03/10/2018 12:00 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Từ công nhân thành tân sinh viên

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Cô gái xinh xắn, đạt danh hiệu học sinh giỏi 12 năm liền, đoạt các giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố và luôn đứng nhất nhì trường... nhưng đành ngậm ngùi gác lại giấc mơ giảng đường.

Tiếp sức đến trường: Từ công nhân thành tân sinh viên - Ảnh 1.

Ngoài việc học, làm thêm, Ngọc còn phải chăm lo cho ông bà ngoại đã già yếu - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dù khó mấy tôi cũng phải cố gắng, không để phải dở dang việc học thêm một lần nào nữa.

LƯU BÍCH NGỌC

Đớn đau khi cuộc sống gieo bao trắc trở, cô đành chấp nhận xếp lại tờ giấy báo đại học để vào nhà xưởng làm công nhân bởi gia cảnh quá khó khăn.

Cô gái ấy là Lưu Bích Ngọc, ngụ quận 12, TP.HCM. Sau 2 năm lao vào cuộc mưu sinh đầy vất vả, Ngọc đã nỗ lực trở lại giảng đường với kết quả đậu vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Từ một nữ công nhân, bây giờ Ngọc đã trở thành tân sinh viên, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn lắm chông gai.

Lớn lên trong thiệt thòi

Cha bỏ đi biệt tăm, mẹ cũng lập gia đình khác sinh sống ở ngoại tỉnh. Khi chỉ vừa mới một tháng tuổi, Ngọc đã về sống với ông bà ngoại trong căn phòng nhỏ ở quận 12. Tiền lời từ những tờ vé số bán dạo của bà ngoại là nguồn sống duy nhất nuôi cả gia đình.

Biến cố xảy ra khi bà ngoại bị xe máy tông chấn thương sọ não trên đường đi bán vé số vào năm Ngọc mới lên lớp 6.

Ông ngoại mắc bệnh hở van tim, bà ngoại nằm viện thập tử nhất sinh, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại lâm vào cảnh kiệt quệ. Mấy lần dự tính cho cháu gái thôi học nhưng nhìn những tờ giấy khen của cháu mà ông Lưu Ngọc Ẩn (ông ngoại Ngọc) không đành tước đi con đường học của cháu gái.

Từ đó, mọi gánh nặng cuộc sống đều dồn lên đôi vai của một người chị họ của Ngọc sống chung trong gia đình từ những đồng lương công nhân ít ỏi. Nhờ vậy mà Ngọc được tiếp tục học hành cho đến năm lớp 12.

Gắng gượng rồi cũng qua, Ngọc không phụ lòng ông bà khi hằng năm đều giành danh hiệu học sinh giỏi và đoạt giải cao ở các kỳ thi cấp TP. Nhưng khi vừa chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa ĐH cũng là lúc người chị họ lấy chồng. Tức là trụ cột lo miếng cơm, manh áo cho cả gia đình không còn nữa. 18 tuổi, Ngọc đành gánh thay chị họ toan lo cuộc sống cho ông bà ngoại mất sức lao động.

"Cả ông bà đều già yếu lại thường xuyên ốm đau, tiền lo bữa cơm hằng ngày đã lắm khó khăn rồi nên tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện học tiếp, tiền đâu mà đóng học phí" - Ngọc kể. Dù đậu vào Trường ĐH Sài Gòn nhưng Ngọc đành gác lại giấc mơ ĐH để xin vào nhà xưởng làm công nhân. Suốt một tháng liền cô gái này đều mơ thấy phía trước mình là cánh cửa giảng đường nhưng không thể chạm tay đến.

Hơn khi nào hết, Ngọc cảm thấy tủi thân da diết bởi lớn lên thiếu hơi ấm của mẹ cha vốn đã thiệt thòi, nay lại đành thua kém bạn bè khi không được tiếp tục đi học. Với cô gái học giỏi như Ngọc, thực tế này không dễ dàng chấp nhận…

Nhiều đêm nước mắt chực trào nhưng cô vẫn cố an ủi bản thân rằng mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người bởi dù sao bên cạnh mình vẫn còn người thân để yêu thương. "Thương cháu lắm nhưng nghĩ mãi cũng không biết tiền đâu mà cho cháu đi học nên tui đành khuyên cháu thôi học, xót xa lắm" - ông ngoại Ngọc tâm sự.

Trở lại giảng đường

Từ lúc gác lại tờ giấy báo nhập học, Ngọc trở thành lao động chính trong gia đình. Đồng lương công nhân may hằng tháng Ngọc đều đưa hết cho ông ngoại để chắt chiu miếng cơm hằng ngày cho cả nhà. Cuộc sống tạm ổn nhưng cô vẫn khát khao được đi học trở lại.

Đến mùa thi năm 2017, dù muốn lắm nhưng Ngọc đành tự nhắc bản thân bây giờ chưa phải lúc để mình trở lại con đường học vấn. Ngọc tiếp tục xin làm nhân viên văn phòng cho một công ty vận tải ở gần nhà trong lúc bạn bè đã bước vào năm 2 ĐH. Những lúc công việc mệt mỏi, Ngọc thấy tương lai của mình vô định.

Khi trở về nhà nhìn những tấm bằng khen học sinh giỏi của mình được ông ngoại treo trang trọng bên chiếc bàn học, cô gái này không cam chịu. Ngọc hạ quyết tâm phải trở lại giảng đường, bằng mọi giá phải thực hiện cho được ước mơ của chính mình. Ngọc tự hứa với bản thân rằng mình có thể nghèo về tiền bạc, nghèo tình cảm của gia đình nhưng không thể nghèo ý chí.

Sau giờ làm việc, Ngọc lên các trang web ôn luyện thi cử để tải các bộ đề, bài tập rồi miệt mài giải bài. Nhiều lúc thấy ông bà đau ốm liên miên cô cũng nản lòng nhưng vì tương lai, Ngọc đều gắng gượng vượt qua.

Kỳ thi vừa rồi Ngọc đậu vào ngành kế toán của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Lần này, dù vui nhưng ông ngoại của Ngọc vẫn âu lo bởi ông biết mọi chi phí đều đổ dồn lên vai cháu gái. Ngay cả Ngọc, cô cũng chưa dám nghĩ gì nhiều về chặng đường bốn năm.

"Trước mắt tôi đã đi vay hơn chục triệu để đóng học phí đầu năm, còn lại tôi phải đi làm thêm mới có tiền trang trải những ngày tháng tiếp theo" - Ngọc nói.

Hiện tại, Ngọc nhận làm gia sư vào buổi tối và chắc chắn phải làm thêm những công việc khác để duy trì con đường học của mình. "Dù khó mấy tôi cũng phải cố gắng, không để phải dở dang việc học thêm một lần nào nữa" - Ngọc khẳng định.

Đến lớp từ những ân tình

Năm học lớp 12, dù rất muốn đi học thêm cùng bạn bè nhưng Ngọc không có tiền đóng học phí. Biết mong muốn của Ngọc, mẹ của một người bạn cùng lớp đã tự nguyện đóng học phí hằng tháng cho nữ sinh khó khăn này.

Một thầy giáo dạy bộ môn của Ngọc khi biết chuyện cũng cho em được đi học thêm hoàn toàn miễn phí. Tuy vậy, khi không thể tự lo kinh phí để đến giảng đường ĐH, Ngọc giấu chuyện mình nghỉ học và tự hứa với bản thân sẽ cố gắng quay trở lại giảng đường bằng đôi chân của chính mình.

"Tôi biết đoạn đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng không chỉ vì bản thân mà còn vì ông bà, vì tương lai của chính tôi nữa" - Ngọc viết trong thư gửi đến báo Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Học trò làm thuê trúng tuyển trường y Tiếp sức đến trường: Học trò làm thuê trúng tuyển trường y

TTO - Chồng bỏ đi, người vợ đưa con nhỏ về quê ngoại bươn chải làm thuê nuôi con ăn học. Thương mẹ vất vả, người con sau giờ học phụ mẹ làm và nỗ lực vượt khó học tập.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên