22/10/2018 16:00 GMT+7

'Trên giường bệnh, phải cười để bố mẹ bớt đau lòng'

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Suốt 20 năm, chị Huyền chưa một lần khóc trước mặt con. Nay người mẹ ấy thu mình ở một góc cầu thang và khóc.

Trên giường bệnh, phải cười để bố mẹ bớt đau lòng - Ảnh 1.
Chị Lê Thị Huyền (ngồi) cùng con gái Nguyễn Thị Phương Thảo (nằm) trong BV Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: HÀ THANH

Khóc xong, chị lau thật sạch nước mắt quay lại phòng bệnh, nơi cô con gái Phương Thảo 20 tuổi đang ngày ngày chiến đấu với bệnh tật.

Một đời tảo tần, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nơi vùng quê xứ Nghệ, chị Lê Thị Huyền (45 tuổi) nào có biết "suy thận" là bệnh gì. Một ngày đầu tháng 9, cô con gái Nguyễn Thị Phương Thảo đang học năm thứ ba ĐH Bách khoa gọi điện về, chị nhận thấy giọng con nhỏ hơn mọi lần: "Mai bố hay mẹ ra với con cũng được nha, bác sĩ nói phải có người nhà".

Chị Huyền vẫn tin "nuôi cái Thảo dễ lắm, nỏ mất viên thuốc mô, còn trêu con tru (con trâu - PV) của mẹ". Năm thứ nhất đại học, con gái còn gọi về khoe là nhóm máu O, sức khỏe tốt, đủ điều kiện hiến máu.

Năm thứ hai, con gái gọi về khoe tăng cân, béo hơn, mẹ mừng lắm. Vậy mà nay nhận cuộc điện thoại ngay đầu năm học thứ ba, lòng người mẹ như lửa đốt, lật đật cùng chồng bắt xe khách ra Hà Nội ngay trong đêm.

Chị Lê Thị Huyền - mẹ nữ sinh Nguyễn Thị Phương Thảo nói về con gái - Video: DƯƠNG LIỄU

"Hết bệnh em sẽ đi học, đi làm"

Thầy cô đến thăm, Thảo cười rạng rỡ. Bạn bè đến thăm mang theo vài cuốn sách, Thảo xuýt xoa cảm ơn rồi cười tươi rói. Cô gái trẻ mân mê cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? mà cô bạn cùng trường mới mang vào. Những ngày qua, giường bệnh nơi Thảo nằm ở Bệnh viện Bạch Mai có rất nhiều thầy cô, bạn bè đến thăm, động viên em mau chóng hồi phục.

Chị Huyền nói bác sĩ sẽ cho em chuyển về lại Bệnh viện Thanh Nhàn để chữa trị. Một tuần, em lọc máu 3 lần, uống thêm thuốc.

"Thảo có sợ lâu khỏi bệnh không?", một người đến thăm sốt ruột hỏi.

"Không, Thảo thấy ở Bệnh viện Thanh Nhàn cũng có những người trẻ vừa đi lọc máu vừa đi làm, nhưng cũng có những người lọc máu rồi không đi làm được. Có người lọc 2 lần/tuần, 3-4 lần/tuần. Còn Thảo vừa lọc máu, vừa uống thuốc rồi Thảo đi học, đi làm. Thảo thấy sức khỏe bình thường".

Tiếng cười của cô gái vừa tròn 20 tuổi khiến cả phòng vui lây, cuốn theo câu chuyện của em.

Sinh ra ở đất Nghệ An hiếu học, Thảo và cậu em trai là niềm hy vọng lớn nhất của bố mẹ. Hai chị em hiếu học không phụ truyền thống cha ông. Ánh mắt cô gái trẻ rạng rỡ khi nói đến quyết tâm ấp ủ suốt mười mấy năm đèn sách.

Mảnh đất với "đặc sản gió Lào" đã tạo nên cô gái cần cù, chăm chỉ và mạnh mẽ. Không đỗ Y khoa, Nguyễn Thị Phương Thảo chuyển hướng đăng ký học ĐH Bách khoa.

Bố làm thợ xây, mẹ quanh năm làm ruộng, trầy trật mới đủ ăn, nuôi hai chị em ăn học. Để đỡ đần bố mẹ, vừa nhập học là Thảo kiếm ngay việc làm thêm như gia sư, thu ngân… để trang trải chi phí sinh hoạt, ăn ở ký túc xá. Ngày đi học, tối làm thêm, cô gái nhỏ nhắn chỉ nặng 40kg, cao 1m48 không hề than mệt.

Lộ trình học Thảo tự vạch ra rất rõ ràng: năm thứ ba em đăng ký nhiều môn học hơn để rút từ 5 năm xuống còn 4 năm học, tốt nghiệp ra trường sớm ngày nào tốt ngày đó.

Trên giường bệnh, phải cười để bố mẹ bớt đau lòng - Ảnh 3.

Dù bệnh tật, Phương Thảo vẫn luôn cười để cha mẹ và mọi người xung quanh bớt nỗi đau - Ảnh: HÀ THANH

"Bác sĩ nói em bị suy thận lâu rồi, em cứ nghĩ là bình thường. Nhận kết quả định xách cặp đi học tiếp thì bác sĩ không cho đi. Bác sĩ nói phải lọc máu, em đã nghĩ 'chết, chắc bệnh nặng rồi'", Thảo nói và hướng mắt về phía mẹ.

Cô gái nhỏ nắm tay người phụ nữ, nói với bà mà như tự nhủ với lòng mình: "Em mới ở viện tháng nay thôi, có phải thay thận hay gì đâu, lọc thì lọc thôi. Em sẽ vừa đi học, vừa đi làm, vừa đi lọc máu. Nặng rồi thì mình chấp nhận thôi, bác sĩ nói chắc tầm một tháng sau em sẽ lọc cầu tay. Ở viện thấy tù túng xíu, nhưng cố gắng thôi. Em cứ cười suốt, các bạn còn hay trêu em là bị thần kinh vì hay cười đó".

Thầy cô, bạn bè ở ĐH Bách khoa chia sẻ với nữ sinh Phương Thảo - Video: DƯƠNG LIỄU

Nụ cười của con, động lực của mẹ

Nơi góc cầu thang bệnh viện, chị Huyền ôm mặt khóc. Hơn một tháng cùng con chiến đấu ở bệnh viện, đây là nơi an toàn nhất cho chị rơi nước mắt mà không sợ con phát hiện. Suốt 20 năm trời nuôi nấng Thảo, chưa một lần chị khóc trước mặt con.

Không thể gánh thay bệnh cho con thì chị chọn cách chiến đấu cùng con. Từ ngày biết tin con bệnh, người phụ nữ nông thôn này mới lần đầu biết đến "sinh thiết", "lọc máu", "lọc cầu tay"…

"Suy thận", "màu xám", "không hồng"… là những từ bác sĩ miêu tả về bệnh của con gái mà chị Huyền kịp lưu trong đầu. Biết con ham học từ nhỏ, chị động viên con: "Thôi, con cứ học, 3 bữa lọc bữa nào thì con cứ lọc, ngày nào đi học thì đi học".

Chị Huyền nhẩm tính, con gái có bảo hiểm nên trước mắt chi phí chữa bệnh được giảm 80%, còn lại dù khó đến mấy vợ chồng chị cũng cố gắng chữa khỏi bệnh cho con.

"Thảo biết bệnh tình nhưng vẫn cứ chiến đấu, tươi cười để gia đình khỏi lo lắng. Em vẫn cứ cười như không có chuyện chi xảy ra, cho bố mẹ bớt đau khổ, em cứ vươn lên từng ngày", từ ngoài hành lang bệnh viện, người mẹ hướng đôi mắt đỏ hoe vào giường bệnh nơi con gái đang nằm.

Trên giường bệnh, phải cười để bố mẹ bớt đau lòng - Ảnh 5.

Trường ĐH Bách Khoa tổ chức quyên góp để giúp đỡ Phương Thảo vượt qua khó khăn - Ảnh: HÀ THANH

Cốc trà đá vì Thảo

Vào viện thăm Thảo, chúng tôi đưa cho em những tấm hình vừa chụp "cây điều ước" dán chằng chịt lời chúc của các bạn sinh viên Bách Khoa dành cho cô gái nghị lực Nguyễn Thị Phương Thảo.

"Chúc chị Thảo mau khỏe"/"Em chúc chị mạnh mẽ và gặp nhiều may mắn. Mọi người luôn bên cạnh chị"/"Chúc chị vượt qua giai đoạn khó khăn này"/"Chúc em Thảo chóng khỏe bệnh, nhanh đến trường cùng các bạn"…

Cách bệnh viện không xa chính là ngôi trường ĐH Bách khoa Thảo đang theo học, nơi đang căng những tấm băng-rôn "Tuần lễ chung tay vì trái tim Bách Khoa nghị lực - Ủng hộ sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo" và bán những cốc trà đá thiện nguyện gom góp chút tấm lòng gửi đến cô sinh viên đang chiến đấu với bệnh tật.

PGS.TS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa, chia sẻ: "Tôi nhìn trong ánh mắt em ấy rất mong muốn được quay trở lại trường học tập… Ngay cả những người ở ngoài cũng thương cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của em. Tôi rất vui mừng và hạnh phúc vì điều tốt vẫn còn lại. Tôi mong em Thảo vượt qua bệnh, sớm trở lại trường với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, thầy cô, mọi người".

Trên giường bệnh, phải cười để bố mẹ bớt đau lòng - Ảnh 6.
Cây điều ước đặt ở Trường ĐH Bách Khoa với những lời chúc mong Thảo vượt qua bệnh tật - Ảnh: HÀ THANH
Vượt lên bệnh tật với ước mơ làm cô giáo Vượt lên bệnh tật với ước mơ làm cô giáo

TTO - Mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), người xanh xao, luôn mệt mỏi nhưng cô học trò nghèo, ở nhà tình thương này luôn cố gắng học tập với ước mơ làm cô giáo.

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên