23/02/2012 09:43 GMT+7

Trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Nội tôi năm nay 75 tuổi, lĩnh lương liệt sĩ hằng tháng, vậy có được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định dành cho người cao tuổi không? Nếu được thì thủ tục làm như thế nào và gửi cho ai?

(Nguyễn Ngọc Hân)

- Điều 17 Luật người cao tuổi quy định đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội như sau:

1. Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.

2. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 17 Luật người cao tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng.

Theo điều 1 thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 16-6-2010 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và nghị định số 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 67/2007/NĐ-CP quy định như sau:

Người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên) đang hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn được hưởng trợ cấp xã hội.

Lương hưu hoặc trợ cấp BHXH gồm: lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH (kể cả lương hưu theo quy định tại nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ); trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; trợ cấp tuất hằng tháng; trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; trợ cấp hằng tháng theo quy định tại quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4-8-2000 của Thủ tướng Chính phủ; trợ cấp hằng tháng của công nhân cao su nghỉ việc; trợ cấp hằng tháng của cán bộ xã nghỉ việc theo quy định tại quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ, quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng và nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23-1-1998 của Chính phủ; trợ cấp hằ̀ng tháng theo quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, trường hợp nội bạn thuộc đối tượng là hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng mà không có lương hưu và trợ cấp BHXH thì nội bạn được hưởng chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi, với mức trợ cấp 180.000đ/tháng (theo quy định tại điều 6 nghị định số 06/2011/NĐ-CP).

Trường hợp nội bạn không thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 điều 17 Luật người cao tuổi thì không được hưởng chính sách trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.

Về trình tự thủ tục nhận trợ cấp chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi được quy định như sau:

Theo điều 3 thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 16-6-2010 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính quy định về hồ sơ trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi bao gồm:

a) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp của đối tượng hoặc gia đình, người thân, người giám hộ (theo mẫu - mẫu số 1);

b) Sơ yếu lý lịch của đối tượng hưởng trợ cấp;

c) Biên bản họp hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội tại xã, phường, thị trấn (mẫu số 4)

d) Văn bản kết luận của hội đồng xét duyệt cấp xã đối với những trường hợp có ý kiến thắc mắc, khiếu nại, tố cáo sau khi đã niêm yết công khai;

e) Quyết định của cơ sở bảo trợ xã hội về việc chuyển đối tượng về gia đình hoặc nhà xã hội (nếu có) (mẫu số 8).

Theo điều 4 thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 16-6-2010 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính quy định như sau:

1. Người cao tuổi hoặc gia đình, người giám hộ phải làm đủ hồ sơ theo quy định tại điều 3 của thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC gửi UBND cấp xã.

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối tượng, nếu đối tượng đủ tiêu chuẩn thì niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (thời gian niêm yết là bảy ngày); kể từ ngày hết thời gian niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì hội đồng xét duyệt hoàn thiện hồ sơ theo quy định và trình chủ tịch UBND cấp xã có văn bản gửi phòng LĐ-TB&XH để xem xét, giải quyết.

Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày hội đồng xét duyệt tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và công khai trước dân.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của cấp xã, phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định cho từng đối tượng cụ thể.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên