13/02/2025 09:31 GMT+7

Trẻ ở trường hay trẻ ở chợ thông minh hơn?

Một nhóm nhà khoa học vừa thực hiện nghiên cứu so sánh giữa trí thông minh học thuật và trí thông minh đường phố.

Trẻ ở chợ hay trẻ ở trường thông minh hơn? Nghiên cứu mới về trí thông minh đường phố - Ảnh 1.

Trẻ em buôn bán tại các chợ Ấn Độ thường thể hiện được 'trí thông minh đường phố' - Ảnh: HUMANIUM

Nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại MIT (Mỹ) và Ấn Độ thực hiện, được công bố trên tạp chí Nature, đã đặt ra câu hỏi quan trọng: liệu những kiến thức toán học được dạy trong trường có thực sự giúp trẻ em thông minh khi áp dụng vào các tình huống thực tế?

Trí thông minh học đường và trí thông minh đường phố, ai hơn ai?

Nghiên cứu này được thực hiện tại Ấn Độ, nơi các nhà khoa học đã so sánh kỹ năng toán học giữa hai nhóm trẻ: một nhóm được học tập trong môi trường giáo dục chính quy và một nhóm làm việc tại các khu chợ.

Tại các khu chợ ở Ấn Độ, trẻ em thường xuyên thực hiện các phép tính phức tạp khi giao dịch với khách hàng. Tuy nhiên, khi được yêu cầu giải các bài toán tương tự trong một định dạng trừu tượng như trong sách giáo khoa, các em lại gặp khó khăn đáng kể.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát trên một nhóm lớn trẻ em ở các đô thị của Ấn Độ, bao gồm những em vừa đi học vừa làm việc tại chợ. Các em này tiếp xúc với toán học cả trong lớp học và trong công việc hằng ngày.

Kết quả chỉ ra rằng trẻ em bán hàng có thể tính toán số tiền phải trả và tiền thối lại với độ chính xác cao, trên 95% đúng sau hai lần thử. Đặc biệt, hầu hết các em thực hiện những phép tính này trong đầu mà không cần giấy bút hay máy tính.

Dẫu vậy, khi đối diện với các bài toán mang tính học thuật, nhóm trẻ này lại có tỉ lệ giải đúng thấp. Chỉ 32% có thể thực hiện phép chia một số có ba chữ số cho một số có một chữ số, trong khi 54% có thể thực hiện phép trừ hai số có hai chữ số. 

Kết quả này không có nhiều khác biệt so với trẻ em ở vùng nông thôn Tây Bengal, nơi chỉ 29% học sinh lớp 5 có thể làm phép chia tương tự.

Trong khi đó, một nhóm học sinh khác, không có kinh nghiệm buôn bán nhưng được đào tạo chính quy, lại có mô hình ngược lại. Các em có thể giải các bài toán trừu tượng tốt hơn nhưng gặp khó khăn trong các tình huống thực tế.

Trong một thí nghiệm mô phỏng, nhóm học sinh này được yêu cầu thực hiện giao dịch bán hàng trong một khu chợ giả định. Chỉ khoảng 60% tính toán đúng số tiền phải trả, mặc dù các em được phép sử dụng giấy bút. Trong khi đó, gần 100% trẻ em bán hàng thực tế có thể giải quyết vấn đề này mà không cần công cụ hỗ trợ.

Một điểm đáng chú ý là học sinh trong trường học phụ thuộc quá nhiều vào các phương pháp tính toán viết tay không hiệu quả. Khi làm bài, các em thường mất nhiều thời gian, ghi chép dư thừa và không thể kết hợp nhiều phép toán một cách linh hoạt. 

Theo các chuyên gia, điều này cho thấy dù giỏi toán trên sách vở, những kỹ năng này không thực sự hữu dụng khi áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Cần cải tiến chương trình giáo dục

Nhóm nghiên cứu cho rằng toán học trong trường học được thiết kế để trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày và làm nền tảng cho các cấp học cao hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giáo dục chính quy không luôn đạt được cả hai mục tiêu này.

Nhóm dẫn thêm một nghiên cứu khác tại Ấn Độ cho thấy vào năm 2023, chỉ một nửa số học sinh lớp 11 và 12 (16-18 tuổi) có thể chia một số có ba chữ số cho một số có một chữ số.

Ngoài ra, một khảo sát gần đây chỉ ra rằng chỉ 50% học sinh lớp 11 và 12 ở Ấn Độ có thể tính toán số lượng viên lọc nước cần thiết cho một nồi lớn, mặc dù đã được cung cấp số liệu cho một nồi nhỏ hơn. Đáng chú ý, 35% số học sinh có thể giải một bài toán chia trừu tượng lại không thể hoàn thành bài toán thực tế này.

Nghiên cứu này góp phần vào cuộc tranh luận lâu nay về sự khác biệt giữa "trí thông minh học đường" (school smart) và "trí thông minh đường phố" (street smart). Trong khi giáo dục chính quy tập trung vào công thức và phương pháp giải bài toán một cách chuẩn mực, thực tế cho thấy trẻ em làm việc tại chợ lại có khả năng tư duy linh hoạt hơn, biết cách áp dụng toán học vào hoàn cảnh cụ thể.

Từ đó, giáo dục cần được cải tiến để thu hẹp khoảng cách giữa toán học lý thuyết và toán học thực tế. Học sinh không chỉ cần nắm vững công thức và phương pháp tính toán mà còn phải được rèn luyện để áp dụng linh hoạt vào các tình huống thực tế.

Một số gợi ý được đưa ra bao gồm tích hợp toán học thực tế vào chương trình giảng dạy, trong đó các bài toán nên được xây dựng theo những tình huống đời sống, thay vì chỉ tập trung vào các con số khô khan.

Ngoài ra, cần tạo môi trường học tập gần gũi với thực tế. Các hoạt động như mô phỏng giao dịch, quản lý tài chính cá nhân hay sử dụng toán học trong công việc hằng ngày có thể giúp học sinh rèn luyện kỹ năng ứng dụng.

Cuối cùng là khuyến khích tư duy linh hoạt khi học toán. Cụ thể, học sinh cần được rèn luyện cách tính nhẩm và sử dụng các phương pháp tư duy nhanh thay vì chỉ học thuộc công thức.

Trẻ ở chợ hay trẻ ở trường thông minh hơn? Nghiên cứu mới về trí thông minh đường phố - Ảnh 4.Hai học sinh trung học đưa ra bằng chứng mới cho định lý toán học 2.000 năm

Ne'Kiya Jackson và Calcea Johnson, đều 17 tuổi, hai học sinh trung học từ New Orleans (Mỹ), đã làm nên 'lịch sử' khi tìm ra những bằng chứng mới cho định lý Pitago tồn tại hơn 2.000 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên