Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bên hành lang Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Liên quan đến phần tranh luận tại hội trường Quốc hội trong phiên họp được truyền hình trực tiếp ngày 9-6 giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) về cách nhìn nhận vụ việc Đồng Tâm, sáng nay 12-6, trao đổi với báo chí bên hành lang, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lên tiếng.
Sẽ tiết chế hơn khi phát biểu
“Với tinh thần cầu thị, tôi cảm ơn đại biểu Phương đã tranh luận, nhưng thực chất tôi coi đó là lời góp ý quý dành cho mình. Đôi khi mình cần tiết chế cảm xúc, sử dụng từ ngữ chừng mực hơn khi phát biểu tại nghị trường, tránh sự hiểu nhầm và tạo bức xúc không đáng có cho người khác” – đại biểu Nhưỡng nói.
Về nội dung phát biểu liên quan đến vụ việc Đồng Tâm, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Hôm đó tôi chuẩn bị ý kiến về vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiến nghị của cử tri, nhất là kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền”.
“Khi Tổng thanh tra Chính phủ giải trình, tôi thấy không đề cập đến trách nhiệm của ngành thanh tra, dường như lỗi là của các bộ ngành, địa phương, tôi đã đề nghị được tranh luận vấn đề đó”, ông Nhưỡng nói.
“Để dẫn chứng, tôi nêu 3 vụ việc do cá nhân tôi trực tiếp theo dõi, giám sát: vụ bến xe Thượng Lý (Hải Phòng), vụ tố cáo cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy (Bộ GTVT) và vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Trong cả 3 vụ, vai trò của Thanh tra Chính phủ rất mờ nhạt, trong khi lẽ ra phải có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giải thích rằng khi đề cập vụ Đồng Tâm, do thời gian phát biểu còn ít, và ông ngại phải xin thêm thời gian, nên đã không thể hiện được hết ý, gây hiểu lầm.
“Tôi muốn đề cập đến việc xảy ra ở xã Đồng Tâm ngày 15-4, khi lực lượng vào bắt giữ những người bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ, nhưng do cách làm không hợp lý, trong đó có việc gây thương tích nặng, làm gãy chân cụ Lê Đình Kình, một người đã hơn 80 tuổi đời và 60 năm tuổi Đảng, khiến cụ phải nằm viện dài ngày”, ông Nhưỡng nói.
“Việc đó gây phản cảm và bức xúc cho bà con, dẫn đến việc bà con bắt giữ các sĩ quan và chiến sĩ cảnh sát cơ động, đến khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vào đối thoại mới đưa được anh em về”.
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 9-6, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (trái) nhận định căng thẳng trong vụ việc ở Đồng Tâm hồi tháng 4 là do "cơ động áp đảo bà con", đại biểu Trịnh Ngọc Phương (phải) phản ứng gay gắt rằng "chính người dân Đồng Tâm mới là đàn áp lại nhóm người thực thi nhiệm vụ". |
Công tác tiếp dân chưa tốt
Đại biểu Bến Tre, ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, nói thêm: “Điểm tôi muốn đề cập là trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ: Vụ việc liên quan đến đất đai sân bay Miếu Môn thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, thanh tra thành phố ra quyết định thanh tra là vượt thẩm quyền”.
“Nhưng Thanh tra Chính phủ không tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo việc thanh tra đó, chứng tỏ sự hạn chế, thiếu trách nhiệm. Đây là điểm chính tôi muốn nhấn mạnh chứ không phải việc Đồng Tâm”, ông Nhưỡng khẳng định nếu có đủ 7 phút, ông sẽ trình bày đầy đủ, chính xác hơn để không bị hiểu nhầm.
Theo quy định, các đại biểu giơ biển tranh luận có không quá 3 phút để trình bày.
Quay lại vụ việc Đồng Tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh khía cạnh liên quan đến tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo: Đối với những vụ việc như vậy, các cơ quan đã không chịu lắng nghe dân, thiếu quan tâm đến việc giải quyết đơn thư của dân, gây bức xúc thời gian dài.
“Khi tham dự cuộc đối thoại ở Đồng Tâm, tôi đã chứng kiến người dân bức xúc. Khi đối thoại, Chủ tịch UBND TP cũng nói vụ việc xảy ra đáng tiếc như thế là có trách nhiệm của các cơ quan của thành phố chưa kịp thời vào cuộc”, ông Nhưỡng nói.
Không những thế, vai trò của công tác tiếp dân cũng được lãnh đạo đảng, Nhà nước nêu rõ, theo ông Nhưỡng: Tiếp xúc cử tri TP.HCM ngày 26-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói nếu chính quyền biết lắng nghe thì đã không có vụ Đồng Tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến khi tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 13-5 rằng vụ Đồng Tâm là do chính quyền không sát dân, giải quyết sai pháp luật.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khi tiếp xúc cử tri Đồng Nai ngày 25-4 nêu: “Sự việc ở Đồng Tâm là bài học đắt giá, không được để từ sơ suất nhỏ đẻ ra sơ suất lớn, dẫn đến người dân mâu thuẫn với chính quyền, nguy hiểm nhất là dân không tin vào việc xử lý của chính quyền địa phương”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận