28/05/2019 08:55 GMT+7

Trẻ chảy máu mũi, bầm tím da do... không ăn rau, trái cây

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Nhiều trẻ đến bệnh viện vì bị chảy máu mũi, viêm nướu răng, chảy máu chân răng, dễ bị vết bầm tím trên da… Sau khi xét nghiệm, loại bỏ những nguyên nhân khác, nhiều trẻ được bác sĩ chẩn đoán thiếu vitamin C.

Trẻ chảy máu mũi, bầm tím da do... không ăn rau, trái cây - Ảnh 1.

Bác sĩ khuyên cho trẻ ăn trái cây, uống nước cam và ăn nhiều rau xanh để không bị thiếu vitamin C - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN

Một ngày, trẻ em và người lớn cần uống ít nhất 1 ly nước cam hoặc 1 ly kiwi hay một ly dâu…, các loại rau củ quả thông thường khác cần 200 gam.

Bác sĩ PHẠM VĂN HOÀNG

Bé trai N.V.K. mới hơn 6 tuổi mà đã cao đến gần 1,3m và nặng 30kg. K. phổng phao so với các bạn cùng lứa tuổi. Nhưng những tháng gần đây, ba mẹ bé thấy con có những vết bầm tím ở tay, chân.

Trẻ cao lớn vẫn bị thiếu vitamin C

Lo lắng về sức khỏe của con, gia đình đưa K. đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khám. Sau khi loại trừ những nguyên nhân do bệnh máu di truyền, bệnh máu mắc phải như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh lý về đông máu..., bác sĩ đã hỏi thêm về chế độ ăn thì được biết bé ăn rất ít rau, trái cây. 

Bác sĩ đã chẩn đoán K. bị thiếu vitamin C và cho uống thuốc bổ sung vitamin C, đồng thời khuyến cáo phụ huynh cho bé ăn uống theo một chế độ nhiều rau xanh và trái cây. Khoảng 2 tuần sau, các vết bầm tím trên người K. không còn nữa.

Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Hoàng, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1, không chỉ những trẻ gầy ốm mà ngay cả những trẻ cao lớn, phổng phao vẫn có thể bị thiếu vitamin C. 

Bác sĩ Hoàng Thị Tín, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, chanh và các loại rau như bông cải xanh, rau có màu xanh đậm. 

Nếu trẻ ăn một chế độ ăn đa dạng các loại rau xanh, trái cây thì không thể thiếu vitamin C. Chỉ những trẻ kén ăn, ăn không đa dạng, chỉ uống sữa, không ăn rau, trái cây mới có khả năng thiếu vitamin C.

Vitamin C tan trong nước nên ít khi gây ngộ độc. Nếu ăn uống dư thừa vitamin C cũng sẽ được thải qua đường tiểu. Còn uống nhiều vitamin C bằng thuốc sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa như gây ói, tiêu chảy, bụng lình bình, tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Dù là vitamin hay các vi chất khi bổ sung cũng phải có chỉ định của bác sĩ, chứ không được tự ý dùng ồ ạt. Bác sĩ khuyến nghị nên cho trẻ ăn đa dạng, ăn nhiều rau, trái cây để trẻ không bị thiếu vi chất (thiếu vitamin và muối khoáng). 

Thiếu vi chất là một "nạn đói tiềm ẩn" vì không gây triệu chứng rõ rệt...

Nhóm nguy cơ cao thiếu vitamin C

Theo bác sĩ Hoàng, thời gian đầu người thiếu vitamin C sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, kiệt sức, chán ăn. Sau một tháng, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm, dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, các vết thương sẽ khó lành, da bị bầm tím, dễ xuất huyết da, nướu răng bị viêm, chảy máu.

Bệnh thiếu vitamin C thường xảy ra ở trẻ em, phụ nữ mang thai, những người bị bệnh, sốt, nhiễm trùng... Nhiều người cho rằng sau phẫu thuật nên ăn kiêng, nhưng điều này không đúng, vì thực tế những người sau khi được phẫu thuật cần vitamin C nhiều hơn những người bình thường do vitamin C giúp cho quá trình tái tạo mô liên kết, collagen và liền vết thương nhanh hơn. 

Người già, người hay hút thuốc lá cũng cần một lượng vitamin C nhiều hơn người bình thường.

Vitamin C rất dễ bị ánh sáng và nhiệt độ phá hủy, nên những loại vitamin C bổ sung phải được đựng trong các chai đậy nắp kín, chai đựng phải có màu sắc đậm để chống ánh sáng, sử dụng xong phải đậy nắp kỹ và để ở nơi mát, tránh ánh sáng. 

Khi chế biến các loại rau xanh, không nên đun sôi lâu quá. Tùy từng loại thực phẩm, nếu đun sôi 20 phút, lượng vitamin C giảm đáng kể từ 42-85%. Vì vậy, có nhiều trường hợp ăn đầy đủ rau củ quả nhưng nếu chế biến thức ăn không đúng cách vẫn bị thiếu vitamin C.

Nam cần nhiều vitamin C hơn nữ

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng cho biết nam giới làm việc thể lực nhiều, nên cần vitamin C nhiều hơn nữ. Nhưng nam giới lại ít ăn trái cây, đặc biệt là những loại trái cây có vị chua, và rau xanh, nên có nguy cơ thiếu vitamin C hơn nữ giới. 

Chưa kể, với những người hút thuốc lá, nhu cầu cần vitamin C còn tăng cao hơn nữa, vì thuốc lá phá hủy vitamin C. Những người bị hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng cần vitamin C nhiều hơn người bình thường.

Theo tuổi tác, collagen trong cơ thể sẽ giảm, đặc biệt ở vùng da mặt sẽ giảm rất nhanh khiến da nhăn nheo, tạo nhiều nếp nhăn. Cung cấp vitamin C đầy đủ cho cơ thể sẽ giúp điều hòa và tăng sản xuất collagen, giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lão hóa và trẻ lâu hơn. 

Vitamin C giúp phòng ngừa các bệnh như tim mạch, đột quỵ vì tăng độ bền thành mạch, giảm nguy cơ mắc các loại ung thư vì giúp tế bào miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư giai đoạn sớm. 

Vitamin C là chất chống oxy hóa rất tốt, bảo vệ tế bào khỏi những môi trường bị ô nhiễm, tia ánh nắng mặt trời, khói thuốc lá, bụi bẩn...

Một câu hỏi quen thuộc mà các bà mẹ hay hỏi bác sĩ là "làm cách nào để tăng sức đề kháng cho trẻ?". Bác sĩ Hoàng cho biết một trong những cách là cung cấp đầy đủ vitamin C, giúp hoạt động của tế bào bạch cầu - "đội quân" bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn, virút - tốt hơn, hiệu quả hơn. Nếu cơ thể thiếu vitamin C thì khả năng hoạt động của "đội quân" này giảm đi đáng kể, chỉ còn khoảng 50%.

Trẻ chảy máu mũi, bầm tím da do... không ăn rau, trái cây - Ảnh 3.
Vitamin C trong trái cây và các viên vitamin, loại nào tốt hơn? Vitamin C trong trái cây và các viên vitamin, loại nào tốt hơn?

Cam, quýt, bưởi là những loại quả sẵn có của nước ta, từ đồng bằng đến miền núi nơi nào cũng có và đều là những "kho" chứa vitamin C rất quý.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên