10/01/2022 09:09 GMT+7

Trẻ đã ở nhà lâu quá rồi!

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Thời điểm này, việc cho trẻ đến trường học trực tiếp là nhu cầu bức thiết không chỉ của học sinh mà cả phụ huynh, bởi các em đã phải ở nhà quá lâu rồi. Cách phòng chống trầm cảm hữu hiệu nhất là hãy cho các em đến trường".

Trẻ đã ở nhà lâu quá rồi! - Ảnh 1.

Trong khi học sinh các khối 7, 8, 9, 10, 11, 12 đã trở lại trường thì học sinh tiểu học và khối 6 vẫn đang học trực tuyến. Trong ảnh: Học sinh lớp 7, Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM, học buổi đầu tiên sau thời gian dài giãn cách - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là nhận định của bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên, trưởng khoa tâm thể, Phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1, TP.HCM. 

Theo bác sĩ Khuyên, số lượng bệnh nhân đến khám tại khoa tâm thể tăng gần 3 lần so với thời kỳ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Riêng bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh tăng gấp 2 lần, đặc biệt trong tháng 12 và tháng 1 thì số bệnh nhân tăng đột biến.

Tôi ủng hộ việc cho trẻ đến trường học trực tiếp, trong đó có cả trẻ mầm non và tiểu học. Tôi có cảm giác nhiều người quá lo sợ về dịch bệnh mà quên đi một thực trạng là khi trẻ ở nhà quá lâu sẽ có nguy cơ bị bệnh về tâm lý. Mà hậu quả của những bệnh về tâm lý thì không đơn giản, cách chữa cũng rất khó.

TS PHẠM THỊ THÚY (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện TP.HCM)

Trầm cảm, rối loạn lo âu

"Trong giờ học online, bỗng nhiên tôi nghe con mình khóc hu hu rất to và thảm thiết. Tôi vội vàng chạy lên hỏi han nhưng con vẫn cứ khóc. Sau 10 phút như thế thì cháu đóng máy lại, nín khóc rồi đứng lên đi rửa mặt. 

Tôi gợi chuyện rằng ai đã làm cho con khóc, con cũng không biết vì sao mình khóc, chỉ là con cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, hồi hộp... Khóc một trận như thế lại thấy dễ chịu hơn" - chị N.H., phụ huynh có con đang học lớp 6 ở Q.3, TP.HCM, chia sẻ.

Theo lời chị H., con chị thay đổi tính tình một cách rõ rệt, không muốn nói chuyện, không muốn ăn cơm cùng gia đình. Thường ngày con rất thích về nhà ông bà nội để chơi cùng các em nhưng thời gian gần đây, con thường kiếm cớ để không phải về thăm ông bà. Con nói chỉ muốn ở một mình trong phòng và đừng ai làm phiền...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia tâm lý ở TP.HCM cho hay thời gian gần đây, số học sinh gặp bất ổn về tâm lý có xu hướng tăng lên. TS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện TP.HCM, thông tin rằng thời gian qua bà đã tham vấn tâm lý cho nhiều trường hợp học sinh bị rối loạn hành vi, cảm xúc.

"Có một học sinh cứ nghe tiếng thầy cô giáo trong máy tính là sợ hãi, hoảng loạn. Ban đêm em không ngủ được còn ban ngày thì ngủ vùi suốt, không thiết ăn uống gì cả. Vì vậy, em phải tạm thời nghỉ học để điều trị. 

Còn những trường hợp học sinh cáu kỉnh, hỗn hào với cha mẹ... thì rất nhiều. Hỏi ra mới biết nguyên nhân là do con học online nhưng không hiểu bài, lại còn bị ba mẹ la mắng rồi ép học thêm online" - bà Thúy kể.

Đến trường là phương pháp hữu hiệu

BS Trần Minh Khuyên phân tích: "Những em bị hội chứng rối loạn lo âu thường có cảm giác hồi hộp, bồn chồn, lo lắng, bất an, khó ngủ, đau cổ gáy... Bất an mà không hiểu tại sao, không rõ chuyện gì. 

Những em có triệu chứng trầm cảm thường có khuôn mặt trầm, buồn, mất năng lượng, kém tập trung, buồn chán, tự ti, không muốn tiếp xúc với ai. Nếu không được can thiệp kịp thời, sự căng thẳng diễn ra kéo dài, đè nén và khi trẻ chịu không nổi thì sẽ dẫn đến giai đoạn tự làm đau bản thân để giải tỏa".

Theo bác sĩ Khuyên, học sinh có nhu cầu rất cao về giao tiếp, vận động... Trước đây, các em được đến trường gặp gỡ, vui đùa, trò chuyện, giãi bày tâm tư, nỗi niềm với bạn bè, thầy cô giáo thì nhiều tháng nay các em phải làm bạn với cái máy tính để học online. 

Trước đây, học sinh không chỉ được đi học, được chơi thể thao trong nhà trường mà ngoài giờ học các em còn được đi chơi, đi bơi, chạy nhảy ở công viên, chơi thể thao ở nhà thiếu nhi, trung tâm... thì nhiều tháng nay các em phải ở yên trong nhà với không gian chật hẹp, tù túng.

"Mọi thói quen bị thay đổi như thế, lâu ngày sẽ dồn nén khiến cho trẻ rơi vào hội chứng rối loạn lo âu. Trong đó nhiều em còn có triệu chứng trầm cảm" - bác sĩ Khuyên nói.

Đồng tình với ý kiến của bác sĩ Khuyên rằng cần để học sinh trở lại trường, TS Phạm Thị Thúy tư vấn thêm: "Hiện nay nhiều trường phổ thông đã sắp xếp chương trình học với cường độ vừa phải nhưng vẫn còn một số trường ép học sinh học quá nhiều. Thế nên, việc đầu tiên của phụ huynh là cân bằng giờ học và giờ chơi cho con em. 

Nếu bị thầy cô giao bài nhiều quá thì phụ huynh cần chủ động trao đổi với giáo viên của con. Biện pháp tiếp theo là khuyến khích con chơi thể thao, vận động theo sở thích của con. Nếu ở nhà không có điều kiện thì có thể cho con đạp xe đạp, chơi cầu lông... vì thành phố đã không còn giãn cách như trước nữa.

Việc cân bằng chế độ ăn uống, nhắc con không được thức khuya cũng rất quan trọng vì học online thì học sinh đối mặt với máy tính quá nhiều trong ngày, đêm lại còn thức khuya chat chit, chơi game... rất dễ rơi vào tình trạng bất ổn tâm lý. 

Bên cạnh đó, không khí gia đình vui vẻ, thoải mái, thường xuyên duy trì bữa cơm gia đình, cha mẹ thường xuyên trò chuyện cùng con cũng là những biện pháp chống trầm cảm cho trẻ".

gd bs đat 10012022 1(read-only)

BS Hà Thanh Đạt giải đáp thắc mắc về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và đi học an toàn - Ảnh: H.HG.

Sáng 9-1, Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tổ chức chuyên đề "Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh trước thời kỳ mới" do ThS.BS Hà Thanh Đạt - phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, bí thư Đoàn Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - trình bày.

Ngoài những kiến thức về cách phòng chống COVID-19, các học sinh Trường Phong Phú còn được bác sĩ Đạt giải đáp những thắc mắc xung quanh việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng như vấn đề đi học an toàn trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay.

Trực tiếp tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp:

Chọn ngành nào trong khối ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược phía Bắc?

Chương trình tư vấn tuyển sinh khu vực phía Bắc với chủ đề "Chọn ngành nào trong khối kỹ thuật - công nghệ - y dược?" sẽ diễn ra vào 19h ngày 11-1. Các khách mời trong chương trình gồm:

- PGS.TS Phạm Xuân Dương - hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam

- NGƯT.TS Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội

- TS Nguyễn Hải Đăng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội

- GS.TS Nguyễn Trung Việt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi

- PGS.TS Lê Đình Tùng - trưởng phòng quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội

- PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - trưởng phòng đào tạo đại học, trưởng bộ môn kỹ thuật điều khiển tự động hóa Trường ĐH Mỏ - địa chất.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022, do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup, diễn ra trên nền tảng Zoom webinar.

Chương trình được phát đồng thời trên các nền tảng: Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn), kênh YouTube báo Tuổi Trẻ và fanpage Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ (https://www.facebook.com/TVTS.tuoitre).

VĨNH HÀ

Nhiều hệ lụy nếu trẻ không đến trường Nhiều hệ lụy nếu trẻ không đến trường

TTO - Kết quả khảo sát hơn 70% phụ huynh lớp 1 ở TP.HCM không muốn cho con đến trường vào thời điểm này khiến các chuyên gia giáo dục, thầy cô, bác sĩ quan ngại. Nhiều người đặt vấn đề về những hệ lụy khi con trẻ ở nhà quá lâu.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên