14/04/2018 13:12 GMT+7

Trên vai gánh nặng về điểm số, thành tích, con trẻ làm sao chịu nổi?

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Trong hai ngày 10 và 11-4, báo chí đăng hai tin liên quan đến học sinh, sinh viên tự tử vì áp lực học hành. Sự việc đau lòng này là hồi chuông cảnh báo để nhà trường và gia đình nhìn lại cách giáo dục con trẻ.

Trên vai gánh nặng về điểm số, thành tích, con trẻ làm sao chịu nổi? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng giải cứu một trường hợp định nhảy lầu tại một trường học ở TP.HCM - Ảnh: Cắt từ clip

Thời tôi đi học, cách đây hơn hai mươi năm, chuyện học thực sự thoải mái. Trẻ em ngày đi học một buổi, buổi còn lại phụ việc gia đình hoặc cuối ngày chơi thả diều, đá bóng. Hè thì 3 tháng đúng, học sinh được nghỉ trọn vẹn, được chơi thỏa thích khi còn nhỏ. 

Trẻ lớn lên tí thì đi làm thêm trong hè để kiếm tiền trang trải học phí, có cực đó nhưng không khổ sở vì bị áp lực bài vở.

Ngày nay, việc học đã không còn thong thả như xưa. Mới ở cấp tiểu học, phổ thông cơ sở mà chiếc cặp học trò đã trĩu nặng (cả cân nặng lẫn áp lực tiếp thu kiến thức). Đã vậy, các em từ nhỏ đã mang trên vai gánh nặng về điểm số, thành tích, không chỉ từ phía nhà trường mà còn từ chính gia đình.

Chính mong ước của người lớn, kiểu như "con phải giỏi hơn bạn, con phải làm cho nhà mình tự hào" đã làm cho con em chúng ta cảm thấy áp lực đè nặng. 

Thêm vào đó là việc dọa dẫm, trừng phạt và cho rằng học dốt sẽ đi bán vé số, sẽ nghèo khổ, sẽ bị khinh chê... nên các em trở nên mặc cảm khi chính bản thân đã nỗ lực mà không được như mong đợi. 

Nỗi lo sợ đó kéo dài mà các em không được trang bị kỹ năng chia sẻ, dẫn tới tâm lý đau khổ, dần dà có em nghĩ rằng mình phải tìm lối thoát bằng cái chết.

Tất nhiên đó là lựa chọn sai lầm - như có bạn đọc bình luận khi bạn sinh viên thi không tốt đã chọn cách nhảy lầu chứ không dám đối diện với thực tế. 

Tuy nhiên, cũng phải nói là thực tế công tác tâm lý trong trường học và gia đình gần như không đến được với các em, nhất là trong những thời điểm các em rơi vào hoảng loạn.

Ở trường, thầy cô do áp lực công việc và ít có thời gian nên thường ít nói chuyện với học sinh để nghe các em giãi bày khó khăn, cũng ít quan sát xem nét mặt học trò mình hôm nay có gì khác, có lo lắng gì không để kịp thời có những tư vấn cần thiết giúp các em vượt qua.

Ở nhà, liệu còn mấy gia đình có những bữa cơm chung để người lớn hỏi han ân cần xem con hôm nay thế nào, quan sát thấy con có khác thường và có kỹ năng giúp con tin tưởng chia sẻ, nói thật lòng mình? 

Và nếu các em nói thật, liệu cha mẹ có bình tĩnh lắng nghe, không dùng cái quyền người lớn để nổi nóng lên và dùng lời lẽ cay đắng, thậm chí trừng phạt bằng đòn roi cố chấp?

Vụ việc em học sinh tự tử quá đau lòng và đó là tiếng chuông cảnh báo để gia đình, nhà trường thay đổi cách giáo dục nặng học thuật, điểm số mà coi nhẹ kỹ năng, cân bằng tâm lý, từ đó giúp các em có được sự tự tin trong học tập, được lắng nghe và chia sẻ những lúc yếu lòng. 

Đừng để khi con mình, trò mình chọn cái chết thì nỗi khổ nơi tâm hồn các em bùng ra thành nỗi khổ của chính người trong cuộc với ân hận, hối tiếc thì đã muộn mằn.

Học để sống tốt chứ đừng học đến... chết! Đã từng trải qua thời học sinh với nhiều áp lực, bạn suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Học để sống tốt, xin đừng bắt học sinh học đến... chết! Học để sống tốt, xin đừng bắt học sinh học đến... chết!

TTO - Muốn thành công thì phải khổ luyện, có khổ học mới thành tài. Nhưng, mong rằng các bậc phụ huynh hãy hiểu khả năng của con em mình tới đâu để đừng khoác lên vai các em sự kỳ vọng quá lớn, để rồi học đến... chết!

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên