08/10/2018 11:10 GMT+7

Luôn cười dù cuộc đời bất hạnh

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Mồ côi cha, mẹ đau ốm triền miên, chị bị ngớ ngẩn... hoàn cảnh đáng thương là vậy nhưng Lê Thị Trang vẫn nỗ lực là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Luôn cười dù cuộc đời bất hạnh - Ảnh 1.

Trên môi Trang luôn nở nụ cười. Đó là cách duy nhất để Trang vượt qua những khó khăn phía trước - Ảnh: HOÀNG LỘC

Lê Thị Trang vừa trúng tuyển ba trường đại học, cao đẳng năm nay.

Luôn nở trên môi nụ cười, không hề oán than số phận, cô tân sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM bao năm qua là điểm tựa vững chắc của gia đình.

Em không oán trách số phận, trái lại thấy mình vẫn may mắn khi còn được tỉnh táo, bình thường. Em phải sống cho cả cha, mẹ và chị

LÊ THỊ TRANG

Người tỉnh táo nhất nhà

Ở cái xóm Sơn Lĩnh 2 (xã Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An) gia đình Trang thuộc diện "hộ nghèo bền vững". Nghèo đến độ không có nhà để ở. Nơi trú ngụ của cả gia đình hiện nay được xây dựng từ những đồng tiền chắt chiu của họ tộc, chẳng có tài sản gì quý giá.

Ba sào ruộng, tiền trợ cấp hộ nghèo và trợ cấp khuyết tật cho người chị ngớ ngẩn... là nguồn sống nuôi các thành viên trong nhà.

Trang và chị gái được sinh ra từ cuộc hôn nhân "rổ - rá" của cha mẹ. Mẹ đến với cha ở độ tuổi quá lứa lỡ thì, còn cha thì bệnh, trí não không phát triển bình thường.

Người chị chào đời, niềm vui chưa lâu, nỗi buồn đã ập xuống khi càng lớn càng bị ngớ ngẩn, ai sai gì làm nấy. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, cô bé Trang trở thành người khỏe mạnh và tỉnh táo nhất cùng mẹ gánh vác mọi chuyện.

Vùng quê nghèo nuôi lớn Trang bằng những bữa rau cháo đạm bạc. Trong ký ức của mình, bạn không thể quên những đêm dài cha vật lộn với những cơn co giật triền miên.

"Mỗi lúc như vậy, mẹ lại phải lao vào ôm ghì lấy cha để khỏi co giật rơi xuống giường. Khi ấy em chỉ biết nhìn và sợ hãi" - Trang kể.

Rồi cha qua đời sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Nhà đã neo người, càng buồn thêm. Trang tìm vui trên những trang sách. Ngoài giờ học, bạn đi chăn trâu, cày bừa, cắt cỏ... mùa nào việc nấy.

"Nhiều lúc tủi thân lắm nhưng em tự nhắc mình không được buông xuôi" - Trang tự nhủ.

Nhận xét về Trang, chị Nguyễn Thị Thủy (hàng xóm) cho biết mọi việc lớn nhỏ trong nhà phần lớn đều do em gánh vác.

"Lo toan đủ thứ, vậy mà Trang ham học và học rất giỏi. Em thương người và hiếu thảo với cha mẹ. Tôi thực sự cảm phục trước nghị lực vượt khó của Trang" - chị Thủy chia sẻ.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, với số điểm 20,05 Trang là một trong số ít học sinh của Trường THPT Đặng Thai Mai (Nghệ An) đậu tất cả các nguyện vọng. Bạn chọn học ngành kế toán Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Ngày Trang quyết định khăn gói vào Sài Gòn, ai cũng giật mình lo lắng vì nhà quá nghèo, chưa kể người mẹ ốm đau triền miên bởi những cơn đau tim, đau khớp hành hạ. Ai sẽ lo cho mẹ và chị gái?

Trang bảo: "Nhiều cô bác ái ngại khuyên em ở nhà làm thuê, kiếm tiền trả nợ, lấy chồng để tiện bề lo toan gia đình nhưng em không thể...".

Không bỏ cuộc

Trang nhập học, tài sản quý nhất của gia đình là con bò được đem bán đi. Gom cả số tiền bán bò, cộng thêm tiền ủng hộ của người thân, cô chỉ có vỏn vẹn trong tay 7 triệu đồng để nhập học, trong khi tiền học phí 1 kỳ là 9 triệu đồng.

"Biết thiếu hụt tiền nhưng em không thể bỏ cuộc. Em dự định sẽ xin nhà trường cho khất nợ nửa kỳ để đi làm thêm, đóng sau" - Trang nói.

May mắn thay vào Sài Gòn, Trang được người chị họ thương, đóng giúp toàn bộ tiền học phí kỳ 1.

Hiện Trang sống nhờ nhà của người bác ở Q.3 (TP.HCM). Hằng ngày, bạn đạp xe gần 4km để đến trường.

Trang khoe đã kịp làm quen với một số anh chị học khóa trên để mượn sách nhằm bớt đi một khoản chi tiêu. Sắp tới bạn sẽ làm gia sư hay phục vụ nhà hàng, kinh doanh online... để trang trải suốt bốn năm đại học.

"Em chọn học kế toán vì nghĩ ngành này sẽ cho mình một kiến thức nền tốt, từ đó có cơ hội kiếm một công việc tốt để phụ giúp gia đình" - Trang nói.

Mặc dù rất ủng hộ quyết định của Trang nhưng cô Nguyễn Thị Hằng, phó bí thư Đoàn Trường THPT Đặng Thai Mai, không khỏi lo âu.

"Nếu sống ở quê, em có thể rau cháo qua ngày. Nhưng vào Sài Gòn nhập học thì khác. Ở đô thị không biết em có tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân? Tiền nhà, tiền ăn, tiền học..., tất cả còn mờ mịt, biết lấy đâu ra khi anh em, họ hàng không ai dư dả".

Hiểu nỗi lo của mọi người và cô giáo, Trang chỉ cười thật tươi để đối diện với thử thách dài phía trước. Hỏi ước điều gì trước ngày nhập học, Trang bảo chỉ mong một phép mầu để mẹ, chị gái khỏe mạnh bình thường như bao người khác.

Cô viết thư xin học bổng Tiếp sức đến trường cho trò

Câu chuyện vượt qua nghịch cảnh để theo đuổi đến cùng con đường học tập của Trang khiến nhiều thầy cô khâm phục.

Dù không trực tiếp giảng dạy nhưng cả cô Oanh, thầy Hải (giáo viên Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, Nghệ An) khi nghe chuyện đều xúc động, nhắn nhủ người viết: "Em xem có cách nào tiếp sức giúp Trang được không? Một công việc làm thêm thôi, bởi Trang sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình".

Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Hằng dành nhiều thời gian viết những dòng tâm sự đầy cảm xúc về hoàn cảnh của Trang, gửi một số nơi xin học bổng.

"Trang học giỏi, có ước mơ. Hãy giúp em chắp cánh ước mơ ấy" - cô Hằng bày tỏ.

Tiếp sức đến trường: Từ công nhân thành tân sinh viên Tiếp sức đến trường: Từ công nhân thành tân sinh viên

TTO - Cô gái xinh xắn, đạt danh hiệu học sinh giỏi 12 năm liền, đoạt các giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố và luôn đứng nhất nhì trường... nhưng đành ngậm ngùi gác lại giấc mơ giảng đường.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên