Xin giới thiệu tiếp cùng bạn đọc.
"Công an được bắn": cần quy định cụ thểChống người thi hành công vụ: công an được bắn
Phóng to |
Cảnh sát cơ động khống chế một cổ động viên Hải Phòng quá khích ở góc phố Hàng Cháo - Nguyễn Thái Học (Hà Nội) - Ảnh: N.Nhật |
Kiểm lâm ủng hộ
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 11-3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (phụ trách lâm nghiệp, kiểm lâm) cho biết cơ quan này chưa hề nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan soạn thảo. Hơn nữa, ông cũng chưa tiếp cận được dự thảo nghị định này nên chưa thể có ý kiến.
Khi được trao đổi, giới thiệu về dự thảo nghị định, cả ông Hoàng Xuân Trinh, trưởng phòng thanh tra - pháp chế và ông Trương Tất Bạt, trưởng phòng tuyên truyền - xây dựng lực lượng (Cục Kiểm lâm) đều bày tỏ sự ủng hộ biện pháp “nổ súng trực tiếp”.
Theo ông Bạt, tình trạng chống người thi hành công vụ là vấn đề lực lượng kiểm lâm đang rất bức xúc. Lực lượng kiểm lâm thì mỏng, công cụ hỗ trợ chỉ được trang bị hạn chế, thường thi hành công vụ ở những nơi hẻo lánh, trong rừng. Trong khi đó, lâm tặc thì đông, rất manh động, táo tợn, ngang nhiên chống đối, thách thức và đánh trả kiểm lâm rất quyết liệt. Dù đã có những văn bản quy định pháp luật cho phép lực lượng kiểm lâm được sử dụng các công cụ hỗ trợ, tuy nhiên do hướng dẫn còn chung chung, sơ sài nên nhiều khi kiểm lâm không dám sử dụng đến công cụ hỗ trợ. Đã có những trường hợp kiểm lâm nổ súng nhưng sau đó lại bị xử lý hình sự, nên tâm lý chung là kiểm lâm viên ngại dùng công cụ hỗ trợ. Chính vì những nguyên nhân này nên lâm tặc ngày càng lộng hành, và mỗi năm lại có nhiều vụ kiểm lâm bị lâm tặc chống trả, nhiều cán bộ kiểm lâm bị thương, tàn phế, thậm chí có nhiều trường hợp hi sinh.
Theo số liệu không đầy đủ của Cục Kiểm lâm, từ năm 2000 đến hết năm 2012, chỉ qua một số báo cáo từ địa phương và tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan này ghi nhận có 541 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 88 vụ nghiêm trọng. Số công chức kiểm lâm bị thương trong các vụ này lên tới 260 người, có 10 kiểm lâm viên hi sinh. “Trong những tình huống này, cần thiết phải có quy định, hướng dẫn chi tiết để người thi hành công vụ được phép nổ súng vào đối tượng lâm tặc. Có như vậy kiểm lâm mới làm việc, chứ như hiện nay lâm tặc “nhờn” kiểm lâm, không hề biết sợ lực lượng chức năng bảo vệ rừng” - ông Trương Tất Bạt bức xúc nói.
Các cán bộ Cục Kiểm lâm cũng cho rằng nếu quy định này được Chính phủ phê duyệt, thì cơ quan liên quan cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong trường hợp nào thì được nổ súng, và làm sao để người thi hành công vụ không lạm dụng biện pháp này.
* Ông NGUYỄN ĐỨC BÌNH (chánh án TAND TP Hà Nội, nguyên phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân):
Ngành công an đã có quy định cụ thể về trường hợp được phép nổ súng
Chống người thi hành công vụ là một loại tội phạm đã được Bộ luật hình sự quy định rõ. Nếu quy định riêng tội này được phép nổ súng thì cần xem xét với các tội khác trong Bộ luật hình sự cũng phải quy định trường hợp được nổ súng. Thực tế thì các quy định đối với lực lượng công an đã cụ thể hóa những hành vi được phép nổ súng, đâu phải chỉ có mỗi chống người thi hành công vụ. Cùng với quy định được phép nổ súng còn có các quy định về việc trang bị sử dụng súng... Các quy định về vấn đề nổ súng đều phải tuân theo các quy định của luật, pháp lệnh đã quy định từ trước và còn có hiệu lực. Chẳng hạn Luật CAND năm 2005 điều 14 quy định công an được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết để chủ động tấn công tội phạm và phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
Tôi cho rằng cần phải làm đúng quy định của pháp luật thì sẽ hạn chế được việc lạm dụng các quy định này.
M.QUANGghi
* Luật sư TRẦN THỊ MIỀN:
Không cần ban hành nghị định
Chống người thi hành công vụ là một hành vi vi phạm pháp luật hiện đã có cách xử lý: nhẹ thì xử phạt hành chính theo nghị định 73/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (có hiệu lực từ ngày 1-9-2010), nặng thì xử lý hình sự theo điều 257 Bộ luật hình sự. Về mặt hình sự, dù tính chất đơn giản hay phức tạp thì tội chống người thi hành công vụ cũng chỉ là một trong nhiều loại tội phạm mà việc ngăn chặn, xử lý đã được pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật hình sự quy định rõ. Giờ có lý do gì để phải có thêm nghị định “chuyên trị”?
Theo Bộ Công an, do tình trạng chống người thi hành công vụ đang gia tăng với mức độ táo tợn nên nghị định mới sẽ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi này. Tuy nhiên, các biện pháp được đưa ra trong dự thảo vừa không chi tiết hơn so với các văn bản hiện hành lại vừa chung chung như muốn đánh đố mọi người. Đơn cử như khoản 2 điều 18 của dự thảo: “Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công…”. Nhưng thế nào là “có căn cứ thực tế”? Có phải “nổ súng trực tiếp vào người” là bắn vào đâu cũng được bất kể có nguy cơ sát thương hay không thì chưa thấy quy định rõ.
Có một điểm cần lưu ý là pháp lệnh số 16/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (có hiệu lực từ 1-1-2012) đã đưa ra nguyên tắc: “Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo... Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra”. Cũng pháp lệnh này có liệt kê các trường hợp được nổ súng (xem bảng). Có nghĩa là quy định dùng súng “trường hợp nào được bắn, trường hợp nào không” đã có đủ và do là pháp lệnh nên nếu cần bổ sung thì cũng phải ở cấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không thể ở cấp Chính phủ.
Theo tôi, nếu nhận thấy các mức phạt đang áp dụng thật sự còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, Bộ Công an có thể nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định 73/2010, Quốc hội sửa đổi Bộ luật hình sự. Riêng việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để trấn áp, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ, Bộ Công an chỉ cần chỉ đạo các cơ quan công an địa phương thực hiện đúng theo pháp lệnh 16/2011 là được rồi. Phương án đệ trình Chính phủ ban hành nghị định riêng biệt trong vụ này là không cần thiết vì nhiều khả năng không giải quyết được gì, lại còn dễ dẫn đến lạm quyền.
Điều 22 pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 quy định về các trường hợp được nổ súng: 1. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của quân đội nhân dân, dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của công an nhân dân thực hiện theo quy định của bộ trưởng Bộ Công an. 2. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây: a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra. 3. Các trường hợp nổ súng gồm: a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; đ) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại; e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế: Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. 4. Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận