18/04/2019 11:40 GMT+7

Trẻ bị xâm hại, phải chạy khắp nơi để xin được giám định

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Câu chuyện được đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu lên tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM tại quận Bình Tân về tình hình thực hiện Luật trẻ em, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quận sáng 18-4.

Trẻ bị xâm hại, phải chạy khắp nơi để xin được giám định - Ảnh 1.

Buổi giám sát tại UBND Q.Bình Tân sáng 18-4 - Ảnh: MAI HOA

Đại biểu Tố Trâm nêu lại câu chuyện em bé 5 tuổi ở quận Tân Bình mà báo chí vừa đưa: em bị xâm hại từ 4h chiều, hai mẹ con chạy lòng vòng từ phường lên quận, lên trung tâm giám định tới 12h đêm vẫn không được giám định... Cuối cùng phải tới sáng hôm sau, khi họ cầu cứu lên các hội ở cấp TP thì mới được trợ giúp đưa đi giám định.

Theo bà Trâm, ngay giữa trung tâm TP.HCM mà hai mẹ con phải đi suốt đêm để được bảo vệ quyền lợi của mình là việc rất cần suy nghĩ. 

"Người dân cảm thấy không được bảo vệ. Công tác tuyên truyền dù có mọi hình thức nhưng người dân cảm giác không được bảo vệ và kẻ xâm hại không bị xử nghiêm thì mọi việc đổ sông đổ bể", bà Trâm nói.

Đại diện Sở Y tế - bác sĩ Vương Anh Tài, phó phòng nghiệp vụ y, khẳng định khi gặp sự việc thì việc giám định pháp y cần làm ngay, nhưng phải báo với công an quận để có hồ sơ, trưng cầu giám định. "Đó là vấn đề để có đủ thủ tục chứ không phải đùn đẩy", ông Tài phân trần.

Ông Tài còn cung cấp số điện thoại di động của giám đốc trung tâm giám định pháp y và số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế - 19009095 để các đơn vị tiện liên lạc.

Bác sĩ Tài cho biết thêm khi trẻ bị bạo hành, các bệnh viện từ quận huyện trở lên đều có quyền chứng nhận về thương tật. Riêng về xâm hại tình dục, không phải chỉ mình trung tâm giám định pháp y phải làm, mà các bệnh viện sản nhi có chuyên môn cũng có thể xử lý ngay vết thương, chăm sóc điều trị.

Tại buổi giám sát, một vấn đề được các đại biểu rút ra là rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra ở phòng trọ - nơi các em sinh sống cùng gia đình nhưng cha mẹ vì mưu sinh nên ít quan tâm đến con cái.

Hiện quận Bình Tân có gần 98.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong hai năm 2017-2018 đã xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em. "Số trẻ bị tai nạn lao động, bị thương tích và bị xâm hại phần lớn xảy ra ở nhóm trẻ tạm trú", bà Nguyễn Thị Cẩm - phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân - nói.

Theo thống kê, trên địa bàn quận có 1.889 nhà trọ, phòng trọ và nhà ngăn phòng cho thuê, với hơn 216.217 người thuê để ở, trong đó có đối tượng trẻ em sống với cha mẹ và đa phần có cuộc sống khó khăn.

Ông Nghiêm Văn Út - phó trưởng công an quận - nhận định rằng số dân nhập cư ngày càng tăng, chủ yếu là lao động phổ thông, không công ăn việc làm, nhà cửa ổn định, trẻ em trong các gia đình này là đối tượng dễ bị xâm hại về lao động, bạo hành và tình dục.

Đại diện Thành đoàn, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP cũng cho biết thời gian qua đã nhận thấy vấn đề này và hướng việc tuyên truyền vào các khu vực nhà trọ, đối tượng phụ huynh…

Với các trường hợp bạo hành trong trường học, ông Đỗ Đình Thiện - phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết đã chỉ đạo, từ nay trên địa bàn quận nếu xảy ra bạo hành trẻ thì giáo viên bạo hành phải bị buộc thôi việc, hiệu trưởng phải bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.
‘Xử lý dâm ô trẻ em mà yêu cầu dựng lại hiện trường?’ ‘Xử lý dâm ô trẻ em mà yêu cầu dựng lại hiện trường?’

TTO - Việc này được luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM nêu ra tại buổi khảo sát của HĐND TP.HCM về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em sáng 17-4.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên