28/09/2020 10:42 GMT+7

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 3: Ngôi trường đặc biệt trên đỉnh linh sơn

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Khai sơn vào năm 1937, hoàn tất vào tháng 7-1938, trại trường Bạch Mã được xây cất dựa theo hình mẫu của trại trường quốc tế Gilwell Park (Anh quốc) và trại trường Chamarande (Pháp), có đủ hội trường, thư viện, trạm y tế, sân lửa trại...

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 3: Ngôi trường đặc biệt trên đỉnh linh sơn - Ảnh 1.

Bạch Mã linh sơn là ngôi trường thiên nhiên của Nghĩa Dũng karatedo và cũng là biểu tượng tinh thần của võ đường này - Ảnh: M.TỰ

"Những giá trị tâm linh bao giờ cũng được hun đúc trên những ngọn núi cao!". Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết như thế về Bạch Mã trong bút ký "Ngọn núi ảo ảnh". 

Ngọn linh sơn đó là ngôi trường học núi rừng của người thầy thiên nhiên vĩ đại, mà Liên hội hướng đạo Đông Dương đã chọn làm trại huấn luyện từ năm 1937. Sau đó, võ đường karatedo Nghĩa Dũng (Huế) cũng đã chọn vùng núi cao rừng thẳm này làm nơi để rèn luyện tâm pháp cho võ sinh của mình.

Ngồi giữa thiên nhiên Bạch Mã, bạn sẽ cảm nhận một nguồn năng lượng đặc biệt tỏa ra từ rừng núi, đất trời. Vì vậy, Bạch Mã là nơi để tĩnh tâm, nhưng cũng là nơi để nghĩ ngợi, để bàn bạc những việc lớn. Ngôi trường của người thầy thiên nhiên vĩ đại chính là nơi để giáo dục thanh thiếu niên về tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, về cách hành xử cho ra con người. Đó là lý do mà Nghĩa Dũng karatedo đã chọn Bạch Mã làm biểu tượng tinh thần của võ đường.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng (người sáng lập Nghĩa Dũng karatedo)

Ba năm khổ luyện không bằng ba ngày leo núi

Đó là câu cách ngôn của Nghĩa Dũng karatedo mà bất cứ võ sinh nào khi gia nhập võ đường này cũng biết đến. Bước vào võ đường ở số 8 Trương Định, Huế hay bất cứ phân đường nào của Nghĩa Dũng trên toàn quốc và cả tận nước ngoài, cũng bắt gặp hình ảnh các võ sinh luyện võ trên đỉnh Bạch Mã.

Theo quy định của võ đường, qua ba năm rèn luyện, nếu chuyên cần và phẩm hạnh tốt, võ sinh sẽ được tham dự kỳ thi lên huyền đai (đai đen). Vòng 1 thi với ba nội dung: quyền thuật, công phá, thi đấu. 

Sau khi vượt qua vòng 1, võ sinh phải mang balô đi bộ lên đỉnh núi Bạch Mã, vừa để kiểm tra thành quả luyện tập của ba năm, vừa tự kiểm tra lại ý chí và sức khỏe, vừa hòa mình vào thiên nhiên để hấp thu linh khí của đất trời trên ngọn núi thiêng. Phải vượt qua hết mọi thử thách đó, võ sinh mới được sư phụ thắt cho chiếc đai đen với sự chúng kiến của núi rừng Bạch Mã.

Năm giờ sáng 1-7, đoàn võ sinh "dự bị tân huyền đai" 2019 đã tập kết dưới chân núi Bạch Mã. Sư trưởng Nguyễn Văn Dũng dặn dò đôi lời và phát lệnh lên núi. Trong ánh bình minh, đoàn trai tráng tay gậy, lưng balô, bước hăm hở, mắt hướng lên đỉnh núi. Hôm nay, họ phải vượt qua chặng đường 16 cây số, từ độ cao khoảng 200m ở chân núi lên đến đỉnh núi với độ cao 1.450m.

Đi khoảng 1/3 đường thì mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo, nước trong người đã cạn, và một dòng suối trong vắt từ trên vách đá giội xuống như món quà của rừng núi dành sẵn. Ngọn gió mát rượi từ rừng cây xanh ngút ngàn thổi qua làm tan biến hết mệt mỏi. 

Đoàn võ sinh lại lên đường, nhưng vừa đến đèo Phượng Hoàng thì trời đổ mưa. Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi vịnh Bắc Bộ nhưng Bạch Mã luôn là nơi bị ảnh hưởng mưa rất lớn do mây dồn tụ về. Những cô cậu võ sinh tuổi chừng đôi mươi vẫn can trường rảo bước dưới màn mưa mờ mịt và gió lạnh rú liên hồi. Mười hai giờ trưa thì những võ sinh đầu tiên đã đến cắm trại khu vực gần đỉnh núi và nổi lửa nấu cơm.

Hòa vào cái đẹp vô nhiễm của đất trời!

Sau bữa cơm trưa "ngon chưa từng thấy" trên đỉnh núi, đoàn võ sinh ngủ say trong bầu không khí thanh khiết của núi rừng. Võ sư Dũng lay nhẹ chúng tôi: "Dậy thôi, lên đỉnh ngắm hoàng hôn". Chúng tôi đi bộ theo con đường mòn dẫn lên đỉnh cao có ngôi nhà bát giác Vọng Hải Đài. Đứng ở đây có thể ngắm toàn cảnh đồng bằng, đầm phá, và Biển Đông bao la.

Nhìn về phía tây là một kỳ quan hùng vĩ của núi rừng Bạch Mã. Rừng xanh tiếp nối nhau điệp trùng với đủ hình cây dáng núi. Gió từ biển thổi lên cuốn đi từng đoàn mây vào góc núi. Mặt trời hiện ra trên vũng mây sáng rực một màu vàng do những đám hơi nước vẫn còn khá dày trong không khí. 

Một chiếc cầu vồng mọc lên giữa biển mây và núi rừng nhuốm một màu vàng rực. "Tuyệt vời quá!". Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Nghĩa Dũng đã chọn Bạch Mã để luyện võ sinh. "Để cho tuổi trẻ không vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm; để cho tuổi trẻ biết yêu thương, biết dâng hiến, biết sẻ chia; thì cách tốt nhất là cho họ hòa mình vào cái đẹp vô nhiễm của đất trời!" - lời của sư trưởng Nguyễn Văn Dũng vang lên trong không gian tĩnh lặng Bạch Mã.

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 3: Ngôi trường đặc biệt trên đỉnh linh sơn - Ảnh 3.

Một cảnh đẹp của tuyệt tác thiên nhiên Bạch Mã - Ảnh: MINH TỰ

Trại trường Bạch Mã

Hình ảnh đoàn võ sinh Nghĩa Dũng khiến người ta nhớ về đoàn hướng đạo sinh Việt Nam năm xưa ở Bạch Mã. Trại trường Bạch Mã, nơi huấn luyện huynh trưởng của Liên hội hướng đạo Đông Dương, được xây dựng từ năm 1937, ở khu vực gần đỉnh núi, nơi bây giờ có chiếc cầu mang tên cầu Hướng Đạo bắc qua suối Hoàng Yến.

Tài liệu của Hội hướng đạo Việt Nam và hồi ký của các huynh trưởng chủ chốt Liên hội hướng đạo Đông Dương năm xưa đã ghi lại rất rõ hình ảnh của trại trường Bạch Mã. Từ đề nghị của vị huynh trưởng người Pháp tên là Raymond Schlemmer, vua Bảo Đại đã đồng ý cấp cho Liên hội hướng đạo Đông Dương một khu đất trên núi Bạch Mã để xây dựng trại. 

Khai sơn vào năm 1937, hoàn tất vào tháng 7-1938, trại trường Bạch Mã được xây cất dựa theo hình mẫu của trại trường quốc tế Gilwell Park (Anh quốc) và trại trường Chamarande (Pháp), có đủ hội trường, thư viện, trạm y tế, sân lửa trại, hoa viên, vườn rau...

Theo hồi ký của vị huynh trưởng có tên hướng đạo là Sếu Siêng Năng, trại trường Bạch Mã còn đẹp hơn Gilwell Park vì có cảnh núi rừng cao rộng, thâm nghiêm.

Đọc những trang tư liệu của trại trường Bạch Mã, mới hay ngọn núi này đã từng là nơi tụ hội của những anh hào Việt Nam vào những năm trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945. Họ là những huynh trưởng xuất sắc của hướng đạo, đồng thời là những người tài ba đã trở thành nhân vật của một giai đoạn lịch sử oanh liệt đất nước như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu...

Có một cuộc hội ngộ rất đặc biệt tại hội nghị Geneve (1954) của ba nhân vật đều từng là huynh đệ trên đỉnh núi Bạch Mã. Sau khi rời ngọn núi Bạch Mã, hơn mười năm sau một vị huynh trưởng với cái tên của hướng đạo là Chồn Fennec đã trở thành thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, người đại diện cho phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ký hiệp định Geneve...

Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ, bởi cảnh trần đẹp chẳng kém chốn bồng lai. Khi các tiên ông ngồi đánh cờ thì đàn ngựa mải mê tìm cỏ non. Đợi ngựa không được, các tiên ông phải bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây hệt như bầy ngựa trắng, quanh năm quấn quýt ngọn núi. Tên gọi Bạch Mã bắt nguồn từ đó.

Càng đi sâu vào dải rừng tự nhiên Bạch Mã càng như lạc vào khu vườn kỳ hoa dị thảo. Những hoa thơm cỏ lạ ấy không chỉ tạo ra phong cảnh độc đáo mà còn là bao vị thuốc quý hiếm.

Kỳ tới: Lạc vào đại ngàn kỳ hoa dị thảo

Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 2: Đánh thức khu rừng bí ẩn Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã - Kỳ 2: Đánh thức khu rừng bí ẩn

TTO - Cho đến đầu thế kỷ 20, Bạch Mã vẫn là một vùng rừng núi hoang dã và bí ẩn. Ngay cả khi khu nghỉ dưỡng Bà Nà được xây dựng trên đỉnh núi Chúa năm 1919 thì Bạch Mã cách đó không bao xa vẫn là vùng rừng núi bí ẩn.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên