Bạn Trần Minh Tâm chụp hình lưu niệm cùng một số trẻ em nước ngoài - Ảnh: M.T. |
Bức tranh với nhiều sắc màu được tô nét bởi Nguyễn Hương Quỳnh Trang (28 tuổi, nghiên cứu sinh ĐH Stanford, Hoa Kỳ) và Trần Minh Tâm (30 tuổi, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và giảng viên tại Viện ĐH Alberta, Canada).
Luôn “cháy” hết mình
Nhìn Quỳnh Trang cuồng nhiệt đắm mình trong những bước nhảy Latin sôi động ở các cuộc thi khiêu vũ quốc tế, ít ai ngờ cô bạn xinh đẹp này có bảng thành tích học tập “khủng”.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp trung học tại VN, Quỳnh Trang được 3 trường ĐH thuộc Ivy League (nhóm các trường ĐH danh tiếng nhất Hoa Kỳ) nhận vào. Cô bạn chọn Harvard, nơi cấp học bổng toàn phần (250.000 USD/4 năm học).
Những tưởng áp lực học tập sẽ khiến bạn miệt mài vùi đầu vào sách vở, song chẳng ngờ Trang vẫn đều đặn đến các lớp học khiêu vũ mỗi cuối tuần xuyên suốt 4 năm học.
“Tôi mê âm nhạc và những điệu nhảy từ lúc 2 tuổi! Mẹ kể lúc đó mỗi khi muốn đút cơm cho tôi, bà thường phải dẫn tôi ra nhà văn hóa thiếu nhi để xem các chị nhảy” - Quỳnh Trang tiết lộ niềm đam mê của mình.
Tốt nghiệp ĐH ngành tâm lý, năm 2011 Quỳnh Trang về nước và có cơ duyên đặt chân vào lĩnh vực giáo dục. Càng đi dạy, bạn càng nhận ra sự gắn kết của mình với công việc mới mẻ này, đến mức “thức dậy sớm trước khi chuông báo thức reo mỗi buổi sáng để chuẩn bị đến lớp”, Trang chia sẻ.
Cô bạn sau đó lập ra Otus Consulting - một dự án giáo dục nhằm hỗ trợ, tư vấn cách thức cho các bạn trẻ tài năng mong muốn có học bổng du học tại Mỹ.
Cũng do quá yêu thích việc giảng dạy, làm việc cùng trẻ em trong nước nên khi quay lại Mỹ làm nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục (học bổng toàn phần 400.000 USD/5 năm học) ở ĐH Stanford, Quỳnh Trang vẫn tiếp tục quản lý dự án từ xa.
Hiện rất bận rộn với lịch nghiên cứu và làm việc, Quỳnh Trang vẫn không bỏ luyện tập, đi thi khiêu vũ.
“Tính tôi thích được sống hết mình, đã làm gì thì phải tập trung cao độ. Đêm nào mà tôi rảnh rỗi chút là thấy khó chịu trong người ngay” - Trang nói.
Nguyễn Hương Quỳnh Trang trong một cuộc thi khiêu vũ quốc tế tại Trung Quốc - Ảnh: NVCC |
Đương đầu với nghịch cảnh
Là một tiến sĩ trẻ đạt được những cột mốc đáng kể trong sự nghiệp nghiên cứu, học tập nhưng biến cố về sức khỏe ập đến cuối năm 2016 khiến Trần Minh Tâm có những góc nhìn khác về cuộc sống, từ những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất...
Minh Tâm tốt nghiệp ngành dược tại ĐH Y dược TP.HCM, sau đó nhận học bổng toàn phần hệ tiến sĩ của VEF (Quỹ Giáo dục VN) và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại ĐH Missouri (Hoa Kỳ) vào năm 2015.
Khi ấy, Tâm là một trong những tiến sĩ ngành hóa dược trẻ tuổi tại VN. Học trường làng, xuất thân từ một vùng quê đầy nắng gió ở Tiền Giang nên Minh Tâm từng rất tự ti về bản thân.
“Khi vào ĐH Y dược TP.HCM - ngôi trường toàn những bạn trẻ tài năng, tôi tự ti về nhiều thứ. Tôi học ngoại ngữ, vi tính vô cùng chật vật so với các bạn, kỹ năng mềm cũng chẳng biết gì vì ở dưới quê điều kiện học rất hạn chế.
Nhưng khi lớn lên một chút, tôi thấy cuộc sống khá là công bằng. Khi sinh ra trong một gia đình nghèo thì sự bền bỉ, nghị lực của chúng ta sẽ tốt hơn.
Nếu chúng ta không quá thông minh thì chỉ cần chăm chỉ hơn đôi chút là bù đắp được. Cuộc sống vì thế luôn có lối thoát cho những ai có nghị lực” - Minh Tâm nhớ lại.
Với Minh Tâm, người duy nhất có trách nhiệm với cuộc đời bất kỳ ai chính là bản thân họ. Hoàn cảnh, xuất phát điểm... không thể quyết định số phận, nghị lực sống của một con người.
Chính vì vậy, khi sức khỏe không được tốt, phải thường xuyên nhập viện để điều trị nhưng Minh Tâm vẫn nỗ lực nghiên cứu, giảng dạy bình thường dù cơ thể luôn kiệt sức, mệt mỏi.
Hướng về quê hương, gia đình
Song song công việc ở Canada, Minh Tâm đang thực hiện một dự án y tế cộng đồng ở VN để bà con dưới miền Tây có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế một cách thuận lợi và tốt nhất. Dự án đang thu hút tài trợ rất tốt, nhận được sự hỗ trợ tham gia của nhiều bác sĩ...
Đa năng là vậy nhưng Minh Tâm không muốn nói nhiều về những thành tích đạt được. Ngược lại, bạn muốn chia sẻ điều mình trăn trở hiện nay: “Nhờ biến cố sức khỏe mà tôi nhận ra rất nhiều thứ.
Đôi khi chúng ta quá bận rộn với guồng quay mưu sinh nên không có được sự cân bằng trong cuộc sống riêng, ít để tâm đến những hạnh phúc bình dị nhất”.
Nói về quyết định quay trở lại trường để theo đuổi tấm bằng tiến sĩ dù đã có công việc ổn định, Quỳnh Trang cho biết: “Khi có bằng tiến sĩ, ngoài việc kiến thức chuyên môn vững vàng hơn thì tiếng nói của tôi cũng sẽ có trọng lượng, đáng tin cậy hơn trong trường hợp muốn đóng góp, thay đổi các chính sách giáo dục ở VN hay thay đổi quan điểm dạy trẻ ở phụ huynh Việt”.
Niềm vui của Quỳnh Trang bây giờ là thấy sự trưởng thành của từng lứa học trò của mình mỗi ngày.
“Tôi chắc chắn sẽ trở về VN làm vì tôi là người Việt. Và tôi biết ở VN tôi sẽ tạo ra được nhiều giá trị, sự ảnh hưởng hơn ở Mỹ” - Trang khẳng định.
Trân quý những điều bình dị Minh Tâm thừa nhận bản thân từng rất tham vọng, cái gì cũng muốn mình phải số 1, từng làm việc như cái máy và chỉ để ý đến số tiền kiếm được mà không có nhiều thời gian dành cho người khác. Nhưng giờ, với bạn, những thứ ấy không giá trị bằng đời sống tinh thần, ví như tình thương, sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau giữa mình và mẹ, hay bạn bè sẵn sàng xuất hiện khi mình cần... Niềm vui đó lớn hơn gấp nhiều lần so với những khoản tiền tài trợ dự án trị giá hàng trăm nghìn, hàng triệu USD cho các dự án khoa học mà bạn nhận được. Tâm đã đón mẹ qua Canada ở cùng và nhận ra: “Tết qua lâu rồi nhưng mỗi ngày bên mẹ là có mùa xuân”. “Tôi nghĩ điều bất hạnh nhất là khi có tấm bằng danh tiếng, tài sản kếch xù mà tối về ngủ một mình, khi cần không có người kề bên chia sẻ. Mong các bạn trẻ sớm nhận ra điều này và biết cân đối mọi thứ trong hành trình bay cao, bay xa, trân quý những điều bình dị, nhỏ nhoi” - Minh Tâm nhắn gửi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận