06/07/2019 09:00 GMT+7

'Trình diễn ngày 4-7 đậm chất quân sự của Tổng thống Trump gây tranh cãi'

STEVE URBANSKI (GIÁO SƯ KHOA BÁO CHÍ ĐH WEST VIRGINIA) - TRẦN PHƯƠNG chuyển ngữ
STEVE URBANSKI (GIÁO SƯ KHOA BÁO CHÍ ĐH WEST VIRGINIA) - TRẦN PHƯƠNG chuyển ngữ

TTO - Theo truyền thống, ngày quốc khánh 4-7 ở Mỹ là thời gian để mỗi người và các gia đình ăn mừng 'sự ra đời' của nước Mỹ. Sự ăn mừng này dưới hình thức picnic, diễu hành, bắn pháo hoa và tiệc nướng gia đình.

Trình diễn ngày 4-7 đậm chất quân sự của Tổng thống Trump gây tranh cãi - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu mừng quốc khánh dưới mưa tại sự kiện “Chào nước Mỹ” ở Đài tưởng niệm Lincoln ngày 4-7 - Ảnh: Reuters

Sớm nay khi đi bộ như thường ngày ở Pittsburgh, Pennsylvania, tôi thấy thật dễ chịu khi nhìn quốc kỳ Mỹ tung bay đầy tự hào trên những ngôi nhà mừng dịp lễ. Ngoài những hình thức ăn mừng truyền thống, nhiều người Mỹ đơn thuần coi ngày 4-7 như ngày nghỉ để họ có thể ngủ nướng, chơi golf hay đơn giản là chẳng làm gì. 

Theo một nghĩa nào đó, đây cũng là cách ăn mừng tự do của nước Mỹ, bởi tự do bao gồm quyền tận hưởng thời gian rảnh tùy ý của mình.

Lễ 4-7 năm nay gây tranh cãi nhiều hơn các năm trước vì màn trình diễn "Chào nước Mỹ" đậm chất quân sự của Tổng thống Donald Trump tại Quảng trường quốc gia National Mall ở thủ đô Washington.

Nhiều người Mỹ coi sự ăn mừng của ông Trump là hiểu sai về tầm quan trọng của ngày 4-7 khi phô trương sức mạnh quân sự với sự hiện diện của khoảng 750 - 800 quân nhân, vô số xe tăng chiến đấu Abrams cũng như các màn trình diễn trên không của máy bay quân sự, thay vì đơn giản là kỷ niệm ngày ký Tuyên bố độc lập năm 1776, chính thức thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Cũng có những người khác cáo buộc ông Trump sử dụng ngày lễ này như một cách để lôi kéo sự ủng hộ chính trị cho nỗ lực tái tranh cử vào năm 2020 của ông. Những đời tổng thống trước hầu như không phát biểu trước công chúng và cũng ít tổ chức lễ kỷ niệm tại National Mall.

Điều có lẽ đáng lưu ý nhất trong màn trình diễn của ông Trump là làm nước Mỹ chia rẽ hơn. Sự chia rẽ này một phần thể hiện trong tuần này khi Justin Amish, nghị sĩ Cộng hòa duy nhất, công khai kết luận rằng ông Trump đã có hành động đáng bị luận tội, tuyên bố rằng ông sẽ bỏ Đảng Cộng hòa và trở thành chính trị gia độc lập. 

Đại biểu năm nhiệm kỳ của Michigan nói với tờ Washington Post: "Quan điểm chính trị của chúng ta đang chết dần từ trong đảng. Đó là lý do tôi sẽ rời Đảng Cộng hòa".

Trình diễn ngày 4-7 đậm chất quân sự của Tổng thống Trump gây tranh cãi - Ảnh 2.

Steve Urbanski

Sự chia rẽ bên trong nước Mỹ mà nghị sĩ Amish nói đến thật đáng sợ. Sự điều hành chính phủ thực sự đã bị thay thế bằng lối suy nghĩ "chúng ta đấu với họ", mà trong đó mỗi bên đều thề tiêu diệt nhau. Có rất ít sự nhất trí hoặc tôn trọng dành cho khái niệm dân chủ hoặc ý niệm "Chúng ta là nhân dân". Chửi bới và trả đũa nhau thay thế cho suy nghĩ lý trí và làm việc cùng nhau.

Trong những thập niên qua, người dân trông chờ truyền thông đưa tin một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, bây giờ, những cụm từ như "tin giả" và "kẻ thù của nhân dân" phủ bóng nghi ngờ lên việc đưa tin có trách nhiệm, một tiến trình đã giữ nước Mỹ tự do trong hơn 240 năm.

Kết quả là người dân bị bối rối và hoang mang. Thay vì tiếp nhận thông tin đa dạng từ nhiều tờ báo để có được sự cân bằng, rất nhiều người thay vào đó chỉ nghe từ những tờ báo đưa ra những thông tin củng cố niềm tin và cảm xúc của họ. Gốc rễ của vấn đề này dường như là thiếu tư duy phản biện của đại bộ phận người Mỹ.

Nếu nghĩ về các nhóm lập quốc Hoa Kỳ ban đầu và các động lực cơ bản của họ để định Tuyên ngôn độc lập và sau đó là Hiến pháp Mỹ, chúng ta mới thấy rõ sự đóng góp kỳ diệu của tư duy phản biện. 

Họ đến với nhau, nói chuyện, tranh luận và cuối cùng thống nhất về điều tốt nhất cho tất cả, không chỉ cho họ hay cho một phần của nước Mỹ mới. Động lực và thành tựu của họ là siêu phàm và xứng đáng được chúng ta tôn trọng và vinh danh.

Video: Màn phô diễn sức mạnh Video: Màn phô diễn sức mạnh 'có một không hai' mừng quốc khánh Mỹ

TTO - Màn phô diễn sức mạnh với sự tham gia của nhiều máy bay quân sự tối tân, được Tổng thống Donald Trump mô tả là "sự kiện đặc biệt, có một không hai" diễn ra trên bầu trời thủ đô Washington của Mỹ, lúc 18h30 ngày 4-7.

STEVE URBANSKI (GIÁO SƯ KHOA BÁO CHÍ ĐH WEST VIRGINIA) - TRẦN PHƯƠNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên