28/03/2013 11:59 GMT+7

Trên con đường mang dáng hình Tổ quốc

TỐ OANH
TỐ OANH

TT - Theo dự án 47, “Đường tuần tra biên giới” được xây dựng từ Quảng Ninh đến Kiên Giang dài hơn 14.000km đi qua 25 tỉnh biên giới, với nền đường 5,5m và mặt đường ximăng rộng 3,5m.

Đây là một dự án dài hơi của Bộ Quốc phòng, được khởi công giai đoạn 1 vào năm 2007 với điều kiện thi công vô vàn khó khăn. Khi hoàn thành, đây sẽ là con đường bêtông dài nhất thế giới, ôm trọn dải đất hình chữ S.

Hai nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt trên con đường biên giới Tây Nam và phía Bắc trong những ngày “Tháng 3 biên giới” này.

Kỳ 1: Điểm xuất phát: cột mốc 314 Hà Tiên...

Hành trình biên giới Tây Nam không được vẽ bằng những con đường có trên bản đồ mà bằng tên các đồn biên phòng và số thứ tự cột mốc biên giới nối tiếp nhau. Chọn phương tiện xe gắn máy, chúng tôi đã có mười ngày đầy cam go, thử thách và biết bao câu chuyện thú vị nơi miền biên giới. Mỗi bước chân đi càng yêu thêm Tổ quốc Việt Nam...

7ab6qKoD.jpgPhóng to
Chị Thị Mỹ Loan bên cột mốc 314, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang- Ảnh: N.C.T.

Người phụ nữ giữ cột mốc

Đêm thứ hai trên biên giới, trăng rằm vằng vặc treo trên đầu. Chạy hết con đường N1 dọc biên giới, trước mặt chúng tôi là dòng sông Tiền cuồn cuộn chảy, cắt ngang mặt sông chính là biên giới phân định lãnh thổ hai nước. Tại đây có hai cửa khẩu quốc tế đường sông xây dựng sát hai bên bờ gồm Sông Tiền (thuộc tỉnh An Giang) và Thường Phước (thuộc tỉnh Đồng Tháp).

Thượng úy Huỳnh Thanh Tâm - đồn phó, quản lý trạm biên phòng cửa khẩu quốc tế Sông Tiền - đưa chúng tôi thăm cột mốc số 241 mới xây dựng khang trang, cảnh quan xung quanh tạo thành một công viên nhỏ xinh xắn.

... Buổi đầu tiên của hành trình, theo đường tuần tra biên giới, bốn “chiến mã” và sáu thành viên có mặt tại điểm xuất phát: cột mốc số 314 thuộc địa phận xã Xà Xía, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia khánh thành vào tháng 6-2012.

Ngay điểm xuất phát, chúng tôi bất ngờ gặp câu chuyện tình yêu cột mốc biên giới rất thú vị. Chị Thị Mỹ Loan - 40 tuổi, dân tộc Khmer, 20 năm qua đã trở thành một chiến sĩ biên phòng canh giữ cột mốc. Ngày nào chị cũng ra thăm, dọn vệ sinh khu vực cột mốc.

Chị chân chất: “Lấy chồng về ấp Xà Xía, ngày nào cũng thấy bộ đội biên phòng tuần tra khu vực cột mốc, tui suy nghĩ đó phải là thứ quan trọng của quốc gia lắm. Lân la hỏi thăm được các chú biên phòng giải thích, tui hiểu được ý nghĩa quan trọng của cột mốc biên giới. Tài sản quốc gia cũng chính là tài sản của nhà mình, mình phải có trách nhiệm gìn giữ cùng biên phòng”. Con gái Quách Kim Xịt ngày nào theo mẹ vệ sinh cột mốc nay đã là học sinh lớp 11 Trường THPT Hà Tiên. Tình yêu quê hương nơi biên giới Tổ quốc được truyền từ mẹ sang con tự lúc nào. Kim Xịt cho biết: “Khi lớn rồi, hôm nào trời mưa to em đi một mình. Em tự hào vì được góp sức giữ cột mốc quan trọng cho đất nước”.

Hôm lễ khánh thành cột mốc mới, mẹ con chị Loan cũng chộn rộn trong lòng dữ lắm. Chị chia sẻ: “Buổi lễ rất long trọng, có lãnh đạo hai quốc gia dự làm mình thấy rất tự hào được là cư dân sống gần cột mốc nhất. Tui đăng ký với biên phòng sẽ tiếp tục là người chăm sóc và giữ gìn cột mốc phụ các chú hoài hoài luôn”.

Đại úy Danh Kim Huôl - chính trị viên phó đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - cười tươi: “Tinh thần của mẹ con chị Loan làm cho chiến sĩ biên phòng thêm động lực canh giữ đất trời Tổ quốc. Mỗi cư dân ở vùng biên giới chính là những cột mốc sống cùng bộ đội biên phòng gìn giữ biên giới quê hương”.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, câu khẩu hiệu của chiến sĩ mang quân hàm xanh đập ngay vào mắt khi bước vào cổng tất cả các đồn biên phòng.

FICVYbNc.jpgPhóng to
Các thành viên trong đoàn cùng lội sình lầy với bộ đội biên phòng Vĩnh Gia trên đường tuần tra biên giới ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang- Ảnh: Nguyễn Phước Hòa

Cột mốc vượt lũ ở biên giới ruộng

Sáng thứ hai của hành trình chúng tôi được biết thế nào là mốc dấu và cột mốc vượt lũ, khi theo chân đội vũ trang của đồn biên phòng Vĩnh Gia (Châu Đốc, An Giang) đi tuần tra biên giới. Đồn quản lý 7,6km đường biên giới với hai cột mốc đã xây dựng và ba mốc dấu đã được xác định. Con đường đê vượt lũ nối hai nước được dừng lại với mốc dấu số 285 mới xác định vị trí, bên này là Việt Nam, bên kia là lãnh thổ Campuchia.

Mốc dấu được định vị cọc tiêu bằng cây gỗ đơn sơ cắm trên bờ ruộng giữa đồng trống mênh mông. Trung úy Lê Ngọc Tuấn - đội trưởng vũ trang - cho biết: “Mốc dấu rất quan trọng, cả hai bên đều cắt lực lượng canh giữ 24/24 giờ bất kể nắng mưa cho đến khi được xây dựng thành cột mốc”. “Bây giờ đi tiếp đường biên giới ruộng đến thăm cột mốc vượt lũ số 284 nha” - đội trưởng Tuấn vừa nói xong, mười chiến sĩ bước ào thẳng hàng một xuống ruộng, cả đoàn líu ríu chân bước theo.

Một trận “thủy chiến” đầy ấn tượng. Có chỗ nước và sình ngập đến hết chân, những cú ngã ình ạch của dân phố thị làm tiến độ hành quân bị chậm lại. Các chiến sĩ phải rời hàng ngũ để hỗ trợ vượt đoạn đường bì bõm dài cả cây số. Cột mốc vượt lũ 284 sừng sững giữa trời trên độ cao của bệ đỡ ximăng kiên cố cao 2,5m khiến cả đoàn ồ lên bất ngờ. Dấu vết của mực nước lũ vừa rồi vẫn còn hằn rõ trên điểm gần cuối thành bệ. “Quá ấn tượng” - mấy chục năm trong nghề, năm nào cũng đi biên giới đem thông tin lũ đến bạn đọc, nhưng nhà báo Nguyễn Công Thành thú thật lần đầu được chạm mắt cột mốc vượt lũ.

Các chiến sĩ vào hàng ngũ trước cột mốc thật nhanh. Đội trưởng Tuấn hô to hiệu lệnh, cả đội quần áo ướt sũng cùng giơ tay chào cột mốc hết sức nghiêm trang hệt như đứng trước lá cờ Việt Nam. Một cảm giác Tổ quốc rất đỗi thiêng liêng đối với tất cả chúng tôi. Tiếp đến các chiến sĩ tỏa đi theo nhóm nhỏ làm nhiệm vụ kiểm tra từ chân đế đến cột mốc tít trên cao. “Đối với người lính biên phòng, biên giới và cột mốc quốc gia là điều thiêng liêng nhất” - các chiến sĩ cho biết.

“Những hôm lũ về lỡ cỡ, anh em lội nước tới ngực đi tuần tra. Lũ lớn phải dùng xuồng. Trước đây chưa có kỹ thuật xây cột mốc vượt lũ trên bệ cao, đi tuần vào mùa lũ các chiến sĩ phải lặn sâu xuống nước để kiểm tra cột mốc còn nguyên vẹn không” - cánh biên phòng cho biết thêm về cột mốc vượt lũ. Biên giới An Giang là vùng trọng điểm của đỉnh lũ hằng năm với lượng nước lớn từ sông Mekong bên hướng Campuchia đổ về. Để cột mốc biên giới vẫn an toàn trong lũ, có nơi nhiều bệ cột mốc phải xây từ mặt đất lên cao đến 4,5m. Đứng dưới chân cột mốc, ta bỗng thấy mình nhỏ xíu giữa biên giới Tổ quốc bao la.

Kỳ tới: Nén nhang dọc đường biên giới

TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên