Kiểm tra hình trong máy ảnh trước giờ chia tay - Ảnh: T.LỘC |
“Ở miền Nam thì họ mạnh về kinh tế. Nhưng họ không tự chủ mà bị lệ thuộc vào Mỹ. Còn miền Bắc thì mạnh về quân sự. Nếu hai miền mà thống nhất thì đất nước Triều Tiên sẽ là một cường quốc hùng mạnh trên thế giới |
Hướng dẫn viên Choe Un Mi |
Đặc biệt nhất vẫn là những cuộc lục soát như là “đặc sản” ở đất nước này, mà không phải ai cũng muốn một lần trong đời được trải nghiệm...
Chúng tôi đã có một chuyến “du lịch ức chế”, theo cách gọi của anh bạn cùng đoàn, nhưng ở khía cạnh nào đó đã trở thành kỷ niệm đặc biệt thú vị khó có thể gặp lần nữa ở một đất nước nào...
Arirang
Đồng chí hướng dẫn viên Choe Un Mi năm nay 30 tuổi, “đang phấn đấu” vào Đảng Lao động Triều Tiên. Có lẽ vì vậy mà mọi lời nói đều răm rắp đúng quan điểm, đường lối.
Có lần Phương Giang, một thành viên trong nhóm người Việt, nói chuyện về địa lý với Choe: “Ở phía Bắc thì giáp Nga và Trung Quốc. Còn ở phía Nam thì giáp Hàn Quốc. Vậy là giáp với ba nước”. “Không, chỉ giáp hai nước thôi, đó là Nga và Trung Quốc” - Choe trả lời ngay.
Chúng tôi hỏi về lễ hội Arirang và bày tỏ thán phục trước màn đồng diễn tuyệt đối răm rắp của hơn 10 vạn diễn viên ở sân vận động lớn nhất thế giới May Day, vừa thắc mắc vì sao không tổ chức tiếp tục cho khách xem.
Tôi kể thêm rằng từ năm 2012, báo chí thế giới đưa tin lãnh đạo Kim Jong Un chủ trương không tổ chức để đỡ tốn kém sức lực và tiền bạc của đất nước. Choe lắc đầu, nói lễ hội Arirang bị gián đoạn do sân vận động đang... sửa chữa.
Choe cho biết lễ hội Arirang có liên quan đến câu chuyện ước nguyện thống nhất đất nước. Arirang là truyền thuyết kể về đôi vợ chồng trẻ.
Ngày đất nước có ngoại xâm, người chồng lên đường ra trận. Ở nhà, người vợ vừa phụng sự mẹ chồng, vừa giữ lòng son sắt trước sự tán tỉnh của công tử nhà địa chủ trong làng.
Giặc tan, người chồng trở về, bắt gặp cảnh công tử lẽo đẽo tán tỉnh vợ mình. Người mẹ mù cũng nói có nghe lời tán tỉnh.
Trong cơn ghen tột độ, người chồng bỏ đi. Người vợ chạy theo gọi giật “a-ri-rang” (đừng đi). Sau khi biết rõ ngọn ngành, người chồng quay về thì đã muộn, người vợ đã tự vẫn.
Choe diễn giải với ý nghĩa như thế, lễ hội Arirang được tổ chức như để biểu dương sức mạnh của sự đồng lòng chung sức của người dân Triều Tiên. Đó cũng là lời nhắn nhủ rằng “đừng đi” trước tình trạng người dân rời miền Bắc chạy vào miền Nam kể từ ngày đất nước chia cắt.
Choe hỏi chúng tôi đã đến phía nam của Triều Tiên hay chưa. Một số thành viên gật đầu và kể dăm điều ba chuyện về Hàn Quốc.
Choe mỉm cười bảo rằng: Ở miền Nam thì họ mạnh về kinh tế. Nhưng họ không tự chủ mà bị lệ thuộc vào Mỹ. Còn miền Bắc mạnh về quân sự. Đồng chí Choe kết luận: “Nếu hai miền thống nhất thì đất nước Triều Tiên sẽ là một cường quốc hùng mạnh trên thế giới”.
Thống Nhất môn ở Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC |
Cuộc lục soát cuối cùng
Trước giờ lên tàu, Choe dẫn đoàn sang cửa hàng tem gần khách sạn và nói đây là nơi mua quà cuối cùng của chuyến đi.
Trong khi mọi người đang chọn cho mình những món quà thì Choe bảo tôi mở máy để kiểm tra hình ảnh. Dù rất muốn mua sắm nhưng tôi OK, mở cả máy tính xách tay, điện thoại thông minh lẫn máy ảnh.
Choe lướt xem trong chừng 15 phút và cô xóa khá nhiều hình ảnh chụp về người dân Triều Tiên. Cho đến khi lên xe và vào ga lên tàu, Choe tiếp tục đề nghị tôi mở lại các thiết bị để cô kiểm tra. Lần này thì có nhiều thời gian hơn nên Choe cũng xóa nhiều hơn.
Trước khi tàu hụ còi chuyển bánh, lời cuối cùng cô bảo tôi sau khi từ biệt: “Trên đường đi bạn không được chụp hình nữa, nếu tiếp tục chụp sẽ bị xóa toàn bộ”...
Tàu vừa dừng ở ga biên giới Tân Nghĩa Châu, mọi người trong toa có vẻ căng thẳng, có lẽ cảm giác lục soát khi nhập cảnh mấy ngày trước vẫn còn. Nhưng cuộc lục soát này căng thẳng hơn hẳn, ngoài sự mong đợi của mọi người.
Ban đầu một “đồng chí cán bộ” đề nghị đưa hộ chiếu. Chúng tôi đưa xấp hộ chiếu của cả sáu người. Vị cán bộ không chịu, kêu mỗi người đưa trực tiếp, hộ chiếu của ai người đó đưa. Chúng tôi đưa kèm lời khai xuất cảnh thì bị gạt ra.
Sau khi vị cán bộ thu hộ chiếu đi, mới tới vị thứ hai đi lấy tờ khai xuất cảnh. Thêm vị cán bộ thứ ba đến hỏi visa, chúng tôi chỉ trưởng đoàn. Vị này gọi riêng tôi, yêu cầu tôi chỉ vào ô ghi thông tin của mình rồi đánh dấu.
Họ đọc tên và phiên âm theo tiếng Triều Tiên. Một vị cán bộ nam khác đến hỏi “camera, iPad, iPhone!”.
Chúng tôi đưa ra cả loạt, nào máy chụp hình, smartphone và table đọc sách. Một vị cán bộ khác đến lục soát hành lý. Vị cán bộ này lục từng áo quần một, soát cả mấy cái áo là món quà tôi mua ở Bàn Môn Điếm. Những cái áo phông xếp mỏng được họ bẻ từng tí một xem có giấu gì ở trong không.
Chúng tôi cũng tiếp tục chờ đợi trong sự hồi hộp ở phần quan trọng nhất, đó là lục soát máy ảnh và smartphone. Việc này do một cán bộ nữ đảm trách.
Đến điện thoại của tôi, vị cán bộ nữ coi rất kỹ từng loạt ảnh. Tất nhiên, trong mấy nghìn cái ảnh không thể coi hết, vị này lướt qua từng group và chú ý đến những loạt ảnh lãnh tụ và có người dân Triều Tiên. Những ảnh này được soi rất kỹ từng cái một.
Những bức ảnh chụp người dân hơi xấu đều bị xóa, đúng như nhận xét của một cán bộ ngoại giao đoàn từng lăn lộn nhiều năm ở Triều Tiên: “Họ sợ đưa hình ảnh không đẹp của đất nước ra với thế giới!”.
Đến phần laptop, trong đoàn chúng tôi có hai cái laptop, một của bạn làm cán bộ ngân hàng chỉ được kiểm tra qua loa. Nhưng laptop của tôi thì một vị cán bộ nam khác đến gí tay vào máy, có ý nhấn mạnh. Máy của tôi được soi kỹ lưỡng.
Sau gần hai tiếng lục soát căng thẳng, các vị cán bộ xuống tàu. Tàu chuyển bánh và sau chừng vài phút thì đến cầu hữu nghị Trung - Triều. Chúng tôi cùng thở phào...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận