thế, dù chỉ là "sân chơi" của học sinh phổ thông nhưng ở các cuộc thi quốc tế, nhiều học sinh đã làm và trình diễn thành quả như những người nghiên cứu thực thụ. Có những đề tài nếu không "phá vỡ rào cản bản thân" để mở rộng tầm tư duy, mạnh dạn dấn bước thì không thể nào làm được.
Cuộc thi quốc tế cũng rất minh bạch, mọi thứ đều thể hiện hết trên hồ sơ. Và nếu có điều gì đó bất thường khiến ban giám khảo hoài nghi thì hội đồng khoa học của cuộc thi sẽ tìm hiểu, làm rõ. Cả học sinh và người hướng dẫn sẽ phải cam kết viết tay đảm bảo liêm chính khoa học.
Người thầy cần phải giúp học sinh nâng bản thân lên. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, có nội lực và giá trị khác nhau. Người thầy tốt là phải giúp mỗi đứa trẻ bộc lộ và phát triển theo cách riêng. Giống một mầm cây, khi nó đã tách khỏi hạt và đội đất chui lên, nó sẽ tự lớn bằng sức mạnh của nó. Ta chỉ thúc đẩy nó phát triển theo cách của nó.
Thiệt thòi nếu ngừng thi
* Điều này có khác nhiều với cuộc thi trong nước không? Những năm gần đây các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia đều bị kêu ca về dấu hiệu tiêu cực. Nó có vẻ trở thành một phong trào mang nặng thành tích hơn là một sân chơi khích lệ sáng tạo?
- Cá nhân tôi ủng hộ cuộc thi này. Vì nếu không có 10 năm duy trì cuộc thi trong nước thì sẽ không có những học sinh "phá vỡ rào cản" để bước vào sân chơi quốc tế. Nếu có tiêu cực như dư luận phản ánh thì nhà quản lý cần có trách nhiệm tìm hiểu, xử lý và xây dựng quy định để kiểm soát tốt hơn. Nếu cứ thấy có dấu hiệu tiêu cực là ngừng lại thì chỉ học sinh của mình bị thiệt thòi.
Trên thực tế việc tổ chức VISEF những năm qua cho thấy học sinh không chỉ trưởng thành qua các dự án dự thi mà cách tiếp cận mới trong dạy học cũng được lan tỏa trong các nhà trường phổ thông.
* Dư luận thường nghi ngờ những dự án của học sinh đặt ra vấn đề quá lớn vượt xa năng lực của học sinh phổ thông. Nhiều người cho rằng học sinh không thể làm được những đề tài quá cao siêu?
- Ở các cuộc thi ISEF cũng có những đề tài như thế. Dĩ nhiên, như tôi nói trên, học sinh các nước được tiếp cận với việc nghiên cứu khoa học sớm hơn. Các em có điều kiện học trong phòng thí nghiệm, học cách xử lý dữ liệu, tiếp cận với những người làm khoa học ở các viện, trường đại học. Đó là môi trường thuận lợi để tham gia các đề tài nghiên cứu.
Học sinh Việt Nam gặp khó khăn hơn, nhưng nhìn lại 10 năm thì thấy cũng có những thay đổi tích cực về chất lượng đề tài. Tôi thấy ta không nên chỉ nhìn tên đề tài rồi phán xét mà cần xem xét cụ thể quá trình nghiên cứu, sự đóng góp của học sinh thể hiện trong hồ sơ, trong các minh chứng và phỏng vấn trực tiếp.
* Thầy đã làm gì để trở thành giám khảo một cuộc thi quốc tế?
- Người được chọn làm giám khảo ISEF cần có ít nhất sáu năm kinh nghiệm làm việc liên quan tới lĩnh vực đăng ký hoặc có bằng tiến sĩ hay nghiên cứu sinh có bốn năm nghiên cứu về lĩnh vực đó. Trong hồ sơ ứng tuyển cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác thể hiện động lực, đam mê và quá trình làm việc gắn với các cuộc thi khoa học kỹ thuật, nghiên cứu và giảng dạy STEM. Khi đăng ký tham gia, tôi cũng phải có một bài luận nhỏ. Tôi nghĩ bài luận là một phần quan trọng để thuyết phục ban tổ chức lựa chọn.
Tạo động lực
Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế cho học sinh trung học ISEF là cuộc thi về khoa học kỹ thuật lớn và lâu đời nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông. Mỗi năm, hơn 1.800 học sinh đại diện cho khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi để cạnh tranh các giải thưởng với tổng trị giá hơn 5 triệu USD. Thí sinh là những người đoạt giải cao nhất tại cuộc thi ISEF cấp quốc gia.
Việt Nam tham gia ISEF liên tục từ năm 2013 tới nay (trừ năm 2020 ngừng vì dịch COVID-19). Để chọn được đội tuyển/ dự án thi quốc tế, Bộ GD-ĐT liên tục tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Điểm tích cực nhất của việc này là tạo động lực cho nhiều học sinh tham gia thi khoa học kỹ thuật cấp trường, cấp tỉnh thành. Năm 2013 chỉ có 159 trường với 192 dự án tham dự cuộc thi cấp tỉnh thành thì năm 2022 có tới 1.373 trường với 1.969 dự án tham gia cấp tỉnh thành. Từ chỗ chỉ có 397 học sinh tham gia vào năm 2013, đến năm nay có 3.476 học sinh tham gia cấp tỉnh thành. (Nguồn: Bộ GD-ĐT)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận