13/03/2013 11:15 GMT+7

Tránh lạm dụng quyền được bắn

MINH QUANG thực hiện
MINH QUANG thực hiện

TT - Trong các số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu những ý kiến khác nhau về dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, hôm nay là góc nhìn của những người trong cuộc.

"Công an được bắn": cần quy định cụ thểChống người thi hành công vụ: công an được bắnChống người thi hành công vụ, công an được bắn: ý kiến khác nhau

HpjLn9B4.jpgPhóng to
Nạn nhân Bùi Văn Lợi (45 tuổi) chết do bị thượng sĩ Nguyễn Duy Tùng (Công an huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) bắn chỉ thiên nhưng súng cướp cò. Ngày 14-12-2012, Công an Bắc Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Duy Tùng về hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ - Ảnh: A.T.

* Thiếu tướng Trần Văn Vệ (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an):

Đề phòng việc lạm dụng vũ khí

Quy định người thi hành công vụ được nổ súng vào đối tượng chống đối là cần thiết, đó là quan điểm của thiếu tướng Trần Văn Vệ. Tuy nhiên, ông Vệ cho rằng cần cụ thể hơn để tránh lạm dụng vũ khí. Thiếu tướng Vệ nói:

- Tôi nghĩ rằng cần thiết phải có quy định về nổ súng đối với trường hợp chống người thi hành công vụ vì bản thân pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 chưa đáp ứng được mong muốn liên quan đến các hành vi chống người thi hành công vụ. Pháp lệnh đã quy định bảy trường hợp cụ thể được nổ súng và cũng nêu rõ bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định cụ thể các trường hợp nổ súng khác.

Trong thực tế có hàng nghìn trường hợp cần nổ súng. Do chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên nhiều cán bộ, chiến sĩ không dám nổ súng vì sợ bị sai phạm, bị kỷ luật... Chuyện này không chỉ riêng công an mà ngay cả hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển cũng gặp phải. Hải quan đi bắt buôn lậu mà bị tấn công, chống lại thì có khi không dám nổ súng do chưa có hành lang pháp lý cụ thể.

* Việc cho phép nổ súng như vậy có thể dẫn tới lạm dụng, thưa ông?

- Theo tôi thì không. Bởi vì với các cán bộ chiến sĩ cố tình vi phạm thì không cần có quy định này họ vẫn nổ súng. Ví dụ như vụ công an viên bắn vào dân ở Gia Lai... Quan trọng nhất là phải có quy định cụ thể hơn.

Hiện nay trong cán bộ công an có người rất sợ cầm súng, bởi nếu mất súng sẽ bị kỷ luật. Thậm chí trong trường hợp sử dụng súng đúng, ai làm chứng cho công an là đúng? Vì thế, phải tạo ra một hành lang pháp lý để những cán bộ thi hành nhiệm vụ độc lập dám và được sử dụng vũ khí bảo vệ mình, bảo vệ người khác, tài sản quốc gia...

* Có ý kiến cho rằng lực lượng thi hành công vụ có thể sử dụng võ thuật, công cụ hỗ trợ để trấn áp chứ đâu nhất thiết phải nổ súng. Quan điểm của ông như thế nào?

- Nếu hành vi của người chống người thi hành công vụ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ, của người khác thì cần phải nổ súng. Kể cả việc nổ súng bắn chết người đó mà cứu được tính mạng 4-5 người khác thì cũng phải làm. Tình huống cụ thể thì phải căn cứ trên thực tiễn, tùy cơ ứng biến.

* Trên thực tế, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính sẽ gặp khó khăn hơn lực lượng phòng chống tội phạm khi quyết định tình huống nổ súng đối với đối tượng chống người thi hành công vụ?

- Đúng vậy, với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm thì cơ bản đã có thể xác định được tội phạm và gặp đối tượng phạm tội điên cuồng chống trả thì họ có thể nổ súng để trấn áp, thậm chí tiêu diệt. Thế nhưng đối với cảnh sát quản lý hành chính như 113, cảnh sát giao thông... các trường hợp chống đối chưa chắc đã là tội phạm, có thể đó chỉ là thanh thiếu niên hư, nên lực lượng này sẽ gặp khó khăn khi phán đoán tình huống phải nổ súng. Do đó tôi vẫn khẳng định phải có hành lang pháp lý, còn trên thực tế cán bộ chiến sĩ phải căn cứ trên tình huống thực tiễn để quyết định.

* Xin cảm ơn ông.

MINH QUANG thực hiện

* Đại tá Lê Quang Đán (trưởng Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên):

Chỉ nổ súng trong trường hợp bất khả kháng

Điện Biên là điểm nóng về tội phạm ma túy... Chỉ riêng trong năm 2012, lực lượng biên phòng tỉnh Điện Biên đã bắt được 184 vụ buôn bán ma túy và 216 đối tượng để giao cho công an tỉnh xử lý. Hầu hết các đối tượng buôn bán ma túy đều hoạt động manh động và liều mạng, được trang bị vũ khí nóng để chống đối lại lực lượng chức năng. Chưa bao giờ lực lượng bộ đội biên phòng phải nổ súng trực tiếp vào đối tượng, dù trong năm năm qua có ít nhất ba vụ cán bộ chiến sĩ của biên phòng Điện Biên bị các đối tượng buôn bán ma túy bắn vào người, chém vào mặt và bị lăn xuống vực sâu.

Cụ thể ngày 26-4-2006, đồng chí Cao Ngọc Đường bị đối tượng dùng súng bắn vào đùi. Tuy nhiên, sau đó lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đã truy bắt được đối tượng và tước đoạt vũ khí. Đồng chí Cao Ngọc Dũng bị đối tượng buôn bán ma túy dùng dao chém vào mặt; đồng chí Nguyễn Chí Linh trong khi đi bắt đối tượng đã dũng cảm xông vào ôm chặt đối tượng rồi cả hai đều bị lăn xuống vực sâu và Linh bị thương rất nặng... Dù cán bộ bị tổn thương như vậy nhưng các đối tượng khi bị bắt đều an toàn tính mạng. Chưa bao giờ cán bộ chiến sĩ biên phòng Điện Biên nổ súng trực tiếp vào đối tượng, thường thì sau khi nổ súng chỉ thiên cảnh cáo chúng đã buông vũ khí đầu hàng rồi. Những trường hợp manh động thì cán bộ chiến sĩ đều dùng chiến thuật bắt được cả.

Theo quy định từ trước đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng chỉ được bắn trả nếu bị đối tượng sử dụng vũ khí gây nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ chiến sĩ. Tuy nhiên, trong thực tế nếu lực lượng chức năng làm việc trên địa hình bằng phẳng (cảnh sát giao thông chẳng hạn), nơi đông người... thì không cần thiết phải bắn, trừ trường hợp đối tượng có súng, bắn trực tiếp vào lực lượng chức năng. Bởi bắn ở nơi đông người gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Nên quan điểm của tôi là không ủng hộ bắn nếu không rơi vào tình huống nguy hiểm thật sự.

Với địa hình rừng núi hiểm trở, lực lượng bộ đội biên phòng ngoài việc được trang bị vũ khí và các công cụ hỗ trợ còn phải giỏi về võ thuật và chiến thuật, có sức khỏe tốt để có thể hoạt động trên địa bàn. Khi được trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ và võ thuật, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều có đủ kỹ năng và chiến thuật để khống chế đối tượng bằng võ thuật.

Tôi nhấn mạnh lại rằng chỉ trong trường hợp bất khả kháng, lực lượng chức năng phải nổ súng để tiêu diệt hoặc làm sát thương để bảo toàn tính mạng cho bản thân và đồng đội. Nếu đã bắn chỉ thiên cảnh cáo mà đối tượng không đầu hàng thì mới phải bắn trực tiếp.

HOÀNG ĐIỆP ghi

* Thiếu tướng TRẦN ĐÌNH NHÃ (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội):

Dư luận lo ngại là có cơ sở

Tôi thấy dư luận lo ngại về quy định ở khoản 2 điều 18 dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ là có cơ sở. Dự thảo nghị định đã đưa việc nổ súng “trực tiếp vào người và phương tiện” lẫn vào với việc “sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật”. Quy định các trường hợp được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm lại chưa rõ ràng bằng điều 22 pháp lệnh 16/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Quy định ở pháp lệnh đã cân nhắc và khá rõ ràng: người thi hành công vụ được nổ súng căn cứ vào tình huống rất cụ thể do pháp lệnh quy định và theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền. Người thi hành công vụ được trang bị vũ khí chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Còn trường hợp được nổ súng ngay mà không cần cảnh báo cũng đã được quy định rõ. Việc được nổ súng trực tiếp vào người, vào phương tiện giao thông, vào động vật là việc hệ trọng, nên từng trường hợp cụ thể (gồm bảy trường hợp cụ thể) như thế nào đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định ở khoản 3 điều 22 pháp lệnh. Muốn sử dụng vũ khí, người thi hành công vụ phải căn cứ vào các quy định này.

Để đảm bảo không bó buộc người được trang bị súng và cũng không xâm phạm bất hợp pháp tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác, theo tôi, nghị định của Chính phủ nếu không hướng dẫn rõ hơn các quy định của pháp lệnh 16/2011 thì nên viện dẫn các quy định này để bạn đọc hiểu và yên tâm, tránh việc hiểu lầm và lạm dụng.

LÊ KIÊN ghi

* Thượng tá Tô Danh Út (chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM):

Quan trọng là thái độ của cả hai bên

Nói chung trong khi thi hành nhiệm vụ, chúng tôi cũng đã gặp những trường hợp chống người thi hành công vụ nhưng rất ít khi xảy ra việc bắn vào đối tượng. Gặp những trường hợp đối tượng có những hành vi chống trả quyết liệt hoặc ngoan cố thì các cán bộ có những biện pháp nghiệp vụ khác”.

Vừa qua, báo chí cũng đăng tải nhiều trường hợp người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ quyết liệt, thậm chí có những hành vi rất nguy hiểm: dùng hung khí, đâm xe vào cảnh sát và hất cảnh sát giao thông lên nắp capô. Tôi nghĩ dự thảo nghị định ra đời nhằm bảo vệ lực lượng cảnh sát giao thông đang làm việc trên đường trước những tình huống bị hành hung.

Bản thân tôi trong nhiều năm đi làm nhiệm vụ cũng ít gặp đối tượng chống đối. Và thực tế ở lực lượng biên phòng TP.HCM chưa bao giờ xảy ra trường hợp cần phải nổ súng. Những người phạm tội mà lực lượng biên phòng TP.HCM bắt thường là buôn lậu, tạm nhập trái phép, gian lận thương mại, vi phạm quy định quy chế cửa khẩu... Khi bị phát hiện và bắt giữ, họ chưa bao giờ phản kháng. Lực lượng bị các đối tượng chống đối quyết liệt thường là công an.

Tôi cho rằng vấn đề cơ bản vẫn là thái độ của hai bên, nhất là lực lượng thi hành công vụ. Lực lượng này phải có trách nhiệm báo cho đối tượng hiểu rằng họ đã vi phạm và phải chấp hành theo yêu cầu của người thi hành công vụ.

Về ý kiến cho rằng các hành vi vi phạm giao thông hiện nay chủ yếu diễn ra trên đường, nếu cảnh sát giao thông được nổ súng sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường, tôi hoàn toàn đồng ý. Phải tùy theo tình huống cụ thể, chẳng đặng đừng mới sử dụng súng. Nếu không sẽ gây liên lụy đến người khác.

HOÀNG ĐIỆP ghi

MINH QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên