Cho trẻ dùng thẻ có cái lợi là không lo mất tiền như cầm tiền mặt - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH |
Ngày 4-7, trao đổi với Tuổi Trẻ về quy định cho trẻ em được dùng thẻ ATM, ông Đoàn Thái Sơn - vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước - cho biết từ ngày 15-8, trẻ em từ 6 tuổi trở lên được dùng thẻ ATM thay vì quy định cũ là từ 15 tuổi.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, trẻ từ 6 - 15 tuổi chỉ được quẹt thẻ chứ không được rút tiền mặt như trẻ từ 15 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ rằng trẻ trên 6 - 15 tuổi chỉ được sử dụng để thanh toán đúng mục đích mà chủ thẻ chính là bố mẹ đã thỏa thuận bằng văn bản với ngân hàng.
“Mục đích sử dụng thẻ phụ phải được chủ thẻ chính thỏa thuận với ngân hàng. Như bố mẹ phát hành thẻ phụ cho con phải thỏa thuận với ngân hàng là con chỉ được thanh toán học phí và các khoản khác ở căngtin trong khuôn viên trường học như suất ăn trưa, dụng cụ học tập...” - ông Sơn khẳng định.
Trong khi đó, chuyên gia thẻ Nguyễn Tú Anh cho rằng việc cho trẻ được dùng thẻ phụ để thanh toán học phí, dụng cụ học tập... giúp thuận lợi hơn cho bố mẹ có con học ở các trường quốc tế, nhất là các trẻ đi du học từ cấp II. Tuy nhiên, bố mẹ nên cho con từ 10 tuổi trở lên, tức là từ lớp 4 được sử dụng thẻ, còn trẻ trên 6 - 10 tuổi vẫn còn quá nhỏ để có thể thanh toán bằng thẻ.
Ngoài khuôn viên trường học, theo một số chuyên gia thẻ, bố mẹ cũng nên cho phép con có thể quẹt thẻ ở các khu vui chơi, mua sách vở, đồ dùng học tập ở hệ thống nhà sách, văn phòng phẩm... Bởi việc cho trẻ sử dụng thẻ để thanh toán sẽ trang bị cho trẻ có kiến thức về việc thanh toán không dùng tiền mặt, tự chủ dần trong việc chi tiêu.
“Không nên quá lo lắng khi phát hành thẻ phụ cho con. Bởi thẻ phụ thanh toán ở đâu, khi nào, bao nhiêu tiền thì bố mẹ - chủ thẻ chính đều nắm được. Nếu muốn kiểm soát chi tiêu của con, bố mẹ nên thỏa thuận cả hạn mức thanh toán của thẻ phụ với ngân hàng. Chẳng hạn, một ngày hay một tuần, thẻ phụ không được thanh toán quá 200.000 đồng...” - một chuyên gia thẻ gợi ý.
* Bà Lê Phương Lan (phụ huynh có con học lớp 4 tại Q.Tân Phú, TP.HCM): Khó kiểm soát được chi tiêu Sau khi đọc thông tin trên báo sáng nay, con trai tôi đã đề nghị: “Mẹ làm thẻ ATM cho con đi, bỏ tiền lì xì tết vào đó cho con, con chỉ tiêu khi nào thông báo với mẹ và mẹ đồng ý”. Nhưng tôi đã lắc đầu với con: “Ngay cả mẹ nhiều lúc còn không thể kiềm chế trong chi tiêu mà con”. Thật ra, ngân hàng có lý ở chỗ thẻ do cha mẹ kiểm soát được hạn mức, việc cung cấp thẻ cho trẻ cũng chỉ giống cho chúng tiền tiêu vặt. Dùng thẻ có cái lợi là không lo mất tiền như cầm tiền mặt và trẻ có tiền để đề phòng những trường hợp khẩn cấp. Vấn đề ở chỗ làm sao để chúng tôi kiểm soát chi tiêu của con. Dù khi thẻ phụ rút tiền ở đâu, lúc nào đều được ngân hàng thông báo ngay, nhưng khi đó cũng là sự đã rồi, làm sao ngăn cản con không chi tiêu được. * Ông Võ Quang Minh (phụ huynh có con học lớp 2 tại Q.1, TP.HCM): Lo thông tin cá nhân bị lạm dụng Đọc thông tin về việc cho phép trẻ trên 6 tuổi được sử dụng thẻ ATM, tôi rất lo vì rất có thể các trường phổ thông sẽ “ép” phụ huynh làm thẻ ATM cho học sinh. Đồng ý là trẻ em cần được giáo dục cách tiêu tiền từ nhỏ nhưng theo tôi được biết, nhà trường chưa dạy về điều này. Ngay cả các bậc cha mẹ không phải ai cũng biết cách dạy con về tiền cũng như tiêu tiền sao cho phù hợp. Ngay cả nhiều người lớn cũng đã gặp nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng như: bảo vệ số tiền trong thẻ, bảo vệ thông tin tài khoản... Việc giao một chiếc thẻ cho trẻ em (dù là thẻ phụ) khi các em chưa đủ khả năng bảo vệ nó sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Giao thẻ cho trẻ đồng nghĩa với việc giao thông tin của trẻ (thói quen mua sắm, sở thích...) cho các ngân hàng trong khi việc bảo vệ thông tin khách hàng của các ngân hàng ở VN vẫn chưa thực sự tốt. Rất có thể học sinh và cha mẹ các em sẽ trở thành đối tượng của chiến dịch quảng cáo không mong muốn. Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng với những đứa trẻ có kỹ năng sử dụng và bảo vệ thẻ ATM, việc giao thẻ ATM cũng là một cách giáo dục tốt cho trẻ về cách sử dụng tiền khi không nhìn thấy đồng tiền thực sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận